(SGTT) - Theo hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch bệnh mới của Bộ Y tế, cả nước hiện có 48 tỉnh, thành vùng xanh; 15 tỉnh vùng vàng; không có tỉnh vùng cam và đỏ.
- Lễ vật cúng vía Trời mùng 9 đắt hàng dù giá tăng
- Cần Thơ xin không nhận 100.000 liều vắc-xin AstraZeneca vì vẫn chưa dùng hết lượng vắc-xin đã được phân bổ
VnExpress đưa tin, thống kê của Bộ Y tế ngày 9-2 cho thấy, hai tỉnh màu cam từ tuần trước đều giảm cấp độ dịch. Cụ thể, tỉnh Trà Vinh chuyển từ màu cam sang xanh; Bình Phước chuyển từ cam sang vàng.
Phía Bắc có 21 tỉnh, thành xanh bao gồm Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Miền Trung có 9 tỉnh xanh gồm Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.
Phía Nam có 16 tỉnh, thành xanh gồm An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh.
Khu vực Tây Nguyên bên cạnh tỉnh xanh Kon Tum duy trì từ tuần trước, nay có thêm Gia Lai.
So với tuần trước, hàng loạt tỉnh đã chuyển từ màu vàng sang xanh như Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Gia Lai, Quảng Ngãi, Tây Ninh.
Hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM duy trì màu xanh từ tuần trước.
TPHCM tiêm vắc xin cho 13.000 người trong 9 ngày nghỉ tết
Theo Tuổi trẻ, Sở Y tế TPHCM ngày 9-2 cho biết hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng mùa xuân năm 2022 do Bộ Y tế phát động, 36 điểm tiêm cố định đã tổ chức tiêm vắc-xin xuyên Tết.

Theo Sở Y tế, bên cạnh đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh, điều trị và cấp cứu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế đã bố trí nhân sự trực tại điểm tiêm cố định để tiêm vắc-xin xuyên Tết cho người dân khi có nhu cầu mà không bị gián đoạn.
Kết quả cho thấy trong 9 ngày triển khai ở giai đoạn 1 (từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 6 tháng Giêng) đã có 13.000 người được tiêm.
Đặc biệt các quận, huyện đã vận động, thuyết phục được 97 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, trước kia vì nhiều lý do đã trì hoãn việc tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm vắc-xin) tiêm vắc-xin trong đợt này.
Giai đoạn 2 của chiến dịch tiếp tục triển khai từ ngày 7-2 đến hết 28-2. TP sẽ mở lại hoạt động tiêm vắc-xin Covid-19 tại tất cả điểm tiêm chủng bao gồm cả điểm cố định, cộng đồng và lưu động.
Ngày 9-2, ca Covid-19 tiếp tục tăng vọt, lên đến 23.956 trường hợp
Bản tin dịch Covid-19 ngày 9-2 của Bộ Y tế cho biết có 23.956 ca Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố, tăng 2.052 ca so với ngày trước đó.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh (+720), Hải Phòng (+465), Bắc Ninh (+349).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Hòa Bình (-926), Hải Dương (-125), Thái Nguyên (-122).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.404.651 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.353 ca nhiễm).
Lần đầu phát hiện Omicron ở động vật hoang dã
Tuổi trẻ dẫn nguồn hãng tin Reuters, các mẫu máu và một số mẫu dịch mũi của 131 con hươu đuôi trắng tại quận Staten Island, thành phố New York cho thấy gần 15% trong số này có kháng thể chống SARS-CoV-2.
Phát hiện nói trên cho thấy những con vật này từng mắc Covid-19 trước đó, và dễ tái nhiễm với các biến thể mới, theo nhóm nghiên cứu của ĐH bang Pennsylvania.
"Việc tồn tại virus trong một quần thể động vật luôn làm tăng khả năng lây nhiễm ngược lại cho con người, song quan trọng hơn là nó tạo cơ hội để virus phát triển thành các biến thể mới", ông Suresh Kuchipudi - nhà sinh vật học thú y tại ĐH bang Pennsylvania - cho biết.
"Khi virus hoàn tất việc đột biến, nó có thể lẩn tránh các vắc xin hiện nay. Do đó chúng ta có thể phải điều chỉnh vắc-xin lần nữa", ông Kuchipudi nói thêm.
Đây là lần đầu tiên biến thể Omicron được phát hiện ở động vật hoang dã trong bối cảnh biến thể này đang thống trị số ca mắc mới tại Mỹ.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dù tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy động vật lây truyền virus sang người, song hầu hết các ca Omicron ghi nhận ở động vật đều có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.
Phùng My tổng hợp
Rất vui . Cả nước không còn vùng cam, có nghĩa Đỏ đã chết tiệt từ lân rùi