Tất cả cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh… phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID. Đây là một trong các yêu cầu của UBND TPHCM nhằm thực hiện hiệu quả ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Nhiều địa phương vẫn yêu cầu giấy xác nhận cư trú, gây phiền hà người dân
- Thủ tướng: Không yêu cầu người dân phải xuất trình, nộp sổ hộ khẩu
Theo Cổng thông tin Trung tâm báo chí TPHCM, thực hiện hiệu quả ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức triển khai trên toàn thành phố, tất cả cơ sở lưu trú: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh… phải thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID.
TPHCM lưu ý các sở, ngành, địa phương không được yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính theo Luật Cư trú và Nghị định 104/2022/NĐ-CP. Các cơ quan, tổ chức không được yêu cầu xác nhận chứng minh nhân dân 9 số khi giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.
UBND thành phố giao Công an TPHCM phối hợp các sở ngành liên quan thực hiện kế hoạch kiểm tra, khảo sát việc thực hiện phương thức khai thác, sử dụng thông tin về cư trú thay thế sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp thông tin bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Đồng thời, tăng cường việc cấp mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện.
Việc thanh toán học phí, viện phí và chi trả trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội từ nguồn ngân sách cũng cần đẩy mạnh hình thức thanh toán không tiền mặt.
UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị phục vụ cho việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn.
Về thông báo lưu trú qua ứng dụng VNeID, TTXVN đưa tin, đại diện Công an TPHCM lưu ý, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do cơ quan đăng ký cư trú quy định.
Cá nhân, cơ sở lưu trú cũng có thể thông qua số điện thoại, ứng dụng trên thiết bị điện tử, hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo, niêm yết để đăng ký lưu trú; liên hệ cảnh sát khu vực phụ trách để thông báo lưu trú hoặc thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan đăng ký cư trú, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú…
Theo quy định của Luật Cư trú, thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào cơ sở dữ liệu về cư trú; thực hiện trước 23:00 của ngày bắt đầu lưu trú, trước 8:00 sáng ngày hôm sau nếu người đến lưu trú sau 23:00; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú 1 lần.
Liên quan đến việc photo, chụp hình, giữ căn cước công dân tại các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, đôi khi cơ sở lưu trú muốn bảo đảm khách hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán dịch vụ, nên theo Công an TPHCM đó hoàn toàn là thỏa thuận dân sự giữa đôi bên nếu được khách hàng đồng ý và pháp luật không cấm.
T.Huy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online