Những bộ phim đình đám trong vài năm gần đây như “Gái già lắm chiêu 3” (2020) – biên kịch Nam Cito, Bảo Nhân; “Bố già” (2021) – biên kịch Trấn Thành; “Lật mặt 4: Nhà có khách” (2019), Lật mặt 48h” (2021) và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của biên kịch Lý Hải đều có điểm chung là sản phẩm của những nhà biên kịch “tay ngang”, không được đào tạo bài bản nhưng lại góp phần mang về doanh thu vượt trội. Và câu hỏi đặt ra là thực trạng sáng tác của những nhà biên kịch Việt hiện nay ra sao, tác phẩm của họ chất lượng thế nào?
- Phân loại phim để bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương
- Sau dịch Covid-19, các rạp chiếu phim dần hồi phục
Thách thức về chất lượng nghệ thuật và thị hiếu thương mại
Biên kịch là người giữ vai trò viết nên một tác phẩm phim điện ảnh hoặc truyền hình trên mặt giấy cho đội ngũ sản xuất dựa vào đó để xây dựng nên những thước phim trên màn ảnh. Như vậy có thể thấy, vai trò của biên kịch đối với một bộ phim là rất quan trọng, “có bột mới gột nên hồ”.
Chính vì vậy, kịch bản phim là một trong nhiều yếu tố quyết định chất lượng của tác phẩm nghệ thuật. Không ít người trong giới chuyên môn nhận định phim Việt đang khó tìm kịch bản hay dù có đội ngũ biên kịch giỏi, bởi lẽ suất đầu tư cho phim ảnh ở Việt Nam còn thấp, và hoạt động sáng tác bị phụ thuộc nhiều vào phản ứng thị trường và thị hiếu của khán giả.
Là biên kịch của hai phim điện ảnh liên tục đầu năm nay như Chị Chị Em Em 2, Con Nhót Mót Chồng… chị Nhung Khìn hiện đang hoạt động tự do cho biết kịch bản phim vẫn luôn được người làm nghề sáng tạo mỗi ngày. Nhưng khi thị trường đủ sôi động, khán giả sẵn sàng chi tiền ra rạp trở lại thì nhà đầu tư mới mạnh dạn đổ tiền sản xuất nhiều hơn. Từ đó kịch bản hay lâu nay cất góc được tiêu thụ với mức thù lao xứng đáng. Chính hiệu ứng của thị trường sẽ dẫn đến quyết định sản xuất của nhà đầu tư, qua đó nhiều biên kịch trẻ, mới vào nghề có thêm cơ hội tiệm cận đến người làm phim, chị nói.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang thiếu kịch bản hay, có thời điểm ngành phim ảnh Việt liên tục làm phim remake từ kịch bản của nước ngoài cũng phần nào phản ánh những khó khăn, nhọc nhằn trong lao động của những nhà biên kịch.
Ghi nhận từ thực tế của Kinh tế Sài Gòn Online, nhiều nhà biên kịch bộc bạch họ muốn có một kịch bản mang dấu ấn cá nhân, vừa thể hiện được tài năng của người viết, vừa giữ được tâm thế độc lập không bị chi phối bởi những yếu tố câu khách rẻ tiền. Nhưng người giữ vai trò quyết định ở đây lại chính là những nhà sản xuất (cá nhân hoặc doanh nghiệp) luôn phải chịu sức ép về doanh thu và lợi nhuận.
Rõ ràng, thị trường phim Việt đang rất cần những kịch bản tốt, những nhà biên kịch xuất sắc nhưng cũng đang thực sự cần những nhà quản lý quan tâm và nắm bắt nhu cầu của thị trường để có sự hài hòa trong kiểm duyệt và tư vấn sáng tác. Và còn cần hơn nữa những nhà sản xuất có tâm và có tầm để điện ảnh Việt Nam có được những tác phẩm đáp ứng được cả tính nghệ thuật và thương mại.
Từ kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động làm phim, chị Nhung Khìn chia sẽ hoạt động đào tạo biên kịch ở hai trường điện ảnh lớn nhất nước cũng chưa đáp ứng kịp những yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Một số kịch bản đến tay đạo diễn, nhà sản xuất thể hiện góc nhìn, trải nghiệm sống và nghề nghiệp của một số biên kịch vẫn còn nhiều điểm hạn chế. “Không nói quá khi nhiều người vẫn còn giữ tư duy viết lách trong nhà trường, chưa thoát được ra khỏi vỏ bọc cũ nên biên kịch sẽ chết vì cũ và sáo mòn nếu người làm nghề không chịu thay đổi để bắt kịp không khí thời đại”.
Xu hướng nghệ thuật cũng từ chính người sáng tạo nội dung mà ra, nếu chúng ta bắt kịp được hơi thở cuộc sống rồi đưa lên phim ảnh, khán giả đồng cảm thì sớm muộn cũng sẽ thành xu hướng, chị nói thêm. Ngoài ra, số lượng phim bấm máy một năm ở Việt Nam còn ít, cơ sở hạ tầng, hệ thống rạp chiếu phim chưa nhiều nên phát triển thị trường điện ảnh cần thêm thời gian, dẫn đến việc biên kịch thể hiện mình cũng hạn chế.
Nhìn chung, mức thù lao cho biên kịch ở Việt Nam còn thấp, thực tế nhiều sân chơi, nền tảng mạng xã hội mở ra như phim chiếu mạng cũng tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho người mới. Để bán đứa con tinh thần với mức chi phí như mong muốn, biên kịch có tên tuổi vẫn lợi thế hơn khi làm việc với nhà sản xuất phim. Tuy vậy, chị Nhung Khìn giải thích thêm, muốn thu nhập biên kịch tăng lên thì thị trường cũng cần phải lớn mạnh hơn để nhà đầu tư giải quyết được bài toán thu hồi vốn, sinh lời cho một dự án phim ảnh.
“Điện ảnh Việt Nam muốn lớn mạnh như các nước lân cận thì cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ. Chính sách bảo hộ từ nhà nước như hưởng mức thuế ưu tiên như thế nào khi tăng lượng phát hành, cân bằng tỷ lệ phim Việt, ngoại chiếu tại rạp, thêm hiệp hội, quỹ hỗ trợ cho người làm phim đầu tư vào những đề tài lớn hơn như văn hóa, lịch sử…”, chị bộc bạch.
Cùng thay đổi để có tiếng nói chung giữa biên kịch và nhà sản xuất
So sánh với 10 năm trước, mức đầu tư chi phí vào phim ảnh giờ đây đã khác rất nhiều so với thời cực thịnh của phim truyền hình. Đời sống thay đổi, người xem chuyển dịch từ ti vi sang điện thoại và nền tảng công nghệ số nhiều hơn so với các kênh truyền thống. Hợp đồng quảng cáo cũng đổi dòng tiền đầu tư từ truyền hình sang các dự án này nhiều hơn. Chính vì thế, theo nhà biên kịch tự do Phạm Tân, người có nhiều năm kinh nghiệm viết phim truyền hình, sitcom, phim series muốn không sống quay quắt, biên kịch cần thay đổi và làm mới mình qua nhiều đề tài, nội dung để đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn, nhà sản xuất từng thời. Bình quân một năm anh cho ra khoảng ba vở kịch sân khấu, ba phim sitcom và một phim truyền hình.
Chia sẻ với Kinh tế Sài Gòn Online, anh cho rằng chúng ta luôn than thở thiếu biên kịch giỏi nhưng khi tìm được bản thảo chất lượng, nhà đầu tư lại thiếu kinh phí hoặc không chịu chi cho những dự án dài hơi, có sức nặng. Đó cũng là một nghịch lý khiến người làm nội dung và người sản xuất có thời điểm như hai đường thẳng song song không cùng chí hướng, anh nhấn mạnh.
Thực tế biên kịch “vàng” giữa thị trường luôn có, nhưng nhà đầu tư có thiên hướng chọn những dự án nhẹ nhàng, sinh lời tốt, dễ ăn khách nên chúng ta vẫn còn ít thấy những tác phẩm “đã mắt”, đề tài mới lạ nếu so sánh với nền phim ảnh nước bạn.
Vài năm trở lại đây, các webdrama, phim chiếu mạng tạo cơ hội cho nhà sản xuất dễ đầu tư, thu hồi vốn và có kết quả ngay khi phát sóng, nên phim truyền hình bị bó hẹp, suất tài trợ quảng cáo cũng bị chia năm xẻ bảy cho nhiều nền tảng khác. Không phủ nhận biên kịch được thỏa mình trên sân chơi đa dạng hơn, nhưng cũng đặt ra yêu cầu người làm nghề chân chính phải tạo ra sản phẩm linh hoạt mà chất lượng, không đua theo số lượng, làm kiểu “ăn xổi ở thì”, bán rẻ chất xám, cho ra phim dở xem thường khán giả.
Anh Phạm Tân bộc bạch biên kịch làm ra kịch bản chưa chắc được đổ tiền để thành phim. “Câu từ trên giấy là những thứ vô hình, nếu nhà sản xuất cùng biên kịch đọc đúng vị của nhau, cùng hiểu nó thì là vô giá, còn không hiểu thì đó là giấy lộn. Chúng ta vẫn còn nhiều bất cập khi tìm tiếng nói chung giữa biên kịch và nhà đầu tư”, anh nói thêm.
Đạo diễn Trần Toàn đang thực hiện hai dự án phim Chạy trốn khỏi nhà mình, Làm mẹ tuổi 18 cùng nhận định kịch bản phim Việt gặp nhiều vấn đề. Có thời gian chúng ta “rộ” lên kịch bản chuyển thể từ phim Hàn Quốc. Bây giờ khán giả đã thích hương vị thuần Việt hơn, tuy vậy không ít nhà làm phim vẫn học hỏi tình tiết cũng như sáng tạo nội dung dựa trên những chất liệu đã cũ.
Ngoài ra, mức thù lao cho biên kịch cũng không đủ nhiều để họ đầu tư nhiều chất xám hơn cho tác phẩm. Ông chia sẻ “Chúng ta thiếu tài năng và thiếu chi phí sản xuất để giải quyết chuyện vừa yếu, vừa thiếu người làm kịch bản giỏi. Người tài cần được trả xứng đáng phần sáng tạo, chỉ có vậy họ mới thêm động lực làm nghề cũng như cho ra thành phẩm tốt”. Vừa qua, trước khi bấm máy dự án chủ đề về gia đình, đạo diễn Trần Toàn nhận được khoảng 16 đề cương, ý tưởng và chỉ có khoảng hai kịch bản phù hợp với tiêu chí sản xuất cũng như thị hiếu khán giả hiện nay.
Nhìn chung, để phát triển cơ hội nghề nghiệp ngành biên kịch Việt Nam, chúng ta cần nhân rộng miếng bánh nghệ thuật cho những người làm phim được thỏa sức sáng tạo. Lúc đó, không chỉ biên kịch mà những người trong ngành đều có cơ hội vùng vẫy.
Hơn nữa, chính những thế hệ biên kịch trẻ cũng cần sự thay đổi tư duy làm nghề, không ngại tiếp thu cái mới. Thế giới số hóa, chính những người cầm bút cũng cần thích nghi với công nghệ, kỹ thuật viết mới, hiểu cách thị trường vận hành để đến gần hơn với công nghiệp điện ảnh thế giới.
An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online