(SGTTO) - Nếu bạn từng chấn thương ở chân nhưng vẫn ham thích những cuộc đua marathon, hãy tham gia với mục tiêu sẽ về đích an toàn và trong quá trình chạy hãy lắng nghe cơ thể bạn thay vì cố cắm mặt chạy theo những “bông hồng” phía trước.
- Chạy bộ giúp tôi chiến thắng bệnh gout
- Mở cổng đăng ký 15 môn thi đấu Đại hội thể thao Doanh nhân – Olympic 2030
Thú thật, mình thích leo núi, trekking hơn chạy bộ, không phải hai môn thể thao này hấp dẫn hơn mà do năm năm trước mình bị một chân thương cơ ở cổ chân phải - dập cơ vùng mắt cá do va chạm trong một trận đá banh rất khó chữa lành nên khi chạy một lúc sẽ bị đau nhóm cơ này dù đã khởi động kỹ càng trước đó.
Nhưng mình vẫn thích tham gia một số giải marathon với mục tiêu rèn luyện cơ thể. Những giải chạy trước, khi xuất phát mình luôn chạy pace (tốc độ) nhanh để bắt kịp các vận động viên trong những ki-lô-mét đầu tiên. Nhưng những ki-lô-mét tiếp theo, nhóm cơ chân phải bị đau nhức rất khó chịu, khi ở vào tình huống ấy, cơ thể mình bắt đầu phản kháng, trong đầu luôn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực với hàng loạt lý do để bản thân bỏ cuộc.
Dù tham gia một số giải marathon ở cự ly 21km rồi, thường rơi vào tình trạng nói trên nên cảm thấy mục tiêu đạt được 42km (full marathon) thật xa vời, ngoài tầm với của bản thân.
Đợt chạy ở giải marathon ở Bình Định, đêm trước ngày chạy, một người anh, mình xem anh ấy là thầy (running mentor) nói một câu "Chạy không cần thắng ai, chạy sao cũng được, miễn là lắng nghe cơ thể mình thoải mái và thắng được chính mình".
Mình suy ngẫm câu này nguyên đêm mà không ngủ được. Nói vui thôi, chứ tối đó, ngủ chung với một người bạn mà bạn ấy ngáy to quá nên không ngủ được.
Bốn giờ ba mươi xuất phát với suy nghĩ lắng nghe cơ thể mình như mentor nói, mình xuất phát với tốc độ cực chậm (1km chạy hết 8'30") nên từng người, từng người vượt qua mình, kể cả nhiều bóng hồng nhỏ nhắn xinh xắn.
Bình thường, khi thấy mấy bóng hồng này là adrenaline thường tăng cao, nên cứ chạy phà phà liền. Nhưng không, lần này quyết định sẽ phải khác. Hai ki-lô-mét đầu tiên mình vẫn chạy với tốc độ chậm. Cảm thấy ổn nên 3-5km tiếp theo, mình nâng tốc độ lên ở mức pace 8 (tức là 1km chạy trong vòng 8 phút). Dù chạy nhanh hơn nhưng thấy cơ thể vẫn trong ngưỡng chịu đựng được nên từ 5-10km tiếp theo, mình đã tăng tốc chạy được pace 7.
Cứ thế, dần dần mình tăng dần pace rất thoải mái. Những người vượt mình lúc nãy, mình cũng từ từ qua mặt.
Nhờ biết lắng nghe cơ thể nên mình vượt qua km thứ 10, rồi km thứ 13 vẫn chạy tốt, chưa dừng lại đi bộ lần nào. Đó là lần chạy tốt nhất của mình vì những lần trước chạy được 6-7km là phải đi bộ rồi.
Đang đà hưng phấn, quyết tâm chạy liên tục tới km thứ ki-lô-mét mới chuyển qua đi bộ từ từ đến trạm tiếp nước. Lần đầu tiên mình chạy liên tục 15km mà không đi bộ một lần, cảm thấy rất phấn khích vì đã làm được một điều lớn lao cho bản thân.
Sau khi sống trong cảm giác phấn khích nói trên, bảy km cuối cùng mình bắt đầu la cà chụp hình hết với người này người kia nên tốc độ chậm hẳn nhưng vẫn về đích trước giờ quy định.
Chia sẻ lại một chút trải nghiệm trong lần chạy này để cho những bạn từng bị chấn thương hay mới làm quen với môn chạy bộ hãy "lắng nghe cơ thể mình", không cần chạy nhanh hơn người khác, hãy chạy theo cách của bạn, theo khả năng của bạn rồi bạn sẽ về đích.
Chính vì nghe và làm theo lời khuyên của ông anh có kinh nghiệm nói trên mà sau lần chạy ở giải marathon tổ chức ở Bình Định vừa qua mình đã tự tin hơn và có niềm tin lẫn cơ sở để có thể tự tin đăng ký cự ly 42km vào tháng 12 này ở TPHCM.
Chuyện bên lề một chút, trên đường chạy mình gặp một runner nữ bị gần như chuột rút nên mình dìu bạn này về tới đích. Do mình chạy với suy nghĩ "run for fun, enjoy the race"- tìm kiếm niềm vui trên đường chạy nên việc hỗ một người lạ về đích để cùng chia nhau cảm xúc - chúng ta đã hoàn thành cuộc đua, cũng là một cảm xúc thú vị.
Cô gái mình dìu về không phải phải bóng hồng mình gặp lúc xuất phát. Nhưng không sao, biết đâu ta sẽ gặp nàng ở một giải marathon nào đó. Thôi, cứ tin vậy.
Hãy lắng nghe cơ thể bạn và hãy tìm thấy niềm vui trên những cung đường, các bạn nhé.
Trần Cao Trí (Giám đốc công ty eBOX)