(SGTT) – Tăng thêm ít thời gian để ngủ có thể giúp bạn trẻ hơn, còn nếu bạn chiếm dụng quá nhiều thời gian ngủ cho công việc, một số vấn đề sức khoẻ như bệnh tim, tiểu đường… sẽ ghé thăm.
- Tự chăm sóc sức khỏe bản thân: Rèn luyện cơ thể và bổ sung vi chất, vitamin đúng cách
- Những lợi ích sức khỏe không nên bỏ qua từ nấm
Thiếu ngủ có thể khiến bạn uể oải trong một ngày dài làm việc, nếu tình trạng này tiếp diễn trầm trọng có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn sau này. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chìa khoá nằm ở việc bạn ngủ bao nhiêu giờ mỗi đêm. Đa phần những người ngủ ít hơn sáu giờ một ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Dưới đây là những điều bạn cần biết để chăm chút cho giấc ngủ tránh bị bệnh tim và tiều đường, cùng một số bệnh lý khác ghé thăm vì thiếu ngủ trầm trọng gây nên.
Bệnh tim
Nếu ngủ ít hơn sáu giờ mỗi đêm, bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành. Thiếu ngủ có thể dẫn đến huyết áp cao, đây thường là dấu hiệu cảnh báo một cơn đau tim hoặc đột quỵ sắp xảy ra. Một nghiên cứu trên Tạp chí chuyên về tim mạch của châu Âu cho thấy những người ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm (kết hợp ăn uống đúng cách và tập thể dục) nguy cơ phát triển bệnh tim ít hơn đến 67% so với những người không ngủ đủ. “Thói quen lành mạnh như ngủ đủ giấc, là tiêu chuẩn quan trọng để bạn có chất lượng cuộc sống tốt hơn”, theo thông tin của Sleepscore.
Bệnh tiểu đường
Thiếu ngủ kéo dài hoặc mất ngủ quá nhiều kéo dài liên tục có thể ảnh hưởng đến mức adenosine (một hoạt chất trong tế bào của cơ thể) có thể gây ra sự tăng đột biến không tốt cho lượng đường trong máu, cuối cùng có thể dẫn đến chứng ngưng thở khi ngủ và mắc bệnh tiểu đường.
Theo một số kết quả nghiên cứu của Nhật Bản được thực hiện vào năm 2013 nhằm xác định xem thời lượng ngủ (ngắn hay dài) có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tiểu đường, các thành viên tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn hoặc khoảng 4-5 giờ mỗi đêm có mức đường huyết A1C cao hơn những người ngủ 6,5-7,4 giờ và cũng có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn, Sleepscore cho biết thêm.
Bệnh Alzheimer
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh Alzheimer có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ/thức. Người mắc bệnh Alzheimer thường khó ngủ vào ban đêm cũng như giảm các giai đoạn ngủ mơ và không mơ, điều này làm ảnh hưởng xấu lên não bộ. Những đêm mất ngủ này dẫn đến những cơn buồn ngủ ban ngày và trong những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sự đảo ngược hoàn toàn các chu kỳ ngủ ban ngày và ban đêm.
Đối với những người có khuynh hướng phát triển bệnh Alzheimer, ngủ không đủ giấc có thể liên quan đến việc phát triển bệnh, điều này cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ.
Ung thư
Các nhà khoa học đang nghiên cứu mối tương quan có thể có giữa những người làm việc theo ca (bao gồm cả giờ lẻ hoặc làm ca đêm không nhất quán) và tỷ lệ mắc bệnh ung thư.
Tạp chí Y học Nghề nghiệp và Môi trường (OEM) số ra tháng 9/2013 cho biết những phụ nữ làm việc ca đêm có rủi ro bị ung thư vú cao, nhất là những người đi làm ca đêm 2 lần/tuần. Ngoài nghiên cứu trên, nhiều tạp chí y học danh tiếng trên thế giới cũng khẳng định điều này như tờ Toronto Sun của Canada, hoặc tạp chí Ung thư Quốc tế (IJC). Theo đó, nhóm phụ nữ đi làm ca đêm có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn 30% so với nhóm đi làm truyền thống, đặc biệt càng đi ca đêm nhiều thì rủi ro bị bệnh ung thư vú càng lớn, nhất là từ bốn năm làm ca đêm, tần suất 2-3 lần/tuần. Nam giới làm việc theo ca cũng có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Nguyên nhân của những phát triển này có thể liên quan đến sự gián đoạn nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể.
Sleepscore là một website chuyên về các giải pháp khoa học dành cho người tiêu dùng. Website này lưu ý thêm, ưu tiên giấc ngủ và giảm tình trạng mất ngủ vào các ngày trong tuần là rất quan trọng để duy trì một lối sống lành mạnh. Mặc dù bạn có thể muốn giảm bớt một vài giờ ngủ để làm những việc khác, nhưng cuối cùng những rủi ro đối với sức khỏe của bạn lớn hơn bất kỳ lợi ích nào bạn nhận lại.
Dung Trần