Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nhìn từ góc độ “trách nhiệm sản phẩm”

Đã đến lúc cần nhìn nhận thực chất hơn quy định liên quan đến “trách nhiệm sản phẩm”, vốn là gốc rễ của quan hệ giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Nguyên lý phổ biến

Đa số xu hướng lập pháp hiện nay liên quan đến đánh giá trách nhiệm sản phẩm (products liability) của nhà sản xuất đều dựa trên hai quan hệ là quan hệ hợp đồng và ngoài hợp đồng, tuy nhiên quan hệ ngoài hợp đồng được ưu chuộng và có lợi thế hơn.

Người tiêu dùng mua hàng hóa từ nhà sản xuất (tùy theo giai đoạn hàng hóa được luân chuyển), ban đầu là quan hệ hợp đồng nhưng nếu hàng hóa đó được chuyển giao cho bên thứ ba (không phải là người mua trực tiếp) và phát sinh các lỗi sản phẩm gây thiệt hại cho bên thứ ba mà không xét tới trách nhiệm của nhà sản xuất là rất nguy hiểm. Ngay cả nếu hợp đồng mua bán vô hiệu thì trách nhiệm của nhà sản xuất vẫn được đặt ra. Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng trong trường hợp này là cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho những bên không có quan hệ nào với nhà sản xuất gốc.

Trên thế giới hiện nay có một số nguyên lý về trách nhiệm sản phẩm nhưng phổ biến nhất vẫn là nguyên lý trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability).

Theo nguyên lý này, trách nhiệm sản phẩm không được nhìn nhận dựa trên hành vi của nhà sản xuất mà trên bản thân sản phẩm. Khi nhà sản xuất cung cấp sản phẩm ra thị trường thì hàng hóa mặc định là an toàn và có chất lượng (không có yếu tố nguy hiểm). Nếu sản phẩm bị làm sao mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm đầu tiên (bồi thường) kể cả khi họ không có lỗi.

Dù vậy cũng không nên hiểu sai nghĩa vụ bồi thường mặc nhiên của nhà sản xuất theo nguyên lý này. Mấu chốt của một vụ kiện đòi bồi thường trách nhiệm sản phẩm phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó yếu tố chính vẫn là năng lực chứng minh của các bên (nó vốn được coi trọng trong định chế tranh tụng của các quốc gia như Anh, Mỹ, châu Âu).

Có một số nguồn phổ biến có thể sản sinh ra sản phẩm không an toàn (khuyết tật – hư hỏng) và được nhiều nước luật hóa(1):

(i) Ở khâu sản xuất, bao gồm các giai đoạn tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Khiếm khuyết có thể đến từ một trong các khâu đó, ví dụ công nhân lắp ráp thiếu linh kiện máy móc. Theo tiêu chuẩn sản phẩm đã thiết kế, lắp ráp như vậy sẽ cho ra đời sản phẩm không đạt yêu cầu (hư hỏng), làm gia tăng rủi ro cho người sử dụng.

(ii) Ở khâu thiết kế, về tổng thể thiết kế cũng là một công đoạn trong sản xuất nhưng xét ở góc độ ngành nghề thì đây là giai đoạn có chu trình, hàm lượng kỹ thuật cao để sáng tạo ra những ý tưởng của sản phẩm hoàn chỉnh trước khi đưa vào sản xuất. Vấn đề thiết kế sai sẽ tạo ra sản phẩm khuyết tật và có nguy cơ gây thiệt hại. Đánh giá khuyết tật ở khâu thiết kế cũng tương tự như nghĩa vụ chứng minh sản phẩm có lỗi, nhất là trong điều kiện có thể tạo ra sản phẩm tốt hơn nhưng nhà thiết kế đã không làm được.

(iii) Nhà sản xuất không cảnh báo hay cảnh báo không đầy đủ. Hành vi cảnh báo là để giúp nhận biết trước những rủi ro khi sử dụng sản phẩm mà người tiêu dùng cần lưu ý, kể cả những cảnh báo không thể biết nhưng trách nhiệm tiên lượng của nhà sản xuất là có cơ sở (ví dụ cảnh báo cháy nổ cho thiết bị điện thoại khi người dùng vừa sạc, vừa nói chuyện điện thoại).

Và trên thực tế, giới luật sư hay tin dùng bộ ba tiêu chí này như cơ sở để đánh giá sản phẩm khuyết tật có thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất hay không, mặc dù chứng minh nó là cả một chặng đường không phải lúc nào cũng đơn giản.

Sửa đổi luật không thay cho nhận thức

Thực tế kể từ thời điểm ra đời Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, mặc dù đã thừa nhận nguyên lý trách nhiệm nghiêm ngặt nhưng có rất ít vụ việc được hiểu và áp dụng triệt để nguyên lý này, thay vào đó là định chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự được sử dụng rộng rãi hơn(2).

Đầu tiên, chúng ta rất cần những quy định có tham chiếu bắt buộc đến hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng từ Bộ luật Dân sự 2015 (điều 608) để làm cơ sở xử lý những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Mục tiêu của việc này là góp phần thay đổi thói quen, tư duy, kỹ năng vận dụng pháp luật chuyên ngành của giới thẩm phán thay vì chỉ thuần sử dụng các nguyên tắc pháp lý của Bộ luật Dân sự để xét xử vốn là thói quen, lối mòn, phổ biến nhưng không hiệu quả.

Lấy ví dụ một thuật ngữ gây nhiều tranh cãi hiện nay “sản phẩm khuyết tật”. Theo điều 3, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thuật ngữ này nói lên sản phẩm gốc của nhà sản xuất khi đưa ra thị trường không an toàn (chứa đựng sự nguy hiểm bất hợp lý), phù hợp với những phân loại về nguồn tạo ra sự khuyết tật khác nhau.

Dù vậy, thực tế lâu nay nhiều thẩm phán vẫn xem ngữ nghĩa của nó trùng với khái niệm “sản phẩm không đảm bảo chất lượng” quy định tại điều 608 Bộ luật Dân sự.

Khi nói đến một sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì chưa hẳn nó đã có khuyết tật và có thể gây thiệt hại. Trọng tâm của khái niệm sản phẩm khuyết tật là tính không an toàn thay vì yếu tố chất lượng.

Và trên thực tế việc chứng minh “sản phẩm không đảm bảo chất lượng” không hề khó nếu các bên biết sử dụng tiêu chí đo lường (pháp định) nào đó để đánh giá, sàng lọc và nó cũng được nhận xét là thuật ngữ khá dễ giải dù rằng rất có lợi về phía người tiêu dùng nếu áp dụng.

Ngược lại với khái niệm “sản phẩm khuyết tật”, người tiêu dùng và nhà sản xuất sẽ phải vất vả hơn để chứng minh độ an toàn của sản phẩm có được đảm bảo hay không (tức là sự nguy hiểm rõ ràng hay tiềm tàng đã xuất hiện và thời điểm xuất hiện). Đây là câu chuyện khá phức tạp về mặt pháp lý và tố tụng, song bù lại giá trị bồi thường của một vụ kiện như vậy, nếu thành công cũng sẽ rất tương xứng với công sức mà các bên đã bỏ ra (như vụ kiện hãng thuốc lá RJ Reynolds)(3).

Thứ hai là quy định loại trừ trách nhiệm của nhà sản xuất theo điều 34, dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xét theo nhiều tiêu chí thì quy định này còn mơ hồ, nếu không muốn nói là “quá khó” vì để loại trừ trách nhiệm của mình thì nhà sản xuất phải “chứng minh được khuyết tật của sản phẩm không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp cho người tiêu dùng”, tức là trường hợp sản phẩm có khuyết tật nhưng vẫn được miễn trừ. Song điều này lại mâu thuẫn, không đúng với bản chất trách nhiệm sản phẩm do nhà sản xuất làm ra (kể cả khi không có lỗi).

Vấn đề nữa là ta không có tiêu chí chính xác để xác định như thế nào là trình độ khoa học, kỹ thuật vào một thời điểm, cho nên nói đúng hay sai tiêu chí này có lẽ chỉ thích hợp với quan điểm cá nhân và sẽ khó thuyết phục được giới thẩm phán khi ra phán quyết. Chỉ có một số trường hợp nên cân nhắc để quy định loại trừ hoặc làm giảm bớt trách nhiệm của nhà sản xuất như (i) người tiêu dùng cũng có lỗi, nghĩa là họ cũng cần chia sẻ các rủi ro, thiệt hại đã xảy ra với nhà sản xuất do hành vi có lỗi của mình (như không tuân thủ hướng dẫn sử dụng an toàn sản phẩm chẳng hạn), hoặc (ii) có thể tham khảo luật pháp Mỹ, khi sản phẩm gây thiệt hại nhưng đúng là không khiếm khuyết, vẫn an toàn thì không có lý do gì quy trách nhiệm của bên sản xuất. Điều này có lợi, dùng để bác bỏ những lời khai của bên nguyên hay người có liên quan cố tình làm sai bản chất khách quan của vụ việc đòi bồi thường.

Thứ ba, việc định dạng các trạng thái khuyết tật hàng hóa là khó nhất. Thực tế dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã có quy định nguồn gốc khuyết tật dựa trên công đoạn sản xuất, thiết kế, thông tin cảnh báo nhưng chưa đủ. Ngoài đo lường chất lượng thì hệ thống, phương pháp nhận diện khuyết tật hàng hóa cũng rất cần thiết. Thông qua nghị định, thông tư hướng dẫn, các nhà làm luật cần lưu ý thêm các ví dụ hướng dẫn giải thích cụ thể về tình trạng khuyết tật. Lấy ví dụ, nhiều bang của Mỹ không áp dụng trách nhiệm sản phẩm khi trong thực phẩm bị lẫn các chất bẩn tự nhiên (có lẫn xương cá trong cá hộp). Tuy nhiên nếu trong thực phẩm có lẫn các tạp chất ngoại lai thì “trách nhiệm nghiêm ngặt” sẽ được áp dụng (trong chai nước có vật lạ)(4).

Ngoài ra, để có những vụ án đáng nhớ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như vẫn thấy, ngoài yếu tố chính sách thì chất lượng giải quyết tranh chấp các vụ kiện cũng là một trong những điều kiện tiên quyết, đặc biệt là với những công cụ hỗ trợ xét xử hiệu quả như hệ thống các án lệ của lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đến nay ta chưa có bất kỳ án lệ nào như vậy.

Và sử dụng án lệ cũng là một trong những yếu tố góp phần trị tận gốc căn bệnh nan y của ngành tòa án hiện nay, đó là “Án dân sự xử sao cũng được”.

Huỳnh Trung Hiếu (*)

Theo KTSG Online

_______

(*) Contracts-vn
(1) Điều 3, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
(2) https://phapluatdansu.edu.vn/2022/01/12/08/39/phap-luat-ve-trach-nhiem-san-pham-tu-ly-thuyet-den-thuc-tien-o-viet-nam/
(3) https://suckhoedoisong.vn/chan-dong-vu-thang-kien-cong-ty-thuoc-la-hon-236-ti-usd-16922919.htm
(4) https://khotrithucso.com/doc/p/cac-nguyen-ly-co-ban-cua-che-dinh-trach-nhiem-san-pham-tai-232023

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 80% tại các siêu...

0
(SGTT) - Theo Bộ Công Thương, sau 15 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng...

Phố Hải Thượng Lãn Ông ‘lên đồ’, đón khách sớm mùa...

0
(SGTT) - Dù hơn một tháng nữa mới đến Giáng sinh, nhưng đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM) -  nơi được xem...

Giỏ quà Tết 2025: sản phẩm bình dân, tốt cho sức...

0
(SGTT) - Thời điểm này, các cơ sở kinh doanh đã bắt đầu tung ra thị trường những set quà, hộp quà Tết với...

Đại gia bán lẻ Nhật Bản mở thêm siêu thị tại...

0
(SGTT) – Theo đại diện AEON Việt Nam, việc mở thêm trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị thứ 8 tại Việt...

Đằng sau vụ thay tướng ở Starbucks

0
Chuỗi cà phê Starbucks vừa có CEO mới, Brian Niccol, sẽ bắt đầu nhiệm vụ từ đầu tháng 9; nhưng các báo Mỹ, khi...

Bánh kem ngày nay không chỉ là bánh và kem

0
(SGTT) - Khoảng 10 năm trước, đa số người tiêu dùng ưa chuộng bánh nhiều kem và ngọt, tuy nhiên ngày nay nhiều cửa...

Kết nối