Thứ tư, Tháng mười hai 18, 2024

Các ngân hàng bắt tay cùng công ty thanh toán ra mắt thẻ tín dụng nội địa

Nhằm khai thác tiềm năng của thị trường thanh toán nội địa cũng như góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, tối 25-1, bảy ngân hàng trong nước đã phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) ra mắt thẻ tín dụng nội địa.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt nam phát hành có những đặc điểm đáng chú ý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tại lễ ra mắt thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa. Ảnh: Vân Ly

Thứ nhất, chủ sở hữu có thể chi tiêu trước trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên đến 55 ngày, thẻ được chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng, chi phí cho các đơn vị phát hành, đơn vị chấp nhận thanh toán và khách hàng khá hợp lý.

“Thẻ chip tín dụng nội địa sẽ là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giúp khách hàng dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với mức phí hợp lý, góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và từng bước đầy lùi tín dụng đen,” Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.

Việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ cũng nằm trong mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán. Từ đó, góp phần xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia.

Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Napas và bảy ngân hàng (Vietinbank, Viet Capital Bank, ACB, HDBank, BaoVietBank, Sacombank và Vietbank) chính thức công bố ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa.

Với thẻ tín dụng nội địa, chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện các giao dịch thanh toán, chỉ phải trả phí giao dịch rút tiền mặt. Trong khi các thẻ tín dụng quốc tế thu phí rút tiền mặt 4% giá trị giao dịch (có ngân hàng thu tối thiểu 70.000 – 100.000 đồng) thì với với thẻ tín dụng nội địa thường phí rút tiền mặt tại ATM của các ngân hàng phát hành sẽ được miễn phí (với các ngân hàng đang triển khai). Chủ sở hữu thẻ chỉ phải trả phí 1-2% với giao dịch tại hệ thống ATM của ngân hàng không phải đơn vị phát hành thẻ (mức thu tối thiểu từ 10.000 – 20.000 đồng).

Đối với các giao dịch thanh toán thẻ tín dụng nội địa, phí giao dịch mà các cửa hàng phải trả cho ngân hàng sẽ ở mức từ 1,1% - 1,3% giá trị giao dịch (trong khi mức này của thẻ tín dụng quốc tế thường là 2,5%). Còn với các đơn vị bán hàng đặc biệt, cung cấp các dịch vụ công như: như y tế, giáo dục, giao thông... thì mức phí sẽ thấp hơn.

Theo các ngân hàng, tín dụng nội địa là một nhu cầu có tiềm năng phát triển của thị trường nên các ngân hàng muốn thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa.

Với thẻ tín dụng nội địa, nếu người sử dụng thanh toán đúng hạn thì ngân hàng không thu lãi suất mà chỉ hưởng phần trăm trên doanh thu mà chủ thẻ đã chi tiêu – do đơn vị bán hàng trả. Mức phí của thẻ tín dụng nội địa thấp hơn thẻ tín dụng quốc tế sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, trước đây các ngân hàng đã tự phát hành thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa nhưng chưa tuân thủ tiêu chuẩn nào nên thẻ của ngân hàng nào chỉ giao dịch được ở hệ thống thiết bị của ngân hàng đó lắp đặt.

Tại sự kiện, đại diện của Ngân hàng Vietinbank cho biết việc thẻ tín dụng nội địa có phí thấp hơn thẻ quốc tế sẽ thu hút khách hàng và sẽ góp phần đẩy lùi tịnh trạng tín dụng đen. Còn đại diện của ngân hàng ACB cho biết ngân hàng này đã phát hành được 50.000 thẻ tín dụng nội địa.

Còn ông Ngô Quang Chung, tổng giám đốc ngân hàng Bản Việt cho biết thẻ tín dụng nội địa hợp với phân khúc khách hàng tiềm năng, đáp ứng nhu cầu tín dụng nhỏ lẻ của khách hàng. Đây sẽ là sản phẩm hấp dẫn và hữu ích cho người dùng thẻ.

Tín dụng tiêu dùng ở nhiều quốc gia phát triển cũng được coi là giải pháp cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu, góp phần kích cầu tiêu dùng. Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua Internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến.

Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, chủ thẻ tín dụng nội địa có thể rút tiền mặt tại tất cả các ATM trong nước và mạng lưới liên kết của Napas tại Hàn Quốc, một số nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia… với chi phí hợp lý.

Thẻ chip trả trước nội địa với tính năng nạp tiền trước để thanh toán phù hợp với những giao dịch thanh toán yêu cầu thời gian thực hiện nhanh (dưới 1 giây/giao dịch) với số lượng giao dịch lớn như trong giao thông công cộng, những giao dịch mua sắm nhỏ lẻ hàng ngày hoặc dành cho những đối tượng chưa đủ điều kiện phát thành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ nhưng vẫn có cơ hội tham gia và trải nghiệm các phương thức thanh toán hiện đại.

Vân Ly

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Techcombank là ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam...

0
(SGTT) - Ngày 5-12, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã công bố khung trái phiếu xanh và trở...

Cho vay bùng nổ, lợi nhuận ngân hàng ‘lên đỉnh’

0
(SGTT) - Nhiều ngân hàng tiếp tục báo lãi lớn trong 9 tháng đầu năm nay, trong đó có đóng góp đáng kể từ...

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

Ngân hàng gian nan tăng vốn

0
Để phấn đấu nâng chuẩn lên Basel III, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng mạnh hơn nữa các chỉ tiêu về vốn và...

Làn sóng cắt giảm lãi suất trên toàn cầu

0
(SGTT) - Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Fed, ECB và BoE đã đưa ra tín hiệu rõ ràng về...

HSBC cho vay 593 tỉ đồng phát triển nhà máy điện...

0
(SGTT) - Ngân hàng HSBC Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho vay trị giá 593 tỉ đồng với Leader Energy, một công...

Kết nối