(SGTT) - Với những tiềm năng to lớn về thiên nhiên và văn hóa bản địa, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có khả năng phát triển du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, vườn quốc gia cần phải có những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đây cũng là những nội dung được thảo luận trong tọa đàm "Phát triển du lịch xanh: Để núi rừng còn vang vọng mãi”, diễn ra vào chiều ngày 27-11 tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước, do Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và Sáng kiến Kiến Điểm đến An toàn (do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành) phối hợp với tổ chức.
- Bù Gia Mập muốn phát triển du lịch xanh gắn với đa dạng sinh học của vườn quốc gia
- Du lịch xanh với những bữa ăn tuần hoàn
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: ông Điểu Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập, ông Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập và bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch và người điều phối là biên tập viên Ngọc Khuyến của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.
Trước đại dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan vườn khoảng 3.000 - 4.000 trong một năm. Nhưng từ sau đại dịch, đặc biệt là khi mà Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh thì số lượng du khách đã tăng lên. Dự kiến năm nay, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đón tiếp khoảng 10.000 – 15.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện các loại hình du lịch tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đang có trong thời gian qua như du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, khám phá di tích lịch sử và tìm hiểu về văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc ít người tại địa phương, ông Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho hay.
Ông Điểu Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, với lượng khách tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập ngày một đông hơn, đã tạo điều kiện cho cho địa phương phát triển về nhiều mặt. “Đó là tăng thêm thu nhập cho bà con trên địa bàn xã, giúp cải thiện cuộc sống của người dân trên địa bàn, đồng thời góp phần vào cái phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của địa phương. Một phần nữa là giúp gìn giữ bản sắc văn hóa các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc ít người. Ngoài ra góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn xã”.
Đánh giá về việc phát triển du lịch ở Bù Gia Mập, bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch cho rằng, việc phát triển du lịch nơi đây đang đi rất đúng hướng qua con số khách tham quan tăng lên hàng năm. Đặc biệt là xu hướng phát triển du lịch xanh phát triển mạnh mẽ bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống khác. “Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch của Việt Nam phải là ngành kinh tế mũi nhọn và trong đó là định hướng du lịch xanh, du lịch bền vững là điều đang hướng tới. Các sản phẩm du lịch tại Bù Gia Mập luôn đề cao bảo tồn môi trường, giữ gìn cái giá trị thiên nhiên sẵn có và cũng như là phải làm sao để bảo tồn văn hóa địa phương, hai điều đó phù hợp với cái xu hướng của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng”.
Việc phát triển du lịch ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam hiện nay góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của địa phương. Mặt khác, việc này còn góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên đối với du khách, nhất là học sinh, giới trẻ. Tuy nhiên cần phải lưu ý để làm sao vừa phát triển du lịch vừa đảm bảo cân bằng trong việc bảo vệ và gìn giữ rừng, tránh “tổn thương" rừng, đa dạng sinh học. “Với phương châm của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là bảo vệ rừng tận gốc, đây cũng là việc ưu tiên. Chính vì vậy mà trong các đề án mà phát triển, ví dụ như là phương án phát triển rừng bền vững cũng như đề án phát triển du lịch sinh thái của vườn đều đưa vào bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng lên hàng đầu", ông Tuân cho biết.
Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng để phát triển du lịch xanh bền vững ở Bù Gia Mập thì cần xây dựng một kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của Vườn quốc gia. Kế hoạch này cần xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển, các sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, sao cho phát triển không quá tải, không tác động xấu đến môi trường.
Bà Ly cũng cho rằng, phát triển du lịch xanh bền vững cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư. Chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch xanh, nhất là thúc đẩy cộng đồng cùng đồng hành với Vườn quốc gia. Các doanh nghiệp du lịch cần có trách nhiệm bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, xác định đưa khách tới Vườn Quốc gia Bù Gia Mập là góp phần phát triển du lịch xanh. Cộng đồng dân cư cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh, tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, văn hóa bản địa.
Nếu phát triển du lịch chỉ vì lợi ích kinh tế sẽ rất nguy hại và đặc biệt ảnh hưởng đến môi trường. Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh đa dạng, hấp dẫn. Bà Ly gợi ý một số sản phẩm du lịch xanh có thể phát triển tại Bù Gia Mập như các tour du lịch tham quan thiên nhiên, khám phá hệ sinh thái đa dạng của Vườn quốc gia, tour du lịch tuyên truyền, các tour du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa của các dân tộc thiểu số. Các tour du lịch sức khỏe, tận hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thư giãn trong không gian thiên nhiên.
Ngoài ra, Vườn quốc gia cũng cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh. Hợp tác với các doanh nghiệp du lịch sẽ giúp Vườn quốc gia tiếp cận được với nhiều du khách hơn, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Tại buổi tọa đàm, ông Võ Hồng Văn, Ủy viên Ban biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã gặp gỡ, đồng thời trao biểu trưng chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn cho Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, thành viên của chương trình. Đây là việc làm nhằm cổ vũ các hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy kết nối phát triển du lịch xanh, an toàn và bền vững ở Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Ngọc Khuyến