Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Buýt vi vu: Ghé thăm những di tích kiến trúc nghệ thuật cùng buýt số 3

Du lịchHành trình - Điểm đếnBuýt vi vu: Ghé thăm những di tích kiến trúc nghệ thuật...
(SGTT) - Tuyến buýt số 3 đi từ bến xe Thạnh Xuân, quận 12 đến bến xe buýt Sài Gòn, quận 1 và ngược lại. Khi vi vu cùng tuyến buýt này, du khách có thể dừng chân khám phá những di tích kiến trúc nghệ thuật tại TPHCM như chùa Sắc Tứ Trường Thọ, lăng Võ Tánh, đình An Nhơn...

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ

Ảnh: Phương Ly

Chùa Sắc Tứ Trường Thọ tọa lạc tại số 791 đường Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, được xây dựng từ thế kỷ 18, đến nay đã hơn 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã hai lần được sắc phong. Năm 1802 (Canh Tuất) vua Gia Long sắc phong Sắc tứ Pháp Vũ tự; năm 1870 (Canh Ngọ), vua Tự Đức sắc phong Sắc tứ Trường Thọ.

Ảnh: Phương Ly

Chùa Sắc tứ Trường Thọ hiện còn nhiều di vật có giá trị, như hai tấm biển Sắc tứ Pháp Vũ và Sắc tứ Trường Thọ; tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao 1,8m, không có bệ; bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quán Thế âm, Đại Thế Chí)... Năm 2000, chùa được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Lăng Võ Di Nguy

Ảnh: Phương Ly

Lăng Võ Di Nguy nằm tại số 19 đường Cô Giang, phường 2, quận Phú Nhuận. Lăng mộ của Võ Di Nguy được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng Nam Bộ, chỉ dành cho bậc đại công thần. Đến nay, lăng đã tồn tại hơn 200 năm tuổi và được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1993.

Ảnh: Phương Ly

Qua trao đổi với người dân sống xung quanh khu vực này, hiện nay, lăng Võ Di Nguy không mở cửa tiếp đón khách tham quan thường xuyên, mà chỉ mở cửa vào ngày giỗ ông (15 và 16 tháng Giêng âm lịch) để người dân vào nhang khói tưởng niệm.

Chùa Phú Long

Ảnh: Phương Ly

Chùa Phú Long tọa lạc tại số 62A đường Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận. Chùa được xây dựng năm 1804, nhân sự kiện vua Gia Long chính thức đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam.

Ảnh: Phương Ly

Với tuổi đời hơn 200 năm tuổi, gắn với sự hình thành và phát triển của quận Phú Nhuận cùng lối kiến trúc đặc trưng Nam Bộ, chùa Phú Long được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 2007.

Lăng Võ Tánh

Ảnh: Phương Ly

Lăng Võ Tánh nằm ở số 19 đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, được vua Gia Long lập năm 1802 nhằm tưởng nhớ vị danh tướng Võ Tánh. Năm 2019, lăng Võ Tánh  được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Ảnh: Phương Ly

Kiến trúc mộ tại lăng mang đặc trưng kiến trúc mộ cổ vùng Nam Bộ đầu thế kỉ 19, với đủ kết cấu như bình phong tiền, trụ cổng, sân thờ, bệ thờ, nấm mộ, bình phong hậu, tường bao. Cùng với đó là đền thờ Võ Tánh, cũng được xây dựng theo lối kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ.

Đình An Nhơn

Ảnh: Phương Ly

Đình thần An Nhơn tọa lạc tại 110/25, đường số 30, phường 6, quận Gò Vấp. Đình An Nhơn mang kiến trúc đình làng đặc trưng Nam Bộ, xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18. Đình được trùng tu vào 3 giai đoạn: 1802, 1852 và đầu thế kỷ 20. Đình là một quần thể kiến trúc gồm nhiều phần khác nhau, được xây dựng trên diện tích trên 6.000m².

Đây cũng là nơi thờ phụng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do và thống nhất đất nước. Đình An Nhơn được UBND TPHCM công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2005.

Buýt vi vu là chuỗi nội dung Sài Gòn Tiếp Thị sẽ gợi ý cho bạn đọc về những hành trình đi du lịch bằng xe buýt khám phá TPHCM. Theo đó, trong mỗi bài viết, “Buýt vi vu” sẽ cung cấp cho độc giả thông tin về lộ trình của một tuyến xe và gợi ý các điểm du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh… trên lộ trình đó.

Phương Ly

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục