Hôm nay (15-2), lãnh đạo các bộ, ngành đã thống nhất báo cáo Chính phủ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp thị thực (visa) từ ngày 15-3 tới và thực hiện các chính sách cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương và song phương như trước dịch Covid-19.
- Đón các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên, bắt đầu "mở cửa" bầu trời
- Việt Nam muốn nối lại các chuyến bay quốc tế từ quí 1-2022
Lãnh đạo các bộ, ngành và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bàn về việc mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế theo đề xuất mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là từ ngày 15-3 thay vì 31-3 như đề xuất trước đây.
Nối lại chính sách miễn visa từ 15-3 tới
Hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch theo đề xuất mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là từ ngày 15-3 tới thay vì 31-3 như kế hoạch cũ.
Để tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam và giúp ngành du lịch hồi phục nhanh hơn, nhiều ý kiến đã đề xuất là phải gỡ bỏ những hạn chế về chính sách thị thực.
Trước dịch, Việt Nam đã miễn thị thực đơn phương cho công dân của 13 nước và miễn song phương cho công dân đến từ 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ đầu năm 2020, Chính phủ ngừng thực hiện chính sách này vì dịch bệnh.
Trong cuộc họp hôm nay, các bộ, ngành đã thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép từ ngày 15-3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp thị thực và thực hiện các chính sách cấp thị thực điện tử, miễn thị thực đơn phương và song phương như trước đây.
Trao đổi với KTSG Online, nhiều doanh nhân cho biết đã “dễ thở” hơn khi biết chính sách này sẽ được trình lên Chính phủ.
Trong những ngày gần đây, một số doanh nhân khai thác các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á đã làm việc với đối tác về việc nối tour cho khách đến Việt Nam. Tuy nhiên, do khách vẫn phải xin thị thực thay vì được miễn như trước cho nên chưa thể đi đến quyết định cuối cùng.
Nhiều doanh nhân khác cũng cho rằng, nếu không tháo gỡ rào cản về thị thực thị thì Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với các điểm đến khác khi mở cửa trở lại.
Một số đối tác ở thị trường châu Âu, Nga thậm chí đã trả lời là sẽ không thể bán tour đến Việt Nam nếu du khách phải xin thị thực.
Việt Nam sẽ mở du lịch như thế nào?
Theo đề xuất mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn mảng du lịch quốc tế, gồm đưa khách quốc tế đến và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả các cửa khẩu từ ngày 15-3 tới, với những quy định thuận tiện hơn.
Trong đó, khách du lịch (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) chủ cần có xét nghiệm RT-PCR chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh thay vì 72 giờ trước khi nhập cảnh như hiện nay.
Yêu cầu về mua bảo hiểm có chi trả cho điều trị Covid-19 cũng được đề nghị với mức thấp hơn, là 10.000 đô la Mỹ thay 50.000 đô la như quy định của chương trình thí điểm đón khách quốc tế bằng hộ chiếu vắc-xin…
Trong cuộc họp hôm nay, các bộ, ngành cũng đã thống nhất với đề xuất về mức bảo hiểm mới và cho rằng, khi đã mở toàn bộ mảng du lịch quốc tế thì nên cho du khách được tự do du lịch.
Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch như trong thời gian thí điểm mà chỉ cần tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam..
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, từng bộ, ngành phải hết sức khẩn trương trong việc triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch.
Sau cuộc họp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải làm việc với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan để kịp thời có các hướng dẫn chi tiết, báo cáo với Chính phủ.
Nhiều doanh nhân cho rằng, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ phải công bố sớm thời điểm mở hoàn toàn mảng du lịch quốc tế để có cơ sở chuẩn bị khai thác thị trường.
Trong thời gian qua, tuy các cuộc họp bàn về mở du lịch quốc tế được tổ chức thường xuyên, cột mốc mở cửa vào cuối tháng Ba tới cũng đã được đề cập đến. Tuy nhiên, do Chính phủ chưa công bố chính thức nên doanh nghiệp chưa dám thông báo với đối và chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh.
Đào Loan
Theo Kinh tế Sài Gòn Online