Các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ đã giải phóng gần hết lượng hàng tồn kho dư thừa và đang chuẩn bị bổ sung các kệ hàng của họ bằng hàng hóa mới vào mùa thu này. Triển vọng đó có khả năng cải thiện hoạt động kinh doanh các hãng vận tải biển vốn chứng kiến giá cước giảm sâu trong năm nay do nhu cầu suy yếu.
- Những xu hướng có thể định hình ngành bán lẻ năm 2023
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng gần 20%
Hàng tồn kho vào cuối quí trước của Target, chuỗi siêu thị lớn thứ 5 của Mỹ thấp hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ Walmart đã cắt giảm 9% hàng tồn kho của các siêu thị tại Mỹ trong năm qua. Hàng tồn kho giảm, giúp giảm hàng trăm triệu đô la hàng hóa khỏi bảng cân đối kế toán của họ và mở ra không gian mới trong chuỗi cung ứng căng cứng của họ.
Trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh trong tuần qua, CEO của Target, John Mulligan, ghi nhận tình trạng tồn kho quá nhiều đã gây áp lực lên công ty hồi năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng này đã dần được giải quyết, vì vậy, Target chuẩn bị đưa hàng hóa mới vào các cửa hàng và siêu thị trong cho mùa thu tới.
“Lượng hàng tồn kho dư thừa của chúng tôi tiếp tục giảm”, CEO của Walmart Doug McMillon cho biết.
Sau khi giảm trong vài tháng qua từ mức cao kỷ lục vào tháng 8 năm ngoái, hàng tồn kho tại các cửa hàng bách hóa tổng hợp của Mỹ đã tăng 1,2% trong tháng 3, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ.
Walmart và Target nằm trong số rất nhiều nhà bán lẻ đổ xô mua hàng hóa để cung cấp cho mạng lưới phân phối ở Mỹ vào năm 2022. Họ thậm chí một số còn thuê bao tàu hàng để nhanh chóng đưa các sản phẩm đến tay người tiêu dùng. McMillon tiết lộ vào năm ngoái, có thời điểm Walmart có 100.000 container nằm kẹt tại các cảng, chờ vận chuyển vào chuỗi cung ứng nội địa của nhà bán lẻ này.
Người tiêu dùng Mỹ đã tăng mua hàng hóa trong thời kỳ đại dịch Covid-19 giữa lúc các hạn chế đi lại khiến họ không thể chi tiêu nhiều cho các dịch vụ. Tuy nhiên, nhu cầu các dịch vụ như ăn uống nhà hàng, du lịch phục hồi mạnh mẽ mùa xuân năm ngoái khi giới chức trách chấm dứt các hạn chế đó. Điều này khiến kho hàng của các nhà bán lẻ trở nên quá tải. Họ buộc phải rút lại đơn đặt hàng từ các nhà cung cấp nước ngoài trong khi nỗ lực giải phóng hàng tồn kho dư thừa.
Theo Công ty phân tích dữi liệu Descartes Datamyne, lượng container nhập khẩu vào các cảng Bờ Tây của nước Mỹ, cửa ngõ chính để giao thương với châu Á và các nhà cung cấp sản xuất hàng tiêu dùng cho các nhà bán lẻ Mỹ, giảm gần 23% trong quí đầu tiên..
Drew Wilkerson, CEO của Công ty dịch vụ hậu cần RXO, có trụ sở ở bang Bắc Carolina, cho biết khách hàng của công ty ông đã tập trung giải phóng hàng tồn kho quá mức vào đầu năm. Giờ đây, họ bắt đầu đưa nhiều hàng hóa hơn đến các trung tâm phân phối và cửa hàng ngay cả khi kinh tế Mỹ đối mặt với bất ổn.
Wilkerson nói: “Chúng tôi thấy rằng các nhà bán lẻ đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với một năm trước. Bây giờ, vấn đề đối với họ là cần thấy nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong bối cảnh kinh tế vĩ mô bất ổn”.
Trong tháng này, Hapag-Lloyd (Đức), hãng tàu container lớn thứ 5 thế giới cho biết doanh thu quí đầu tiên đã giảm 33%, chỉ còn hơn 6 tỉ đô la do khối lượng hàng hóa vận chuyển giảm giảm 4,9%. Tuy nhiên, hãng ghi nhận hoạt động vận chuyển đã tăng lên vào cuối quí 1.
“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ thấy sự phục hồi rất nhanh. Nhưng tôi cho rằng nỗ lực giảm lượng hàng tồn kho đang dần dần kết thúc. Và đến một lúc nào đó, chúng tôi rất có thể chứng kiến nhu cầu tăng lên một chút”, Rolf Habben Jansen, CEO của Hapag-Lloyd nói trong cuộc họp báo thông báo kết quả kinh doanh hôm 12-5.
J.B. Hunt Transport Services, công ty vận tải hàng hóa hàng đầu của Mỹ, cho biết khách hàng đang lên kế hoạch bổ sung hàng nhưng cho đến nay họ vẫn chưa vận chuyển với khối lượng lớn hơn.
“Nhiều người trong số họ chia sẻ với chúng tôi rằng, nhìn chung họ cảm thấy các vấn đề về hàng tồn kho đã được khắc phục gần hết”, Brad Hicks, Chủ tịch phụ trách dịch vụ vận tải đường cao tốc của J.B. Hunt, nói tại một hội nghị của BofA Securities vào tuần trước.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà bán lẻ ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn thận trọng khi nhu cầu của người tiêu dùng chưa có dấu hiệu cải thiện rõ ràng. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 0,4% trong tháng 4 sau hai tháng giảm liên tiếp.
Các lãnh đạo của Target cho biết những nỗ lực bổ sung hàng của họ trong năm nay sẽ tập trung tính hiệu quả, với mục tiêu đưa các mặt hàng mới đang bán chạy lên kệ hàng trong các giai đoạn bán hàng theo mùa vụ.
Chánh Tài
Theo WSJ, Kinh tế Sài Gòn Online