Lời tòa soạn: Họ là những người quyết định xa rời thành thị, bỏ lại sau lưng cuộc sống đầy đủ vật chất, tiện nghi nhưng thiếu thốn những mảng xanh của núi rừng, của thiên nhiên. Và rồi, nhiều người tìm đến cuộc sống mới ở nơi rừng sâu, núi thẳm. Gần lắm cũng là những địa phương xa xôi, ít bóng người. Để có được cuộc sống yên bình, không tiếng còi xe, không “bill” điện, nước… họ cũng phải dũng cảm đánh đổi và quyết định mạnh mẽ, dứt khoát về tương lai của mình, của thế hệ sau mình. Sài Gòn Tiếp Thị mời bạn đọc cùng theo dõi và đóng góp ý kiến, bài viết cho loạt bài chủ đề “Bỏ phố về rừng”, bắt đầu khởi đăng lúc 9:00 ngày 29-12-2020.
Bài 1: Bỏ phố về rừng: Nhộn nhịp từ mạng xã hội đến… cò địa ốc
(SGTT) - Khi gõ cụm từ “bỏ phố về rừng” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ cần 0,34 giây, có hơn 21,1 triệu kết quả hiện ra. Hàng loạt các nhóm (group) đến trang (page) về chủ đề này được lập ra với hàng chục ngàn thành viên trên mạng xã hội.
- Đến Măng Đen ở farmstay, cảm nhận nét bình yên nơi cao nguyên
- Cùng nhà sinh vật học Phùng Mỹ Trung gieo tình yêu thiên nhiên vào lòng con trẻ
Nóng trên cõi mạng
Trên mạng xã hội Facebook, một group “Bỏ phố về rừng” cói lời giới thiệu ngắn gọn: “Cộng đồng của những người buông bỏ phố thị về vườn, chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm cho những người mong muốn có một cuộc sống khác” đã thu hút hơn 23.400 thành viên chỉ trong một thời gian ngắn.
Phương châm “sống chậm hơn để cảm nhận được nhiều hơn” cũng được đa số thành viên trong nhóm hưởng ứng. Mỗi ngày, có đến hàng chục bài đăng (post) được đăng trên group với hàng trăm lượt tương tác, bình luận… xoay quanh các chủ đề liên quan tới làm vườn, trồng rừng, xây dựng trang trại (farm), làm farmstay, homestay…
Rồi cả những chủ đề rất thực tế khác như cách xử lý rác thải để không ảnh hưởng tới môi trường sống, sơ chế nông sản, cắm hoa dại đến cả việc nuôi một đàn chó ở nơi hoang sơ cùng cốc…
“Bỏ phố về rừng nhớ mang theo một người bạn. 5 năm trước em đạp xe cùng bạn nhỏ này (chú chó trong ảnh – PV) dành dụm từng đồng để dịch chuyển lên Đà Lạt. Chú nhỏ xíu nên phải bỏ vào giỏi xách đi vì chân ngắn quá chạy theo thì không kịp, bỏ vào giỏ xách đi cho tiện. Giờ thì phụ trồng rau mỗi ngày, có điều béo như sâu ăn rau”.
Bài đăng này kèm hình ảnh chú chó con dễ thương của thành viên Võ Thành Luân ngay lập tức thu hút rất nhiều quan tâm của các thành viên trong nhóm. Tiếp đó, người người khoe hình ảnh những chú chó đáng yêu trong trang trại xanh mướt mắt, trên những đồi thông, bên con suối…
Anh Đoàn Quý Lâm, admin của nhóm, chia sẻ, ban đầu group “Bỏ phố về rừng” lập ra chỉ để vài người bạn cùng chí hướng chia sẻ với nhau, cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống, kết nối những người cùng mục tiêu, sống bởi những người thực sự buông bỏ, cả về vật chất, danh vọng, lòng tham, nỗi sợ, lo âu…
Qua thời gian, số thành viên xin vào group càng nhiều, đến mức ban quản trị phải đặt câu hỏi dò để xem người đó có thực sự quan tâm đến chủ đề này không, có thích hợp với Group không. Nếu không, số thành viên đã có thể tăng lên đến 50.000 – 60.000 thành viên thay vì chỉ hơn 23.000 thành viên như hiện tại.
Tuy nhiên, sự phát triển số lượng nhanh chóng của group cũng đã tạo ra độ loãng. Nhiều thành viên mới chưa có trải nghiệm cuộc sống "bỏ phố về rừng" nên đã có những góc nhìn khiếm khuyết, phiến diện, hoặc lo lắng thái quá. Một số khác vào đây để tìm kiếm lợi ích kinh doanh, và không chừng sẽ có những kẻ lừa đảo, đặc biệt là những bài đăng bán đất rẫy, đất rừng.
Có dễ “đổi đời” khi về rừng?
Theo tìm hiểu của người viết, phong trào bỏ phố về rừng nổi lên trong giới trẻ khoảng 3 – 4 năm trở lại đây. Có nhiều lý do để các bạn rời bỏ cuộc sống phố thị, về với núi rừng xây dựng cuộc sống mới. Đó có thể là vì muốn tìm kiếm một cuộc sống bình yên, không lo toan những nỗi lo của “dân công sở” về việc kẹt xe, muộn giờ làm...
Cũng có người rời bỏ thành phố vì quan điểm sống khác biệt, muốn tạo nên dấu ấn cho bản thân, cũng có người coi đây như là một kênh đầu tư, kinh doanh mới, hấp dẫn hơn, dễ sinh lợi hơn trong tương lai. Dù là với lý do nào, phần lớn các bài đăng trên mạng xã hội về chủ đề Bỏ phố về rừng trên mạng xã hội đều là những hình ảnh xinh đẹp, mướt mắt về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, tự do tự tại, không vướng bận.
Câu chuyện của những bạn trẻ như Thành An – Mỹ Thuận (Đắk Nông), Lê Kiệt – Thu Trang (Lâm Đồng) và nhiều bạn trẻ rời bỏ cuộc sống chốn phồn hoa đô thị để tìm về nơi núi rừng, xây dựng cuộc sống riêng, không ồn ào, không khói bụi, kẹt xe… khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Giữa năm 2019, sau một lần thất bại vì dự án thuê đất làm vườn không thành, Lê Kiệt cùng Thu Trang (cùng sinh năm 1995, quê Bình Dương) vay nợ, mua mảnh đất nằm trên một ngọn đồi phía Tây Nam thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), khu vực chưa có điện, nước. Mảnh đất đó bị bao phủ kín mít bởi cỏ dại, thỉnh thoảng xuất hiện rắn rết, bọ cạp.
Nhà chưa có nên đôi bạn trẻ dựng lều ở tạm rồi tìm cách xây nhà bằng vách đất, đồng thời, “tân trang” lại khu rẫy để trở thành trang trại chỉn chu với các loại cây ăn trái, rau, hoa… Gần nửa năm làm việc quần quật, cả hai đã hoàn thành được căn nhà hai tầng, rộng 50 m2. Cuộc sống của họ bây giờ là những ngày quây quần bên những vườn cây, rau, hoa, sáng sáng nhâm nhi cà phê đợi mặt trời, chiều về cùng lũ cún ngắm hoàng hôn… Cuộc sống tưởng chừng không gì thú vị hơn nữa.
Xem kết quả
Hay như cặp Thành An – Mỹ Thuận cũng là những bạn 9X, rời Sài Gòn hoa lệ để về một vùng rừng núi xa tít tận Đắk Nông không điện, không đường, không nước sạch để gầy dựng cuộc sống mới. Mỗi ngày, họ dành 4 – 5 tiếng đồng hồ làm rẫy, trồng cà phê, mắc ca và các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, chuối… Thời gian còn lại, chăm sóc vườn rau, hoa và căn nhà bằng gỗ nhỏ.
Ban đầu có người nghi ngại, có người chê bai, rồi khi mọi việc ổn định, nhiều người trầm trồ thán phục. Và nhiều người cũng bày tỏ mong muốn được làm những việc tương tự.
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Nguyễn Ngọc Mỹ, (ngụ huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cũng là người “bỏ phố về quê” để bắt đầu lại cuộc đời với nông nghiệp, cho biết, những năm gần đây, anh nhận được rất nhiều lời hỏi thăm về việc tìm mua đất Lâm Đồng để lập trang trại, làm homestay. Đa phần trong số đó là những bạn trẻ, tuổi đời chưa quá 30.
Theo anh Mỹ, nhiều bạn vào rừng sâu, bỏ vài năm để xây dựng trang trại, xây nhà, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Có người bước đầu thành công, vườn cây cho trái, rau quả đủ dùng… nhưng cũng đã có bạn phải bán đất trở lại, trở về thành phố vì không chịu nỗi những vất vả của công việc lao động tay chân. Hoặc làm việc mà thiếu kiến thức về nông nghiệp, cứ một mực “thuận tự nhiên” khiến cây trái bị sâu bệnh, không đem lại kết quả gì rồi cũng thất bại…
Với những người đã dám từ bỏ cuộc sống nơi phố thị để về với những vùng quê còn hoang dã, để nhận được cuộc sống tự do tự tại, cũng phải đánh đổi nhiều thứ khác: công việc không ổn định, chuyện học hành của con cái, vấn đề chăm sóc sức khỏe, các tiện ích cuộc sống… Sài Gòn Tiếp Thị mời bạn đọc cùng theo dõi những bài viết tiếp theo cùng chủ đề “Bỏ phố về rừng” để cùng tìm hiểu.
Nam Bình