Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản mới nhất

(SGTT) - Ngày 6-10, Bộ Y tế ban hành “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19”. Đây là hướng dẫn mới do Bộ Y tế ban hành và thay thế cho hướng dẫn hồi tháng 7-2021.

Theo đó, về triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19, hướng dẫn cho biết, thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, thể delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Ở giai đoạn khởi phát: Chủng alpha có các biểu hiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...

Chủng mới (delta): đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân Covid-19 nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập. Ảnh: suckhoedoisong.vn

Về diễn biến nhiễm bệnh

Báo Sức khỏe và Đời sống thông tin chi tiết, đối với thể alpha, 80% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng trong khoảng thời gian 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do Covid-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

Đối với thể delta, tỷ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4,2% alpha), tỷ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra, chủng delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Giai đoạn hồi phục của bệnh nhân Covid-19

Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2, gặp các rối loạn kéo dài: bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào...

Về thuốc điều trị

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Nếu là thuốc đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Đề xuất mở lại 10 đường bay nội địa từ ngày 10-10

Theo thông tin trên Tạp chí online Kinh tế Sài Gòn, Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kế hoạch triển khai các đường bay nội địa thường lệ, trong đó đề xuất giai đoạn ban đầu mở lại 10 đường bay từ ngày 10-10 nhưng hành khách phải được tiêm đủ 2 liều vắc-xin khi bay.

Dự kiến ngày 10-10 sẽ mở lại 10 đường bay nội địa.

Theo thống kê của Cục Hàng không, tính đến ngày 6-10, Cục đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 13 tỉnh, thành phố trên tổng số 21 địa phương được xin ý kiến.

Trong đó, có 6 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); 4 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm TPHCM, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Ba địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch gồm Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Báo Thanh niên thông tin thêm, Cục Hàng không đề xuất, các đường bay có thể thực hiện theo kế hoạch gồm 10 đường bay giữa TPHCM - Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Phú Quốc, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và giữa Thanh Hóa - Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc.

Đặc biệt, các đường bay chỉ được mở sau khi có ý kiến đồng thuận của cả 2 địa phương có cảng hàng không, sân bay liên quan đến đường bay. Các đường bay sẽ tiếp tục được bổ sung khi có thêm ý kiến đồng ý của các địa phương khác.

Tần suất khai thác ban đầu không vượt quá số lượng đã xin ý kiến và nhận được sự đồng ý của các địa phương. Cụ thể, 5 đường bay từ TPHCM đi Thanh Hoá/Khánh Hòa/Phú Yên/Bình Định/Phú Quốc và ngược lại với tần suất mỗi đường bay 4 chuyến/ngày, chia đều cho 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines.

Ba đường bay từ Thanh Hóa đi Khánh Hòa/Buôn Ma Thuột/Phú Quốc và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày. Đường bay TPHCM-Huế và ngược lại khai thác với tần suất 1 chuyến/ tuần. Chiều từ Nghệ An đi TPHCM khai thác 2 chuyến/tuần.

Đáng chú ý, hành khách đi máy bay, ngoài việc phải tuân thủ 5K, khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến theo quy định, Cục Hàng không đề nghị, phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng.

Đặc biệt, hành khách từ vùng “nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ (cấp 4)” phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh trong vòng 72 giờ.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất giai đoạn ban đầu dự kiến từ 10-10-2021. Trong giai đoạn đầu, hành khách sẽ phải ngồi giãn cách trên máy bay. Từ giai đoạn 2 trở đi sẽ không áp dụng giãn cách ghế trên tàu bay.

Ngày 6-10, ghi nhân 4.356 ca mắc Covid-19; trong ngày có 10.033 bệnh nhân khỏi.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 17:00 ngày 5-10 đến 17:00 ngày 6-10, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.356 ca trong nước, giảm 4 ca so với hôm qua; trong đó có 2.223 ca trong cộng đồng.

 

Người dân chờ tiêm vắc-xin tại một điểm tiêm ở thành phố Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: Anh Quân

Tại TPHCM ghi nhận 1.960 ca, Bình Dương 852 ca, Đồng Nai 534 ca, An Giang 180 ca, Kiên Giang 79 ca, Long An 74 ca, Tiền Giang 72 ca, Bình Thuận 60 ca, Đắk Lắk 58 ca, Trà Vinh 52 ca, Khánh Hòa 47 ca, Đồng Tháp 47 ca, Cần Thơ 44 ca, Tây Ninh 41 ca, Bạc Liêu 32 ca, Hà Nam 25 ca, Cà Mau 22 ca, Bến Tre 21 ca, Vĩnh Long 20 ca, Gia Lai 20 ca, Bình Định 18 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 17 ca, Ninh Thuận 14 ca, Hà Nội 9 ca, Quảng Nam 8 ca, Đắk Nông 7 ca, Quảng Ngãi 7 ca, Quảng Bình 7 ca, Bình Phước 5 ca, Thừa Thiên Huế 5 ca, Nghệ An 5 ca, Kon Tum 4 ca, Thanh Hóa 2 ca, Nam Định 2 ca, Lạng Sơn 1 ca, Sơn La 1 ca, Ninh Bình 1 ca, Hà Tĩnh 1 ca, Phú Yên 1 ca, Đà Nẵng 1 ca.

Kể từ ngày 27-4-2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091 ca, trong đó có 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 11 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Phòng, Thái Bình, Lào Cai.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin sốt xuất huyết

0
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa chính thức triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4...

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Kết nối