Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Bệnh án điện tử: chậm triển khai vì vướng về kinh phí lẫn pháp lý

(SGTT) - Dù mang lại nhiều lợi ích lớn nhưng việc triển khai bệnh án điện tử đang bị chậm so với lộ trình đặt ra. Hiện tại, hầu hết các cơ sở y tế đều vướng rào cản về nguồn kinh phí để chuyển đổi sang bệnh án điện tử, bên cạnh đó còn thêm tình trạng thiếu nhân sự về công nghệ thông tin để vận hành hệ thống.

Trong Thông tư số 46/2018/TT-BYT, Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến năm 2023, các bệnh viện hạng một (trực thuộc Bộ Y tế, UBND tỉnh, thành phố hoặc ngành) trở lên phải triển khai bệnh án điện tử. Sau đó từ năm 2024 đến 2028, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử vẫn còn vướng nhiều khó khăn và đang diễn ra chậm hơn khá nhiều so với kế hoạch dự kiến.

Chỉ có 32/135 bệnh viện hạng một chuyển sang bệnh án điện tử

Trao đổi với KTSG Online về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cho biết, từ tháng 6-2023, đơn vị này dần thực hiện chuyển đổi từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Cho đến tháng 10 mới đây, bệnh viện chính thức bỏ bệnh án giấy.

Nói về lợi ích của bệnh án điện tử, bác sĩ Tiến chia sẻ, trước đây bệnh nhân phải mang theo sổ khám bệnh mỗi lần đi khám, điều trị bệnh. Giờ đây, người bệnh sẽ được cấp mã vạch hai chiều (QR code) để việc khám chữa bệnh thuận tiện hơn.

Chẳng hạn như khi cần xét nghiệm máu hoặc đi chụp X-quang, bệnh nhân không phải cầm theo các phiếu chỉ định, phiếu đợi kết quả khám bệnh. Nhân viên y tế chỉ cần quét mã QR là hiển thị toàn bộ thông tin đã được lưu trữ trên hệ thống. Trước đây, thời gian lưu trữ hồ sơ bệnh án là từ 10 đến 20 năm (tùy từng trường hợp). Sau khi triển khai bệnh án điện tử, dữ liệu hồ sơ của bệnh nhân cũng được lưu trữ lâu hơn so với trước đó, tức trên 20 năm.

Theo bác sĩ Tiến, trong thời gian đầu triển khai bệnh án điện tử, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn về việc bảo hiểm y tế duyệt thanh toán. Bên cạnh đó, để triển khai bệnh án điện tử thành công, bệnh viện đã phải đầu tư các thiết bị công nghệ thông tin và tăng kinh phí mua phần mềm bảo trì mỗi năm hàng tỉ đồng.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến hết năm 2023 phải có 135 bệnh viện hạng một triển khai xong bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến tháng 8-2024, số liệu đưa ra tại Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh" cho thấy, chỉ mới có 32 bệnh viện hạng một chuyển sang bệnh án điện tử.

Còn theo dữ liệu trên website của Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, chỉ có 100/1.800 bệnh viện trên cả nước chuyển sang bệnh án điện tử. Tại TPHCM, tính đến ngày 21-10-2024, chỉ có ba bệnh viện công lập triển khai bệnh án điện tử. Đó là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM (huyện Bình Chánh), Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5) và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (quận 5).

Hiện nay, nhiều bệnh viện trên địa bàn TPHCM thực hiện khám, chữa bệnh song song bệnh án điện tử và bệnh án giấy. Ảnh: Minh Thảo

Ba rào cản lớn: Chi phí hệ thống, lưu trữ dữ liệu và giá trị pháp lý

Hiện nay, một số bệnh viện khác hiện đang gặp rất khó khăn về tài chính trong quá trình triển khai bệnh án điện tử vì ngoài chi phí đầu tư cho hệ thống còn thêm chi phí ổ đĩa lưu trữ dữ liệu bệnh án. Đây là khoản đầu tư không nhỏ vì thông tin bệnh án bao gồm nhiều video, hình ảnh có độ phân giải rất cao và phải lưu trữ dài hạn từ 10 đến 20 năm theo quy định của Bộ Y tế.

Anh Lê An, chuyên viên công nghệ thông tin một phòng khám đa khoa tư nhân cỡ nhỏ tại quận 3, TPHCM, cho biết dữ liệu bệnh án điện tử phát sinh của phòng khám này khoảng 2 TB (2.000 GB) một năm. Đối với các bệnh viện lớn, bệnh án vừa nhiều về số lượng, vừa chứa đựng nhiều dữ liệu chẩn đoán hình ảnh thì con số dung lượng lưu trữ có thể gấp vài trăm hay vài ngàn lần con số của phòng khám nói trên. Tất nhiên, việc lưu trữ hàng chục năm khối lượng dữ liệu khổng lồ này sẽ cần khoản kinh phí không phải là nhỏ.

Tại “Hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023” vào tháng 4 vừa qua, số liệu chi phí được đưa ra cho thấy, trung bình mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư số tiền hơn 10 tỉ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với những bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức… ở Hà Nội, số tiền đầu tư lớn hơn rất nhiều. Đây cũng chính là một trong những trở ngại lớn khiến cho việc triển khai bệnh án điện tử ở các đơn vị còn chậm.

Còn tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thạc sĩ - bác sĩ Lương Công Minh, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết từ đầu năm 2024, bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử để lưu trữ và truyền tải hình ảnh, thông tin thay thế cho giấy hoặc phim trong y khoa. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn áp dụng, bệnh viện đã gặp khó trong việc xử lý dữ liệu với các bên liên quan.

Để đạt được những quy chuẩn theo quy định khi triển khai bệnh án điện tử, bác sĩ Minh thông tin bệnh viện đã phải đầu tư 13 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai đã “mắc kẹt” ở hệ thống PACS (hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa) vì Bộ Y tế chưa có đơn giá thanh toán. Điều này khiến những bệnh viện chưa triển khai bệnh án điện tử e dè. Còn các bệnh viện tiên phong triển khai bị thiệt thòi bởi bảo hiểm xã hội không thanh toán các chi phí liên quan đến PACS.

Đáng nói hơn, theo bác sĩ Minh, hiện bệnh án điện tử vẫn chưa được cơ quan công an, bảo hiểm xã hội xem là một hồ sơ pháp lý. Do đó, khi cần các thủ tục hồ sơ, bệnh viện vẫn phải làm bệnh án giấy, ký và đóng dấu.

Từ những vướng mắc đang gặp phải, đại diện của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đề xuất Bộ Y tế cần có cơ chế đặc thù cho việc triển khai bệnh án điện tử. Cụ thể là cần có cơ cấu giá tính đúng, tính đủ trong chi phí khám chữa bệnh. Cùng với đó là đơn giá thanh toán chi phí cho hệ thống PACS khi thực hiện bệnh án điện tử. Bởi hiện nay chưa được tính, nguy cơ khi bảo hiểm thanh toán chỉ trừ tiền phim. Còn các chi phí liên quan bệnh án điện tử, bệnh viện có thể phải tự lo.

Tại hội nghị “Chia sẻ bài toán nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh ở TPHCM” cách đây ít lâu, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã nêu ra thực trạng nhiều đơn vị gặp khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, rủi ro về bảo mật dữ liệu của bệnh nhân… khi triển khai bệnh án điện tử. Đơn cử như nhân sự công nghệ thông tin tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng được nhu cầu cho xây dựng, quản trị hệ thống. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự còn nhiều hạn chế.Trước việc triển khai bệnh án điện tử còn vướng nhiều khó khăn, vừa qua, Bộ Y tế đã có dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung về lộ trình thực hiện nội dung này. Theo đó, đến hết năm 2025, tất cả bệnh viện trên cả nước phải áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, so với quy định hiện hành trong Thông tư số 46/2018/TT-BYT, các bệnh viện hạng một trở lên được lùi thời hạn hai năm để áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chuyển đổi ‘chứng chỉ’ hành nghề y sang ‘giấy phép’ hành...

0
Một trong những điểm mới quan trọng đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thay thế tên gọi của...

Ghi nhận các ca ‘nhiễm vi khuẩn ăn thịt người’ tại...

0
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 4-9, bệnh viện điều trị cho 2 ca mắc bệnh Whitmore (thường gọi...

TPHCM: Hơn 50.600 người cao tuổi được khám sức khỏe trong...

0
Tính đến ngày 31-8-2024, ngành Y tế TPHCM đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi đang sinh...

Nhiều ý kiến về quy định bán thuốc qua mạng

0
(SGTT) - Xoay quanh việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị ban...

Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ khi WHO...

0
Vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Mpox (trước đây gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là tình...

TPHCM phạt hơn 7 tỉ đồng đối với cơ sở thẩm...

0
(SGTT) - Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, các cơ sở thẩm mỹ ngày càng tăng, cùng với chiêu trò đối phó...

Kết nối