(SGTT) - Xa nhau hơn ba chục năm, đám học trò rủ tôi cùng đi họp lớp. Muốn tạo bất ngờ, các bạn ấy chỉ hẹn giờ mà không cho biết trước địa điểm.
- Bỏ phố vô rừng: trải nghiệm vô giá khi về với thiên nhiên
- Bỏ phố về rừng: Trào lưu làm farmstay
- Bỏ phố về rừng: Có đam mê sẽ thấy tình yêu!
Ngồi chung trên chiếc ô tô đời mới, một chút khó chịu. Cái thành phố cao nguyên này chỉ bằng bàn tay chứ đâu bao lớn để phải được đưa đón như “cựu hoàng”! Tôi vẫn thích đạp chiếc xe đạp cà tàng mượn sẵn của bạn bè để được dịp rong ruổi đây đó thỏa thích mỗi khi “lên non”.
“Cựu hoàng” chẳng qua là cách nói cho ra vẻ oai lẫm thế thôi vì vẫn còn có chút hoài niệm. Khi vùng cao này chỉ là một buôn làng nhỏ nhắn, vua Bảo Đại thi thoảng phải bỏ chốn cung đình ở Huế để tìm ý yên ả nơi này. “Dấu xưa xe ngựa”của vị vua cuối cùng vẫn còn đâu đây với khu vườn “biệt điện” nằm trước trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lắk trên trục lộ chính Lê Duẩn hiện nay hay còn gọi là “Dinh Bảo Đại”.
Nói là học trò nhưng bây giờ các bạn ai nấy đều đã quá ngũ tuần, đều đã “tri thiên mệnh” cả. Các bạn tíu tít suốt cả đoạn đường chừng mươi cây số của thành phố cao nguyên thủ phủ cà phê Việt Nam đi về hướng Nha Trang. Mà thiệt, ghẹo bạn chưa kịp làm cho nhau “quê” thì xe đã dừng lại trước một khu vườn lớn, bao quanh được bao bọc bằng lũy tre trúc.
Bước chân vào Khu du lịch sinh thái KoTam, tự nhiên cảm thấy an lòng. Chỉ cách dãy tre xanh rào kín mít vào bên trong, bao nhiêu hỉ nộ ái ố ai lạc như biến mất, các cô cậu học trò cùng lớp bây giờ mới sôi nổi quay trở về cái tuổi ngày xưa cắp sách đến trường.
Chỉ bước thêm chừng 300 mét, KoTam như thả tôi vào một nơi nào đó của Đà Lạt thời những năm 1970-1980, cây lá, hoa cỏ, màu sắc thiệt thà lung linh nhưng không đủ kiêu sa như ở thành phố sương mù. Những đoạn đường ngắn, các ngọn tre chao nhau đến ích kỷ, như không muốn cho chút nắng nào lọt qua.
Trời lành lạnh đủ để lang thang đây đó giữa khu vườn rộng non hai chục héc ta mà không phải choàng áo ấm. Một vườn cà phê, một khu trồng rau cải, màu xanh của lá phía trên đồi hòa chung với màu xanh của nước hồ phía dưới chân đồi, tiếng nước rả rích từ thác nhỏ, đủ chụp gọn vào tầm mắt từ trên “balcon” của cái nhà sàn thân thuộc, rất chi Ê-đê.
Cách nay chừng bốn chục năm, tôi nhớ đã về đây. Những khu vườn cà phê được chăm sóc theo cách tự nhiên, nào chuối nào bơ… mọc um tùm và lộn xộn. Chính anh bạn già tri kỷ người gốc dân tộc Ba Na tận Kontum được vợ cưới về buôn này.
Thầy Hiưpp, dạy cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp chung trường với tôi. Nghe nói ông sinh động và vui tươi đến phút cuối phần đời mình. Những lần chung ché rượu cần, cùng nói chuyện huyên thuyên… về cuộc đời đào hoa của anh khi còn dạy ở Couvent des Oiseaux*, thời anh làm cà phê cho chủ Pháp… Nhưng rồi thành phố sương mù vẫn chưa đủ hấp dẫn để về đây với buôn làng bên vợ người Ê-đê.
Có chút ngạc nhiên khi các cháu phục vụ ở KoTam đều là người trong buôn. Tôi hỏi về Thầy Hiưpp, mấy cháu đều xưng mình là bà con gần bà con xa với Mi Lát** cả.
Một cháu nói lơ lớ giọng địa phương giới thiệu chủ của mình. Tôi giật mình. Một phụ nữ “vào sanh ra tử” với nghề kinh doanh cà phê, nay đi lập trại lập vườn! Chúng tôi biết nhau từ lâu nhưng không ngờ chị “dám” bỏ cái nghề sinh động để tìm “nơi vắng vẻ” như thế này, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Tôi và chị quen nhau trong nghề cà phê từ những năm đầu thập niên 1990. Giới kinh doanh cùng ngành cho rằng chị là người “phụ nữ chẳng có mấy tay" hay là nay do mua bán cà phê “nhức đầu” quá chị nên...
”Không, vẫn còn kinh doanh cà phê chứ, nhưng trước đây say cà phê, thì nay bắt đầu say ruộng vườn ao cá rồi”, chị nói.
“Kinh doanh miết, đầu óc quay cuồng. May có chút ruộng vườn này làm vui cho chính mình và giúp được bao người. Rau cỏ, thịt thà, cơm lam, gà nướng đều là cây nhà lá vườn cả đó”, chị Ngọc Anh nhanh nhẩu kể.
“Hỏa xây!” (ăn cơm, nói theo tiếng Ê-đê)
Ché rượu cần của thầy trò chúng tôi cạn dần, tiếng cười nói của các bạn học trò to hơn, nhạc cồng chiêng của đội văn nghệ bắt đầu trầm bỗng, nắng chiều cũng đang lan xuống mái nhà sàn và tôi ngâm nga câu “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Nguyễn Quang Bình
(*) Một trường nữ ở Đà Lạt trước 1975.
(**) Thông thường người trong buôn, thường gọi ông Hiưpp là Ma Lát, tức bố của con Lát. Mi Lát là mẹ.