(SGTT) - Khi sử dụng bình oxy y tế tại nhà, người dân cần tuân thủ các quy tắc an toàn để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân. Nếu thiết bị y tế này không vận chuyển, sử dụng đúng cách thì nguy cơ dẫn đến cháy nổ bình oxy rất dễ xảy ra.
- Thắc mắc mùa dịch: Chỉ số SpO2 là gì và bao nhiêu thì an toàn?
- Muôn hình vạn trạng thị trường máy đo nồng độ oxy tại TPHCM
Bình oxy y tế là một thiết bị được sử dụng khi bệnh nhân có vấn đề về hô hấp. Đây là thiết bị không quá để khó sử dụng. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo người dùng cần nắm kỹ các nguyên tắc khi sử dụng bình để cung cấp oxy cho người bệnh cũng như cần chú ý chú ý nơi đặt để, cách lắp tháo nhằm an toàn cháy nổ khi sử dụng.
1. Chuẩn bị chỗ đặt bình oxy
Theo HCDC, phần đầu giường của bệnh nhân - nơi đặt bình oxy nên được dọn dẹp sạch sẽ, cần lưu ý đặt bình ở nơi không bị va chạm, không gian thông thoáng. Bình oxy cần được nằm ở nơi cách xa nguồn nhiệt, nguồn điện (bếp gas, khói thuốc lá…) ít nhất 5m.
2. Kiểm tra bình oxy
Các bình oxy thông thường đều có màu xanh. Người nhà nên kiểm tra bộ thở khí hay còn gọi là bộ đồng hồ và cột chứa bi oxy, bình tạo ẩm, gồm van điều chỉnh lưu lượng, đồng hồ đo áp suất, đo lưu lượng, bộ tạo ẩm. Dây oxy thở có thể có hoặc không kèm mặt nạ thở.
3. Cách lắp đặt bình oxy
- Bước 1: Nối đồng hồ vào bình oxy, chú ý xoay ren sau đó sau đó dùng mỏ lết siết chặt.
- Bước 2: Đổ nước vào bình tạo ẩm.
- Mực nước: Châm khoảng 1/2 bình.
- Dùng nước tinh khiết hoặc nước uống.
- Nước không được thấp hơn vạch trên bình (nếu có 2 vạch thì tính vạch dưới).
- Bước 3: Lắp dây oxy vào bình tạo ẩm.
- Bước 4: Mở van bình oxy bằng cách xoay van bình ngược với chiều kim đồng hồ.
- Bước 5: Kiểm tra kim đồng hồ. Kim đồng hồ ở khu vực màu xanh là còn oxy, màu vàng là sắp hết oxy và màu đỏ là hết oxy.
- Bước 6: Chỉnh liều lượng oxy bằng cách xoay núm vặn oxy sao cho viên bi ngang số 2 (nghĩa là thở 2 lít/phút).
- Bước 7: Thực hiện đeo dây oxy thở như sau:
- Đeo cannula mũi hoặc mặt nạ và hít thở đều.
- Đeo cannula: Kiểm tra gọng oxy xem có bị gãy, nứt. Chú ý chiều cong hướng xuống dưới, sau đó luồn dây qua tai và thắt nút.
- Chú ý liều lượng oxy, với cannula, khởi đầu ở 2 lít/ phút, tối đa 6 lít/ phút. Với mặt nạ, khởi đầu ở 3 lít/phút, tối đa 10 lít/phút.
4. Thứ tự tắt bình oxy
Người nhà bệnh nhân cần đóng chặt van bình bằng cách xoay theo chiều kim đồng hồ và đợi về mức 0, tiếp tục xoay núm về mức 0 và tháo ren.
5. An toàn cháy nổ
Khi vận chuyển, người dân phải đóng tất cả van và núm vặn, cố định bình chắc chắn, không kéo lê và vận chuyển nhẹ nhàng. Khi lắp ráp bình oxy không để chân tay, quần áo dính dầu mỡ, dung dịch chứa cồn (ví dụ nước rửa tay khô…)
Trường hợp phát hiện van hở (có tiếng xì), người dân không được tự ý sửa hoặc không tự sang chiết khí hay nạp khí lạ vào bình; không chạm làm hư hỏng ren, nơi gắn dây làm rò rỉ oxy.
6. Dấu hiệu thiếu oxy
HCDC cũng nêu ra một số dấu hiệu nhận biết tình trạng bệnh nhân đang thiếu oxy như chóng mặt, xanh tím môi và đầu ngón tay; co kéo vị trí cơ trên vùng cổ và 2 bên sườn; mạch trên 100 lần/phút, đếm liên tục trong 1 phút bằng ngón 2 và 3.
Ngoài ra, dấu hiệu bệnh nhân thiếu oxy còn thể hiện qua khó thở, thở nhanh trên 24 lần/phút; đếm nhịp thở bằng cách đặt tay lên thành bụng đếm sự di động thành bụng khi thở trong 1 phút; thực hiện đo bằng máy SpO2 (nếu có) với chỉ số dưới 94%.
7. Nguyên tắc chung khi cho bệnh nhân thở oxy
Khi bệnh nhân thở oxy tránh làm khô đường thở bằng cách dùng bình tạo ẩm và uống thêm nước. Khi thở oxy lâu, phải duy trì ở liều thấp nhất để bệnh nhân không cảm giác khó thở. Người bệnh cũng không được thở ở liều quá cao hoặc tăng liều quá nhanh, nên điều chỉnh sau mỗi 15 phút thở oxy.
Minh Thảo
Theo HCDC