Bỏ tư duy đếm F0 trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 được không ít quan chức chính quyền và ngành y tế cả nước đề cập khá nhiều kể từ ngày 1-10 năm ngoái, khi TPHCM hết giãn cách và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Nhưng, dường như chống dịch hiện nay vẫn lấy số liệu đếm F0 làm cơ sở cho ban bố các chính sách hay xử lý tình huống ở các địa phương.
Người viết bài này không rõ bỏ tư duy đếm F0 được công khai lần đầu tiên khi nào nhưng trong cuộc họp báo phòng chống Covid-19 của TPHCM ngày 3-8-2021, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu đại ý việc đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn, mà đếm số ca tiếp nhận điều trị, trong số đó bao nhiêu ca điều trị khỏi, bao nhiêu ca chuyển nặng và đặc biệt số ca tử vong để có những biện pháp trong điều trị, biện pháp mạnh hơn.
Bỏ tư duy đếm F0 được nói đến nhiều hơn sau ngày 11-10-2021, ngày Chính phủ ban hành nghị quyết tạm thời số 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, bởi đơn giản là sau ngày 1-10-2021, khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, quá nhiều địa phương vẫn dùng cách đếm F0 để lập trạm chốt như thời bao cấp “ngăn sông cấm chợ”.
Trên báo chí, không ít quan chức ngành y tế, nhà khoa học đã nói khá nhiều về phòng chống dịch trong tình hình mới mà không phải chạy theo con số F0, nên thay thế bằng những con số như số ca tử vong, số ca chuyển nặng nhập viện…. Thế nhưng, nói là một chuyện, còn thực tế lại khác xa.
Rõ ràng dịch bệnh hiện nay đã khác xa với cách nay 3-4 tháng, điển hình là số ca nhiễm nặng, số ca tử vong. Trên trang web của Bộ Y tế, số ca tử vong trên cả nước trong 7 ngày qua bình quân mỗi ngày 12 ca (làm tròn), tức thấp hơn 10 lần so với 136 ca của ngày 1-10 năm ngoái, ngày cả nước chuyển sang “bình thường mới”.
Dẫu tư duy đếm F0, khoanh vùng F1 ở các địa phương có cực nhọc cho người dân trong việc đi lại, làm ăn hồi trước Tết Nguyên đán nhưng vẫn còn ít rắc rối hơn so với hiện nay khi mà học sinh đi học trở lại.
Khi học sinh đi học trở lại, nhà chức trách bắt đầu lúng túng thấy rõ qua việc khoanh vùng xác định F1 đến mức độ nào để an toàn. Có nơi cho học sinh nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0. Có nơi cho cả khối lớp dừng học trực tiếp khi phát hiện một ca F0 trong một lớp. Thậm chí có địa phương cực đoan tới mức đóng cửa trường ngay khi phát hiện vài học sinh F0. Và rồi để an toàn hơn, dễ dàng hơn, có địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm Covid-19 trước khi đến trường học trực tiếp mà tiền mua thiết bị xét nghiệm nhanh lại do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không ít trong phụ huynh.
Trong khi đó, Bộ Y tế đã quy định là không bắt học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp, mà chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0.
Ai cũng biết việc ban hành các quy định phòng chống dịch dựa trên đếm F0 là cách dễ làm nhất, khỏi phải suy nghĩ nhiều cho chính quyền địa phương, nhưng quên mất là đã đẩy cái khó khăn về phía người dân, thiệt hại cho cộng đồng.
Ngay cả ngành y tế, mặc dù luôn nói rằng thích ứng linh hoạt với dịch trong “bình thường mới” nhưng tư duy đếm F0 vẫn còn hiện hữu, ít ra là trên chính trang web của Bộ Y tế. Người dân và chính quyền địa phương làm sao có thể thay đổi tư duy, từ bỏ việc đếm F0 khi vào đọc web của ngành y mà thống kê dịch bệnh vẫn là những ca F0 của địa phương này, địa phương kia. Hay như tiêu chí xác định vùng xanh, vùng vàng… vẫn còn dựa vào số ca F0.
Và ngay cả báo chí, luôn kêu gọi người dân từ bỏ tư duy đếm F0 nhưng vào trang web của không ít tờ báo đăng tin dịch bệnh, vẫn là những con số thống kê các ca F0 hàng ngày ở các địa phương nằm chễm chệ ở phần đầu tiên của bản tin.
Hồng Văn
Theo KTSG Online