Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Cái hũ sành trên bàn thờ ông Thiên

Trung Chánh ghi -

Qua chuyện nước mưa trong cái hũ sành trên bàn thờ ông Thiên cho thấy người xưa có tính cộng đồng rất cao, biết dự báo diễn biến thời tiết và triển khai sản xuất khá tốt. Tuy nhiên, qua thời gian, tính cộng đồng đó đã dần mất đi và việc khơi gợi lại đã được đặt ra, nhất là trong bối cảnh hạn, xâm nhập mặn có chiều hướng phức tạp hơn... Ông Dương Văn Ni, chuyên gia sinh học của Đại học Cần Thơ, kể:

10__caihusanhbanthoongthien

  1. Ở nông thôn miền Tây Nam bộ xưa, trên bàn thờ ông Thiên của mỗi gia đình lúc nào cũng có gạo, muối và nước. Nhưng, điều rất đặc biệt là nước trên bàn thờ ông Thiên phải là nước không được chảy qua bất kỳ thứ gì, nghĩa là nước phải rơi thẳng từ trên trời xuống – nước mưa. Cho nên, trên bàn thờ ông Thiên xưa luôn có cái hũ sành để chứa nước.

Thời đó, mỗi dịp cộng đồng gặp nhau như đám tiệc, hội họp, bao giờ chuyện nước trong hũ sành cũng được mọi người đem ra bàn tán. Người nói năm nay nước trong hũ sành trên bàn thờ ông Thiên nhà họ hết nhanh quá, người thì nói năm kia nước trong hũ sành giữ được lâu hơn…

Chuyện nước trong hũ sành tưởng như đem ra nói cho vui nhưng kỳ thực nó phản ánh một điều rằng ông bà ngày xưa đã bàn chuyện mà theo như ngày nay là tính toán vũ lượng và độ bốc hơi của nước. Nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh và nếu năm mưa ít kết hợp với nắng nóng thì lượng nước trong hũ sành trên bàn thờ ông Thiên càng mau hết hơn. Như vậy, việc nhiều người ngồi lại, bàn bạc với nhau qua câu chuyện lượng mưa nhiều hay ít, tốc độ bốc hơi nước nhanh hay chậm có thể suy đoán được chuyện hạn hán của từng năm diễn ra như thế nào.

Trên cơ sở diễn biến của thời tiết, người xưa cũng đã biết cách chọn giống lúa hay cây trồng nào cho phù hợp. Những chuyện như vậy đã được bàn bạc trong nông thôn, được kiểm chứng từ người nhỏ đến người già.

Không dừng ở đó, trong câu chuyện này lại có người có những kinh nghiệm rút ra từ những quan sát, chẳng hạn “năm nay tôi thấy kiến đen tha trứng lên nóc nhà sớm lắm đấy!”, người ta nghĩ ngay rằng nước năm nay có thể về sớm hơn.

Ở đây, chúng ta không nói cách người xưa hành xử, mà muốn đề cập đến tính lan truyền trong cộng đồng. Từ thông tin được đưa ra bàn bạc như vậy, nó được lan tỏa trong cộng đồng thế nào để mỗi nhà, mỗi người dân có hành động cụ thể cho riêng mình. Ví dụ, với dự báo nước đến sớm thì nhà này có thể kê bộ ngựa cao hơn một chút hoặc nhà kia có thể chuyển đồ đạc quý lên trên cho an toàn.

 

  1. Ngày nay, khi chúng ta sống quá dựa dẫm vào những cái gọi là hiện đại thì dường như lại quên đi việc khai thác một cách hiệu quả tính cộng đồng.

Tuy nhiên, suy cho cùng bây giờ cuộc sống con người ta xoay quanh ba thứ đáng lo nhất là ở như thế nào, có bị ngập không; ăn uống ra sao và chuyện sản xuất.

Đối với chuyện ở, ngày xưa chúng ta xây nhà thường không làm gác hoặc có cũng chỉ là nơi tạm bợ để cất giữ một số vật dụng không giá trị, đừng cho nó mục thôi. Nhưng bây giờ, hãy nghĩ cái gác là nơi quan trọng hơn, để cất giữ những thứ quý giá, như vậy khi có sự cố lũ thì những thiệt hại nếu có xảy ra cũng không quá lớn.

Còn chuyện ăn uống, ngày xưa nhà nào cũng “thủ” một lu nước mưa để ở trong buồng – cái lu đó khác với cái lu ở trước cửa nhà, để chia sẻ cho người đi đường, ai cũng có thể lấy uống được. Lu nước mưa để ở trong buồng là lu nước “thủ thân”, khi nào đối đế quá mới lấy ra dùng, thành thử lỡ có xảy ra sự cố bất ngờ trong năm ba bữa thì cũng không lo tới chuyện thiếu nước uống. Tính cẩn thận này nên khai thác và dĩ nhiên chúng ta khai thác bằng một tâm thế của khoa học kỹ thuật hiện đại hiện nay, chứ không phải khai thác bằng cách quay lại trữ bao gạo hay cái gì đó, vì đã khác xưa rồi.

Còn với sản xuất, chuyện từng nhà, từng địa phương định cho mình giống lúa phải chín sớm hay muộn phần lớn là dựa vào bản tin dự báo trên ti vi. Nhưng, đó là dự báo chung cho cả nước, thành thử tôi đề nghị địa phương (ở miền Tây Nam bộ) nên thành lập một đội ngũ chuyên nghiệp về dự báo việc nước nhiều hay ít, đến sớm hay muộn, để chủ động các phương án của địa phương mình.

Thế nhưng, làm sao chuyển tải nội dung này xuống được cộng đồng để họ bàn bạc mới là điều quan trọng. Theo đó, ở những nơi người dân thường tụ họp, sinh hoạt cộng đồng, chúng ta có thể trang bị màn hình ti vi để những thông tin mà địa phương mong muốn chuyển tải đến người dân hoặc những cảnh báo sớm về thời tiết đến được với họ, nó sẽ giúp người dân đi đến quyết định tốt hơn rất nhiều so với hiện nay.

Chúng ta đừng quên chuyện từng nhà, từng hộ vẫn phải là chuyện của người dân và người dân phải bàn, chứ không phải một cấp hay một đơn vị nào có thể làm thay. Vì đây không đơn thuần là chuyện sản xuất, mà nó còn là cả đời sống, sinh hoạt của người dân.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hiểu hơn phương pháp ‘giải cấu trúc’ thực phẩm

0
(SGTT) - Trong ẩm thực nói chung hay ẩm thực phân tử nói riêng, deconstructed cuisine là khái niệm xuất phát từ phong cách...

Đầu tư thêm 3.760 tỉ đồng cho cao tốc Bảo Lộc...

0
(SGTT) - Hôm nay (21-11), tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa X, các đại biểu đã biểu...

ĐBSCL đối mặt nguy cơ ngập lụt diện rộng do triều...

0
(SGTT) - Theo dự báo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, từ nay đến cuối tháng 11 này, nhiều khu vực tại thành...

Những ‘quy tắc vàng’ giúp tránh bị lừa đảo qua mạng

0
(SGTT) - Hiện nay, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn với nhiều thủ đoạn, hành vi xấu. ...

Mới lạ tô súp cua cô Bông tại chợ Thiếc, gần...

0
(SGTT) - Tọa lạc trong khu chợ Thiếc, quận 11, quầy súp cô Bông đến nay đã hơn 20 năm phục vụ thực khách...

Khám phá ba ‘Làng du lịch tốt nhất thế giới’ tại...

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế (Quảng Nam), làng Tân Hóa (Quảng Bình), làng Thái Hải (Thái Nguyên) là ba ngôi làng tại Việt...

Kết nối