NGUYỄN HUY -
Cà phê Bệt – quán cà phê kịch đầu tiên của Sài Gòn sau thời gian đóng cửa đã khai trương trở lại vào những ngày đầu tháng 8-2015, đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của những người yêu thích kịch cà phê. Liên tiếp các suất diễn đã cháy vé, đã cho thấy rằng kịch cà phê không gây nên sự ồn ào bằng những dự án lớn, nhưng nó rất mạnh mẽ và có sức sống rất đặc biệt.
Cách đây vài năm, chủ quán cà phê Bệt – chị Nguyễn Thiên Kim cùng đồng nghiệp của mình đã sáng lập ra cà phê kịch. Họ đơn giản chỉ muốn tránh sự nhàm chán của cà phê nhạc sống, bằng cách mang kịch nói vào quán cà phê. Tưởng rằng phát kiến này chỉ góp phần làm phong phú thêm cho sinh hoạt văn nghệ tại không gian cà phê, thế nhưng loại hình này đã nhanh chóng chinh phục khán giả trẻ Sài Gòn. Ít lâu sau, trong không gian cà phê kịch xuất hiện những khán giả trung niên và những người thực sự am hiểu kịch nghệ.
Từ một ý tưởng lạ...
Thành công ngoạn mục của cà phê Bệt tạo động lực cho một loạt các cà phê kịch khác ra đời. Trong đó, có quán hoạt động hiệu quả và phát triển thành sân khấu lớn như kịch Tâm Ngọc, có quán buộc phải đóng cửa vì nhiều lý do. Nhưng hiện tại, khắp Sài Gòn có khoảng 10 câu lạc bộ cà phê kịch, mà những địa chỉ có thể kể đến như kịch KC của NSƯT Trịnh Kim Chi, cà phê kịch của NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Minh Nhí, nhóm kịch Kim Ngưu của ông bầu trẻ Cao Hoàng Luân.
Tất cả các quán cà phê kịch đều có không gian sân khấu khá nhỏ dành cho mỗi vở diễn chỉ tối đa là 5-6 diễn viên, số ghế của khán giả chừng 80 chỗ. Thời lượng các vở diễn tối đa chừng hai giờ. Lực lượng diễn viên phần lớn đều là những bạn trẻ chưa nổi tiếng đình đám. Nội dung vở diễn thì mỗi nơi mỗi khác. Nếu như cà phê Bệt khai thác mạnh đề tài tâm lý có yếu tố hài hước thì kịch KC đi sâu vào thể loại kinh dị. Nhóm kịch Kim Ngưu hướng theo khuynh hướng chính luận tâm lý. Dù không thể so sánh với sân khấu kịch chuyên nghiệp về mọi phương diện nhưng hầu như cà phê kịch nào đang hoạt động đều thu hút được lượng người xem đông đảo. Nói về điều này, chị Nguyễn Thiên Kim cho biết: “Tôi cho rằng khán giả thích xem cà phê kịch vì nhiều lý do. Thứ nhất, việc khán giả và nghệ sĩ không bị ngăn cách bởi sân khấu tạo nên cảm giác thú vị. Thứ hai, vì dung lượng thời gian ngắn nên chúng tôi khai thác tối đa những mảng miếng đắt địa tạo hiệu ứng mạnh cho khán giả. Thứ ba, nội dung các vở diễn của chúng tôi luôn có thông điệp giáo dục hay. Thứ tư, vừa được xem kịch vừa được uống nước và trả số tiền nhỏ là một điều rất hấp dẫn đối với nhiều người”.
Lan tỏa đến miền Tây
Tháng 7-2015 nhóm kịch Đời Cười của đạo diễn Tiết Diêu Hòa đã hoạt động tại quán cà phê Cộng tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Từ ông bầu đến diễn viên của nhóm kịch này đều là diễn viên của đoàn nghệ thuật tổng hợp An Giang. Sự xuất hiện của họ nhanh chóng tạo nên một sự chú ý đặc biệt cho một thành phố nhỏ còn thiếu thốn điều kiện giải trí nghệ thuật.
Được biết, khán giả đến cà phê kịch Cộng có cả những người đến từ Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp. Đối với người dân miền Tây sông nước chưa từng đặt chân lên Sài Gòn, có thể nhiều người đã từng xem kịch trên truyền hình nhưng chưa bao giờ được xem trực tiếp tại sân khấu. Vì thế, việc được xem tận mặt, nghe tận tai nghệ sĩ diễn trong không gian của sân khấu nhỏ quán cà phê tại An Giang, ít nhiều gì đó tạo nên một cảm giác phấn khởi rất tươi mới.
Hơn nữa, nhóm kịch này quyết tâm làm kịch bài bản, có nội dung và chủ đề tư tưởng nghiêm túc nên họ đã tạo nên những rung động cho người xem. Tất cả những điều đó, mỗi thứ một chút gộp lại, tạo nên sức hấp dẫn cho cà phê kịch. Qua đó, có thể khẳng định một lần nữa cà phê kịch trở thành một dòng chảy mạnh mẽ trong bối cảnh muôn trùng các loại hình giải trí đang phát triển chóng mặt.
Theo tìm hiểu của người viết, sau thành công ban đầu của nhóm kịch của các nghệ sĩ trẻ ở Long Xuyên, trong tương lai loại hình này sẽ xuất hiện tại Cần Thơ, thành phố đông dân và phát triển toàn diện nhất của cả vùng miền Tây Nam bộ. Đến lúc đó, cà phê kịch vốn đang mạnh sẽ còn mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của quần chúng. Biết đâu sẽ có những nghệ sĩ kịch nói tên tuổi bước ra từ không gian của cà phê kịch.
Có thể lắm chứ!