(SGTT) - Doanh nghiệp dệt may ngày càng bối rối vì các tiêu chuẩn mới liên tục được ban hành ở thị trường xuất khẩu, đồng thời ngần ngại đầu tư “xanh hóa” sản xuất trong bối cảnh đơn hàng suy giảm. Trong bối cảnh kế hoạch xanh của ngành vẫn đang được triển khai, các chuyên gia cho rằng tốc độ sẽ phụ thuộc đáng kể vào câu chuyện yếu tố kỹ thuật và bài toán kinh tế của từng doanh nghiệp.
- Kinh tế xanh đang trở thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư
- Kinh tế xanh: con đường phát triển tất yếu của doanh nghiệp
Doanh nghiệp băn khoăn quy định mới, ngại đầu tư xanh
“Doanh nghiệp hoang mang vì có nhiều quy định cho việc chuyển đổi xanh, cũng như có nhiều quy định chưa nắm được”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng văn phòng đại diện, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp dệt may trên lộ trình tăng trưởng xanh” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh khu vực TPHCM (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty Global PR Hub tổ chức ngày 1-12 vừa qua.
Một trong những ví dụ được các diễn giả nhấn mạnh là ở thị trường EU vốn được đánh giá là nhiều tiềm năng, đặc biệt là sau Hiệp định thương mại tự do song phương EVFTA, nhưng cũng không ít quy định và tiêu chuẩn mới phải đáp ứng, bao gồm cả chuẩn sản xuất và lao động.
Chẳng hạn, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc VCCI-HCM, cho biết EU đưa ra quy định liên quan đến chương trình dệt may tuần hoàn và bền vững, ràng buộc trách nhiệm nhà sản xuất đối với các sản phẩm dệt may (EPR – Trách nhiệm mở rộng đối với nhà sản xuất), được áp dụng từ năm 2025.
Tại châu Âu, dệt may là nguồn thải lớn. Mỗi người dân châu Âu thải ra 12 kg quần áo, thu hồi được 22% tái chế hoặc tái sử dụng, còn 78% chôn lấp hoặc đốt.
Điều này nghĩa là các nhà sản xuất có nghĩa vụ với một vòng đời sản phẩm, bao gồm thu gom, tái chế, hoặc tái sử dụng, xử lý, hoặc đóng góp tài chính cho những hoạt động này. Cơ chế này cũng được nhắc đến nhiều tại Việt Nam trong thời gian qua với sản phẩm có bao bì nhựa.
Bà Lành Huyền Như, Quản lý dự án chuỗi cung ứng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), cho biết điều luật thẩm định chuỗi cung ứng của CHLB Đức (LkSG) có hiệu lực từ 1-1-2023, buộc các công ty Đức trong phạm vi áp dụng phải có trách nhiệm thẩm định, kiểm soát những rủi ro tới con người và môi trường trong việc kinh doanh của mình. Vấn đề là EU cũng đang lên dự thảo về Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD) với các quy định tương tự.
“Kinh doanh có trách nhiệm là trụ cột quan trọng nên doanh nghiệp chuyển dịch sang kinh doanh bền vững và có trách nhiệm là cấp thiết cần làm. Nếu chưa làm ngay được thì cũng cần có lộ trình cho sự dịch chuyển này”, bà Như khuyến nghị.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các quy định cần chú ý là phía nhập khẩu sẽ rà soát, thẩm định cả chuỗi cung ứng. Điều này nghĩa là doanh nghiệp không chỉ có trách nhiệm với sản phẩm sản xuất tại nhà máy của mình, mà còn có trách nhiệm truy ngược lại nguyên liệu được sản xuất ở đâu, như thế nào. Chẳng hạn, nếu là nguyên liệu được sản xuất tại nhà máy sử dụng lao động cưỡng bức, lô hàng xuất khẩu sẽ bị từ chối.
Tiêu chuẩn về lao động là điều đáng chú ý khác. Hiện nay có một lo ngại là Bangladesh đang nổi lên như một nhà sản xuất dệt may lớn có khả năng cạnh tranh với Việt Nam. Tuy nhiên theo bà Mai, quốc gia này chủ yếu là đơn hàng giá thấp chứ không phải vì có những chứng chỉ tiêu chuẩn sản xuất khác. Mặt khác, nếu là hàng đòi hỏi kỹ thuật cao, hàng thể thao thương hiệu lớn thì vẫn đặt ở Việt Nam. Bangladesh hiện cũng đang đối diện với câu chuyện lương công nhân quá thấp (chưa tới 100 đô la Mỹ mỗi người).
Cần sớm đạt chuẩn xanh trong sản xuất
Với vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ lâu ngành dệt may đã nỗ lực “xanh hóa” các khu sản xuất của mình. Theo kế hoạch thì đến năm 2023, các doanh nghiệp dệt may thành viên Ủy ban Bền vững VITAS (thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam – VITAS) sẽ giảm 15% tiêu thụ năng lượng, giảm 20% tiêu thụ nước, đến năm 2030 sẽ chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam.
Theo bà Hoàng Thị Thanh Nga, Quản lý dự án dệt may xanh bền vững, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), tổng kết năm 2022 thì chỉ tiêu nước đạt kế hoạch trên, nhưng chỉ tiêu năng lượng thì không.
Vấn đề nằm ở chỗ câu chuyện thất bại của điện mặt trời áp mái được nhắc đến nhiều trong giai đoạn 2020-2022, do một phần thay đổi của chính sách. Câu chuyện thứ hai là của thị trường, doanh nghiệp không dám đầu tư vì sợ đơn hàng giảm, sợ lượng nước thải tuần hoàn không đủ công suất, bà Nga nhận định.
Đánh giá tương tự, ông Lê Hoàng, Giám đốc kinh doanh Longi khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, tập đoàn quốc tế sản xuất tấm quang điện, cho rằng vấn đề hiện nay là thị trường dệt may giảm tiêu thụ năng lượng do giảm đơn hàng, trong khi so sánh nhóm ngành F&B thì vẫn lắp đều và tăng trưởng ổn định. “Nếu có dòng tiền ổn định thì khả năng khôi phục điện xanh cho dệt may là rõ ràng”, ông Hoàng đánh giá và nói thêm về tổng quan thì Quy hoạch điện VIII được thông qua mới đây cũng ủng hộ năng lượng tái tạo.
Theo bà Lê Kim Phượng, Giám đốc Marketing khu vực Đông Nam Á – SolarEdge tại Việt Nam – đơn vị sản xuất biến tần, trong bối cảnh dệt may là một trong những ngành sử dụng nhiều điện, các thương hiệu thời trang trên toàn cầu có xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo, không chỉ vì tiết kiệm năng lượng mà còn để phục vụ câu chuyện “xanh hóa” sản xuất. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng các nhà sản xuất cần phải lưu ý thêm về tiêu chí an toàn của năng lượng mặt trời khi sử dụng điện sản xuất tại các nhà máy, vốn cần phải đặt tiêu chí an toàn, phòng chống cháy nổ là ưu tiên cao nhất.
Vấn đề kỹ thuật sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xanh hóa của ngành dệt may, không chỉ trong năng lượng tái tạo mà còn là xử lý nước thải.
Thực tế trong nhiều năm qua, VITAS khuyến nghị tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm, hiện chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào vì lo ngại ô nhiễm môi trường.
Với hệ thống xử lý nước thải, bà Mai kể có doanh nghiệp gia đình sản xuất đầu tư để tái sử dụng nước thì tốn khoảng 2,5 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, chủ nhà máy cũng cần phải đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo.
Vì vậy, câu chuyện đáp ứng nhu cầu vốn để xanh hóa sẽ là một vấn đề rất lớn đối với hơn 80% doanh nghiệp trong ngành là vừa và nhỏ với hơn 7.000 thành viên trong hiệp hội. Cần nhớ rắng Việt Nam thuộc top 3 nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, với đặc trưng 80% năng lực dành cho xuất khẩu và 39% hội viên là doanh nghiệp nước ngoài.
Do đó, để có thể đạt tiêu chí xanh hóa nhà máy của mình, chủ đầu tư cần phải tính toán kỹ về bài toán kỹ thuật đi cùng kinh tế. “Doanh nghiệp phải chuyển đổi là chắc chắn, nhưng mức độ chuyển đổi nhanh hay chậm thì phụ thuộc nhiều vào công nghệ có sạch, đảm bảo yếu tố an toàn hay không. Thứ hai là bài toán kinh tế”, bà Nga của WWF Việt Nam nhận định.
Dũng Nguyễn