(SGTT) - Hai bên bờ sông Trà Bương, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có hai núi Một. Núi Một thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, nằm ở phía trên, bên này núi Một thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, nằm phía dưới. Hai núi Một nằm chéo nhau so với dòng sông Trà Bương.
- Đến Phú Yên, khám phá vẻ đẹp thanh bình ven sông Trà Bương
- Tạm xa phố thị, khám phá ‘vùng ba xã’ Phú Yên
- Khám phá không gian xanh mát tại suối Lạnh, Phú Yên
Xóm núi Một thôn Phước Hòa, dân cư sinh sống, đường bê tông xuyên qua cánh đồng vào cửa ngõ từng nhà. Còn núi Một bên thôn Thạnh Đức trong chiến tranh có giao thông hào quanh núi. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người dân tự giác bảo vệ, không ai được chặt cây, đào đất núi Một và xem đây là báu vật của địa phương.
Núi Một thôn Thạnh Đức
Hồi trước, núi Một thôn Thạnh Đức là trụ sở thôn cũng là trường học. Xung quanh cánh đồng rộng 45ha bao quanh núi Một, nhìn xa về phía Tây là xóm nhà, nhìn ra hướng Đông là dòng sông Trà Bương cách 500m. Sau này trụ sở thôn, trường học dời vào cạnh tuyến đường đi qua xóm nhà, núi Một một mình trầm mặc với thời gian.
Cạnh hòn núi Một có con rạch bàu chảy vắt qua cánh đồng ghé qua chỗ bụi tre, lùm cây. Giữa dòng chảy rạch bàu người dân trong thôn trồng môn, rau muống. Mùa mưa lụt, nước từ thượng nguồn đổ về, sông Trà Bương - nước lớn nhanh tràn vào con rạch bàu, lên cánh đồng nước ngập mênh mông. Cá lúi, cá diếc, cá rô, cá thác lác… theo dòng nước vào sinh sản. Người dân thôn bơi thả lưới, cất vó bắt cá đẻ.
Đi ra ruộng đắp trổ nước về, để ngửa cái nón trước thềm, bà Phan Thị Mười ở thôn Thạnh Đức, nói "Nhà tôi đây sáng mở cửa bước ra sân là thấy núi Một. Địa hình thôn Thạnh Đức 'sơn bao, thủy bọc', chính địa hình hiểm trở này mà cách mạng chọn để hoạt động. Đây là vùng căn cứ cách mạng trong thời chống Pháp và chống Mỹ. Trong chiến tranh, Mỹ ném bom, phía sau vùng gò đồi có hầm bom to bằng đám ruộng một giạ giống. Núi Một có giao thông hào, là nơi canh gác quân thù cũng là nơi che chắn mưa bom, bão đạn cho cách mạng".
Theo thống kê của UBND xã Xuân Quang 3, sau cuộc chiến tranh khốc liệt, xã có 176 gia đình liệt sĩ, 17 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng, trong đó thôn Thạnh Đức có tới 111 gia đình liệt sĩ, 12 Mẹ Việt Nam anh hùng, 10 mẹ có ba con là liệt sĩ.
Xóm nhà thôn Thạnh Đức chạy dài trên đất gò đồi. Trước thôn có đồng Thành, đồng núi Một, đồng Trường và đồng Lẫm. Thôn có 500 hộ dân, sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng nông thôn mới, thôn phát động phong trào “ruộng lúa bờ hoa”, “đường hoa nông thôn”, người dân trong thôn hưởng ứng.
Nhà bà Bùi Thị Hà, hướng cửa ra núi Một, trồng hoa mười giờ ngập lối. Hoa mười giờ gần trưa “rủ” nhau nở, loại này mau tàn nên bà trồng thêm hoa bươm bướm, mào gà, bông phụng... để bờ hoa đẹp về chiều tối và sáng sớm.
“Người dân trong thôn sống rất là tình thương mến thương. Có con gà trái bí bưng qua cho nhau. Cuộc sống người dân ở đây thắt chặt tình làng nghĩa xóm”, bà Hà chia sẻ.
Từ phong trào “ruộng lúa bờ hoa”, có những đường hoa “đi dạo” ra cánh đồng. Dọc đường qua cánh đồng thôn Thạnh Đức, các loại hoa tường vi, đinh lăng, lạc tiên... trồng đan xen các loại rau thực phẩm tía tô, diếp cá, càng cua, ớt thù lù.
Theo ông Trần Huy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Quang 3, xã phát động phong trào trồng hoa làm sạch đường làng ngõ xóm. Việc triển khai mô hình thông qua các các đoàn thể, đến các chi hội, làm cho nhân dân trong thôn gắn bó, đoàn kết hơn. Phong trào trồng hoa làm cho môi trường xanh, sạch, đẹp, hiệu quả từ mô hình ngày càng được nhân rộng.
Núi Một thôn Phước Hòa
Núi Một thôn Phước Hòa, xóm nhà chạy viền theo chân núi, tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, bình dị chốn thôn quê. Phía dưới xóm nhà có suối Bà Sào chảy ra sông Trà Bương, dòng suối này là ranh giới giữa thôn Phước Hòa và thôn Phước Nhuận.
Ông Nguyễn Văn Tâm, người trong xóm, kể tương truyền xưa kia, có người khổng lồ dời non, gánh hai hòn núi, nặng quá làm cây đòn gánh bị gãy rớt xuống hai hòn núi một giữa đồng, đó là núi Một thôn Thạnh Đức và núi Một thôn Phước Hòa; còn cây đòn gánh khi gãy đè đất lún xuống thành sông Trà Bương. Trải qua thời gian, dòng sông thay đổi dòng chảy, vì vậy hai núi Một cách nhau là sông Trà Bương, bên này núi Một thôn Thạnh Đức nằm phía dưới, núi Một thôn Phước Hòa nằm phía trên chéo nhau so với dòng sông Trà Bương như hai đầu đòn gánh.
Ông Nguyễn Văn Minh, ở xóm núi Một, chia sẻ "Xóm nhà dưới thấp nhưng nằm trên cao, thấp là xóm cuối thôn, cao là ở trên núi. Mùa lụt, nước trên sông Trà Bương tràn vào cánh đồng trước nhà, nhà nào thấp nhất trong xóm nước lụt “đụng” bật thềm. Nhà cao hơn thì nước lụt liếm gốc dừa trước ngõ. Tôi sinh ra và lớn lên ngay trong lòng núi Một, trước đây người dân ở đây sống bằng nghề trồng mía, sạ lúa, gần đây bà con bắt đầu tìm đến những loại cây khác “ngọt ngào” hơn như xoài, thanh long, dừa... Từ trước đến nay, cuộc sống người dân ở đây, núi Một “dang tay” che chở.
Sở dĩ ông Minh nói vậy là xóm nhà núi Một dựa lưng vào vách núi, hướng mặt ra cánh đồng. Ruộng lúa “làm đẹp” xóm nhà bằng cách đổi màu. Một năm hai vụ lúa, khi lúa mạ non màu xanh trải trước xóm nhà, còn lúa chín vàng lượn sóng với nhiều cảm xúc. Đến mùa mưa lũ cánh đồng bỏ hoang nước tràn đồng trắng ruộng, “xóm trên núi” giống như cù lao giữa mùa nước nổi. Chiều nhìn từ đường bê tông vào xóm nhà, người mẹ ngồi bậc thềm đút cơm cho con ăn, đứa trẻ vừa ăn vừa ngó ra cánh đồng, xóm núi Một như đang “triển lãm” bức tranh cuộc sống làng quê đầm ấm…
Cánh đồng trước mặt xóm núi Một của người dân thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 canh tác. Dù khác thôn, khác xã, nhưng người dân xóm núi Một “thuộc lòng” từng bờ ruộng, chòm rau muống của người người dân thôn Phước Nhuận.
Ông Trình Văn Chi, ở thôn Phước Nhuận, người có ruộng xâm canh ruộng ở xóm núi Một, kể hồi máy tuốt lúa mới ra đời, cánh đồng thu hoạch cùng lúc phải chờ máy tuốt. Có đám ruộng đến tối mịt mới đến lượt, chủ ruộng chạy vô xóm núi Một mượn đèn dầu ra thắp sáng thấy hứng lúa vào bao, có lúc mượn cái thúng, đôi ky…
Từ quốc lộ 19C, đường bê tông đi xuyên qua cánh đồng ra xóm núi Một. Dọc theo đường bê tông những mái ngói đỏ tươi, hướng cửa ra đồng lúa. Một xóm nhà tưởng như bị cô lập giữa bốn bề lầy lội, nay khoác lên mình diện mạo mới.
Mạnh Hoài Nam