Hoàng Văn (Quảng Nam)-
Hiện nay việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị hoặc thi công các công trình có liên quan đến ngân sách nhà nước đều đòi hỏi phải tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thi công công trình có giá tốt nhất, chất lượng đảm bảo theo quy định. Việc đấu thầu là một hình thức công khai, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp các dịch vụ cho các chủ đầu tư góp phần minh bạch hóa việc quản lý đồng thời tiết kiệm được kinh phí, ngân sách.
Trong thời gian qua, việc đấu thầu mới chủ yếu triển khai dưới hình thức mời chào thầu và đấu thầu theo kiểu thủ công khi các chủ đầu tư thông báo bán hồ sơ thầu, bên có nhu cầu mua hồ sơ và nộp lại. Đến thời điểm ấn định thì mở gói thầu để xác định đơn vị trúng thầu. Mặc dù cũng mang tính công khai, khách quan song hình thức đấu thầu này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như số lượng bên mời thầu ít (thường gói gọn trong địa phương), thủ tục giấy tờ rườm rà, việc gặp mặt giữa các nhà thầu và chủ đầu tư dễ dàng dẫn đến hiện tượng thông thầu, bắt tay nhau…
Chính vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKH-BTC ngày 8-9-2015 ghi rõ bắt đầu từ đầu năm 2016, các chủ đầu tư, bên mời thầu phải tổ chức đấu thầu qua mạng. Có thể nói việc tổ chức đấu thầu qua mạng có thể sẽ là một bước tiến trong cải cách hành chính, sẽ góp phần giúp tiết kiệm do giảm chi phí in ấn, đi lại, đồng thời làm minh bạch quá trình đấu thầu, giảm tối đa tình trạng thông thầu, tránh tình trạng “quân xanh, quân đỏ”.
Tuy nhiên việc đấu thầu qua mạng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập từ nhiều phía khiến hoạt động này chưa được đẩy mạnh.
Nguyên nhân việc chưa thực hiện tốt đấu thầu qua mạng được các chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra là do hạ tầng thông tin chưa đồng bộ dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Mặt khác đây là nội dung còn khá mới mẻ nên các chủ đầu tư, bên mời thầu còn lúng túng, chưa có đủ cán bộ am hiểu để thực hiện tốt. Đặc biệt khi thực hiện những yêu cầu đấu thầu qua mạng đòi hỏi các đơn vị phải thực hiện những giao dịch dưới dạng điện tử, song hiện nay các tài liệu điện tử, chữ ký số, con dấu tư cách pháp nhân… trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận đầy đủ; chưa được quy định cụ thể ở các văn bản pháp quy, nhất là quy định về sự phối hợp của các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra, giám sát… nên khiến nhiều đơn vị ngại thực hiện.
Để hoạt động đấu thầu qua mạng ngày càng phổ biến đòi hỏi các cơ quan có liên quan cần phải xây dựng những văn bản pháp quy để thực hiện tốt nội dung này. Ngoài ra cần phải tăng cường đẩy mạnh tập huấn để cán bộ của nhà đầu tư và bên mời thầu thành thạo hoạt động đấu thầu qua mạng.