(SGTT) – Kết hợp cả ớt và sốt sa tế trong cùng một món ăn, bún gạo xào ớt sa tế khiến thực khách ưa vị cay không thể chối từ, nhất là trong bữa trưa giữa tuần.
- Trưa nay ăn gì: Salad thập cẩm, đủ đầy dư vị từ thịt đến rau củ
- Trưa nay ăn gì: Cơm văn phòng với ba rọi kho thơm
- Trưa nay ăn gì: Mới lạ món mực hấp cuốn bánh tráng
Tạm bỏ qua phần cơm trưa văn phòng hay các món mì, hủ tiếu, phở, bữa trưa hôm nay là món bún gạo xào ớt, sa tế, đa dạng vị cay, thực phẩm kết hợp cùng trong một cách xào. Thực tế, bún gạo trước đây chủ yếu xuất hiện trong các quán hủ tiếu mì của người Hoa với món nước bún gạo thập cẩm hay bún gạo tôm thịt. Dần dần, sợi bún này được các quán ăn ứng dụng cho món xào, thay thế sợi hủ tiếu, phở.
Đặc trưng của món ăn này là tùy thuộc quán phục vụ kiểu bún gạo xào không có nước dùng và bún gạo xào có nước dùng. Loại có nước dùng thì thực khách được thêm chén nước súp và ngược lại.
Với món ăn hôm nay, kết cấu nguyên liệu gồm sợi bún, ớt, sa tế, thịt, rau củ và gia vị. Sợi bún gạo trên thị trường chỉ có loại khô đóng gói nên phần trụng bánh khá quan trọng để giữ độ giòn sần sật, khi xào trên lửa lớn bánh không bị bở.
Phần gia vị ớt, sa tế là bộ đôi tạo nên vị giác bùng nổ cho món ăn. Ớt quán sử dụng một số loại như ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt ay ớt chỉ địa (có quán để nguyên trái, có quán cắt nhuyễn cho vào xào). Còn sa tế là hỗn hợp gồm ớt tươi, tỏi, nước mắm, dầu ăn, muối, đường trộn theo tỷ lệ (một số nơi còn thêm các thành phần thịt hay hải sản để tạo hương vị mới mẻ).
Còn rau củ, có một số tùy chọn để xào chung như giá, hẹ, cải ngọt, cải thìa, ớt chuông... Thông thường, rau cho vào xào cuối cùng để giữ độ xanh, tránh rau củ bị nhừ nát. Sau khoảng thời gian ngắn xào nấu, thành phẩm bún gạo xào ớt, sa tế đã hoàn thành. Món ăn vừa đẹp mắt bởi sự da dạng màu thực phẩm, vừa mang đến trải nghiệm ẩm thực vị giác bùng nổ khó quên.
Theo monanvungmien, nauankhongkho, blogamthuc, shopeefood