Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bí quyết giữ dáng thon gọn không ăn kiêng của người Nhật

(SGTT) - Người Nhật có thân hình rất mảnh mai nhờ khẩu phần ăn hợp lý và lối sống năng động, điều này đã giúp Nhật Bản trở thành một trong những nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất trên thế giới. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá lý do, thói quen và học hỏi lối sống của người Nhật giúp họ duy trì lối sống lành mạnh và một thân hình thon gọn mà không cần ăn kiêng hay tập luyện quá sức.

Không uống nước trước khi ăn

Uống nước trong bữa ăn là thói quen của rất nhiều người. Tuy nhiên, với người Nhật Bản, việc uống nước khi đang ăn là một thói quen gây hại cho hệ tiêu hóa. Vì chất lỏng làm mát cơ thể, do đó hơi ấm từ thức ăn trong dạ dày tạo ra sẽ bị làm mát bởi nước, điều này dẫn đến tiêu hóa kém.

Ảnh minh hoạ

Tiêu hóa kém ảnh hưởng xấu đến quá trình trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến mệt mỏi và dễ tăng cân. Đồng thời, một số nghiên cứu cho thấy nước làm loãng axit trong dạ dày, khiến thực phẩm mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và tạo cảm giác no rất nhanh. Việc nhanh no bằng nước sẽ khiến bạn nhanh đói hơn và thèm ăn hơn. 

Nếu bạn ăn như một đô vật sumo, bạn sẽ trông giống như một đô vật sumo

Các đô vật sumo thường sẽ bỏ qua bữa sáng và lập tức bắt đầu buổi tập luyện sức mạnh. Sau đó, họ sẽ ăn một bữa trưa khổng lồ vào buổi chiều và đi ngủ. Các đô vật chỉ ăn hai lần một ngày với hai bữa ăn lớn. Đây chính là ví dụ cho việc dù bạn tập thể dục rất nhiều nhưng nếu thói quen ăn uống của bạn mất cân bằng, bạn vẫn có khả năng tăng cân. Người Nhật quan niệm rằng, ăn những khẩu phần quá lớn, hoặc chọn đồ ăn vặt thay vì thực phẩm lành mạnh sẽ tạo ra tác động lớn hơn thời gian và công sức bạn bỏ ra để tập luyện. Cân bằng chế độ ăn uống, tập luyện thể dục và cải thiện giấc ngủ là chìa khóa để duy trì cân nặng và lối sống lành mạnh.

Ăn khẩu phần nhỏ với lượng vừa phải

Các món ăn truyền thống của Nhật Bản thường được phục vụ với khẩu phần nhỏ giúp mọi người kiểm soát lượng calo nạp vào mà không làm mất đi hương vị hoặc hàm lượng dinh dưỡng trong bữa ăn. Nhìn chung, người Nhật ăn rất ít nhưng họ ăn thực phẩm đa dạng và bổ dưỡng. 

Ảnh minh hoạ

Người Nhật thường có thói quen ăn chậm và ngừng ăn một khi đã no khoảng 80%, quy tắc này được biết đến với tên gọi Hara Hachi Bu. Cụm từ Hara Hachi Bu trong tiếng Nhật có ý nghĩa là "ăn no đến 8 phần (trên 10)" hoặc "lấp đầy 80% bụng". Theo trang The Indian Express, quy tắc Hara Hachi Bu mang lại lợi ích cho đường tiêu hóa và quá trình giảm cân khi lượng thức ăn tiêu thụ trong từng bữa ăn được cân bằng, tránh tình trạng ăn quá nhiều gây tăng cân mất kiểm soát.

Thói quen nấu ăn lành mạnh

Ẩm thực truyền thống Nhật Bản mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ tập trung vào các nguyên liệu tươi được nấu với hàm lượng dầu hoặc chất béo rất ít bằng các phương pháp như hấp hoặc ninh thay vì chiên ngập dầu hoặc nướng với dầu hoặc bơ. Phương pháp nấu ăn này giúp bảo quản các vitamin và khoáng chất thiết yếu, đồng thời giảm lượng chất béo bão hòa không lành mạnh có thể dẫn đến tăng cân theo thời gian nếu tiêu thụ thường xuyên.

Ảnh minh hoạ

Không bao giờ bỏ bữa sáng

Một bí quyết hiệu quả khác của người Nhật để giữ dáng đó là họ không bao giờ bỏ bữa sáng vì họ tin rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất. Tại Nhật, một bữa sáng thịnh soạn với đầy đủ chất dinh dưỡng là cần thiết để cung cấp năng lượng bắt đầu ngày mới và duy trì trạng thái no rất lâu. Nếu bạn vẫn còn nghĩ, tập thể dục nhiều và bỏ bữa có thể giúp bạn giảm cân thì đó hoàn toàn là một quan niệm sai lầm. Các đô vật Sumo cũng bỏ bữa sáng và bắt đầu ngày mới với việc tập luyện, kết quả là họ trở nên khổng lồ hơn mỗi ngày.

Ảnh minh hoạ

Thói quen tập thể dục của người Nhật

Ngoài thói quen ăn uống lành mạnh, người Nhật còn có lối sống năng động góp phần nâng cao thể lực. Đi bộ là hình thức tập thể dục phổ biến ở Nhật Bản, nhiều người đi bộ hoặc đạp xe đến cơ quan, trường học thay vì lái xe hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những thói quen này tuy nhỏ nhưng theo thời gian sẽ tác động rất tốt lên vóc dáng. Ngoài ra, có nhiều hình thức võ thuật truyền thống được luyện tập ở Nhật Bản như judo và kendo, giúp các học viên duy trì hoạt động thể chất đồng thời rèn luyện tính kỷ luật và tôn trọng người khác.

Ảnh minh hoạ

Tắm nước nóng

Đối với người Nhật, tắm rửa không đơn thuần là vệ sinh thân thể mà còn là cách thư giãn và giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi suốt cả ngày. Nếu bạn là một người yêu thích văn hóa Nhật Bản, bạn sẽ dễ dàng nhận ra người Nhật đặc biệt thích tắm nước nóng. Không chỉ mang dấu ấn về văn hóa, lịch sử, tắm nước nóng còn là một phương thức hỗ trợ sức khỏe không thể thiếu trong cuộc sống của người Nhật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó phải kể đến việc kích thích sản xuất endorphin – một loại hormone tự nhiên tạo ra cảm giác hạnh phúc và thoải mái, giúp giảm stress, lo lắng, và cải thiện tâm trạng, cải thiện tiêu hóa và trao đổi chất của cơ thể - một bí quyết giúp người dân nơi đây kéo dài tuổi thọ, và duy trì vóc dáng thon gọn.

Tường Uyên tổng hợp

Theo David Avocado Wolfe, The Hans India, Culture Trip

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa trưa lành mạnh cùng cơm gạo lứt lườn ngỗng hun...

0
(SGTT) - Kết hợp gạo lứt, lườn ngỗng cùng một số loại rau củ, các quán ăn đã giới thiệu món ăn mang tiêu...

Tại sao ăn uống lành mạnh lại khó đến vậy?

0
(SGTT) - Hầu hết mọi người có thể đọc thuộc lòng công thức ăn uống lành mạnh: nhiều trái cây và rau quả, ít...

Ngày tết nhâm nhi sáu loại hạt: vừa rôm rả câu...

0
Vào những ngày tết, mọi người thường có xu hướng nhâm nhi một vài loại hạt cho câu chuyện xuân thêm rôm rả. Các...

Lợi ích có thể bạn không ngờ tới của múa ba...

0
(SGTT) - Trong thế giới nhộn nhịp và đa dạng của nghệ thuật, múa ballet nổi bật với sự tinh tế và sức mạnh...

Cách giảm mỡ cánh tay hiệu quả dành cho nữ

0
(SGTT) - Mỡ cánh tay là một vấn đề phổ biến, gây khó chịu cho nhiều chị em. Sở hữu bắp tay to khiến...

Phát hiện không ít mối quan ngại về bữa sáng của...

0
Sau khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố thực trạng dinh dưỡng phổ biến...

Kết nối