Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024

Bảo hiểm tai nạn máy bay, bao nhiêu còn tùy

Hầu hết các hãng hàng không đều mua bảo hiểm cho toàn bộ hành khách và hành lý trong các chuyến bay. Tuy nhiên, quyền lợi của khách hàng ra sao, mức độ bảo hiểm tới đâu còn tùy vào nhiều yếu tố.

Ai bồi thường?

Một chuyên gia từng công tác lâu năm trong ngành hàng không (đề nghị không nêu tên) cho biết, mức độ bồi thường cho hành khách trên các chuyến bay, nếu chẳng may gặp rủi ro, còn tùy thuộc vào gói bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm mà hãng hàng không đó mua. Hiện nay, có rất nhiều loại bảo hiểm mà một hãng hàng không có thể mua, có loại bảo hiểm bắt buộc và có cả những loại không bắt buộc.

Mức độ bồi thường cho hành khách tùy thuộc vào gói bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm mà hãng hàng không đó mua. Ảnh: Bình Nguyên
Mức độ bồi thường cho hành khách tùy thuộc vào gói bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm mà hãng hàng không đó mua. Ảnh: Bình Nguyên

Theo Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, một trong các nhà bảo hiểm đang có tham gia bảo hiểm cho các hãng hàng không tại Việt Nam, khi có thiệt hại xảy ra với hành khách, hãng hàng không sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho hành khách, theo hợp đồng vận chuyển giữa hãng hàng không và hành khách. Ngoài ra, hãng hàng không cũng phải bồi thường cho bên thứ ba (tức những người bị thiệt hại liên đới, chẳng hạn như những người dưới đất bị máy bay rơi trúng).

Để đảm bảo về khả năng tài chính chi trả cho thiệt hại, các hãng hàng không mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm, đặc biệt để đảm bảo trách nhiệm trong những trường hợp có rủi ro cao. Theo đó, khi xảy ra sự cố cần được bảo hiểm, hãng hàng không sẽ báo ngay cho công ty bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu hãng hàng không cung cấp một số thông tin để chứng minh người bị thiệt hại là khách hàng của hãng này và sự cố là trường hợp cần được bảo hiểm. Sau đó công ty bảo hiểm sẽ chuyển tiền bảo hiểm cho hãng hàng không, và hãng này trả cho hành khách.

Công ty bảo hiểm không trực tiếp chi trả bảo hiểm cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu được sự đồng ý của hãng hàng không, công ty bảo hiểm cũng có thể đứng ra chi trả bảo hiểm cho hành khách, thay cho hãng hàng không. Điều này tùy thuộc vào thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và hãng hàng không.

Việc thực hiện chi trả bảo hiểm cho hành khách nhanh hay không tùy thuộc vào hãng hàng không và công ty bảo hiểm, vì hãng này có thể tạm ứng trước cho hành khách sau khi báo cho công ty bảo hiểm, hoặc hãng hàng không có thoả thuận yêu cầu công ty bảo hiểm tạm ứng bồi thường trước khi hoàn tất các thủ tục.

Quyền lợi của hành khách

Cũng theo bảo hiểm Bảo Minh, quyền lợi của hành khách tùy thuộc vào từng hãng hàng không, gói bảo hiểm (tức mức trách nhiệm) mà hãng hàng không đó mua, và phụ thuộc vào thực tế thỏa thuận giữa hãng hàng không và hành khách.

Cụ thể, quyền lợi khách hàng phụ thuộc vào việc hãng hàng không tham gia công ước quốc tế nào liên quan đến chuyên chở hành khách và hành lý. Chẳng hạn, Công ước Warsaw 1929, các sửa đổi bổ sung hay còn gọi là Nghị định thư Hague, hoặc Công ước Montréal 1999.

Đây là các công ước quan trọng quy định trách nhiệm của hãng hàng không với hành khách và hàng hóa. Trong đó, công ước Montréal 1999 có mức bồi thường cho hành khách cao hơn Công ước Warsaw. Ngoài ra, quyền lợi hành khách còn phụ thuộc vào luật quốc gia của từng nước.

Và, một phần rất quan trọng quyết định mức bồi thường cho hành khách là sự thỏa thuận giữa hành khách hoặc người đại diện hợp pháp cho hành khách với hãng hàng không. Vì mức bồi thường là tùy vào thực tế thỏa thuận, nên các hành khách là công dân của cùng một nước cũng có thể có mức bồi thường chênh lệch nhau. Chẳng hạn, một người Mỹ thuê luật sư để kiện hãng hàng không thường được bồi thường cao hơn, do chi phí luật sư, chi phí tư vấn, các khoản khác có liên quan, thu nhập bị mất...

Ngoài ra, khi xảy ra tai nạn, việc bồi thường không phụ thuộc vào loại vé vận chuyển là hạng thương nhân hay thông thường.

Thông thường, trong thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và hãng hàng không, với những trường hợp tai nạn do bị tác động từ bên ngoài và bất ngờ, hãng bảo hiểm phải bồi thường cho hành khách và hành lý, cũng như người thứ ba.

Trong đó, với những tai nạn nhỏ trong quá trình tham gia chuyến bay, hành khách cũng được bồi thường. Chẳng hạn như trường hợp hành khách bị cà phê đổ vào người, gây bỏng, khi được tiếp viên phục vụ nước uống, hay bị hành lý rơi vào người, hay bị thương khi máy bay đi qua vùng không khí nhiễu loạn...

Nhìn chung, cứ xảy ra tai nạn, bất kể lỗi của hãng hàng không hay không, thì công ty bảo hiểm cũng như hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách, vì không có tài sản nào có thể so sánh được với sức khỏe, tính mạng của con người.

Tuy nhiên, có một số trường hợp được quy định trong hợp đồng mà hãng bảo hiểm sẽ không chi trả cho hãng hàng không (tức hãng hàng không phải tự chịu trách nhiệm bồi thường). Chẳng hạn như hãng hàng không bay vào không phận được tuyên bố cấm bay, hay bay qua một số vùng có rủi ro cao (tên của các vùng này được nêu rõ trong hợp đồng bảo hiểm giữa công ty bảo hiểm và hãng hàng không).

Theo đó, mỗi hãng hàng không cũng đưa ra mức khác nhau trong điều lệ vận chuyển. Chẳng hạn, với Vietnam Airlines, bồi thường cho hành khách bị chết hoặc bị thương thân thể giới hạn trong mức 100.000 SDR (khoảng 155.000 đô la Mỹ) cho mỗi hành khách, kể cả các chi phí pháp lý.

Còn theo điều lệ vận chuyển của Jetstar, trách nhiệm của hãng với hành khách bị chết và bị thương thân thể được giới hạn trong tổng số tiền có giá trị là 113.100 SDR/mỗi hành khách (tương đương với 174.000 đô la Mỹ).

[box type="info"] Việt Nam thắt chặt an toàn bay

Sau một số vụ tai nạn hàng không xảy ra trên thế giới có liên quan đến thời tiết, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay, hôm 25-7, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành chỉ thị thắt chặt an toàn bay.

Theo đó, các hãng hàng không thực hiện ngay quy định bắt buộc khi lập kế hoạch bay phải xác định ít nhất một sân bay dự bị để hạ cánh. Khi có bão, sương mù dày đặc trên diện rộng… phải chọn thêm sân bay dự bị thứ hai nằm ngoài vùng ảnh hưởng của khu vực thời tiết xấu.

Đáng chú ý, Cục Hàng không nghiêm cấm tiếp cận hạ cánh, cất cánh khi tầm nhìn, trần mây, tốc độ gió xuôi, gió ngang dưới tiêu chuẩn cho phép đối với sân bay, máy bay và người lái đã được phê chuẩn. Điều các hãng hàng không cần lưu ý chấp hành là không thực hiện hạ cánh quá hai lần khi thời tiết xấu. Trong điều kiện đó, tổ lái phải thực hiện tham khảo ý kiến của cơ quan không lưu để đánh giá chính xác diễn biến thời tiết trước khi thực hiện tiếp cận hạ cánh lần hai.

Trong trường hợp không đánh giá được diễn biến thời tiết, tổ lái phải chờ hoặc chuyển hướng về sân bay dự bị. Các tổ lái khi bay trên đường bay, gặp điều kiện thời tiết xấu cần thông báo ngay cho cơ quan kiểm soát không lưu để kịp thời cảnh báo cho các máy bay đang hoạt động trong khu vực hoặc dự kiến sẽ hoạt động trong khu vực.

Khi chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến vì lý do an toàn cần phải xin lỗi cũng như thông báo rõ nguyên nhân tới hành khách. Đối với các sân bay Cát Bi, Vinh, Phù Cát, Pleiku, Liên Khương và Buôn Ma Thuột phải quan trắc và báo cáo thời tiết định kỳ 30 phút/lần và liên tục 24/24 giờ.[/box]

Thu Nguyệt - Anh Quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bay trên vùng trời Đông Nam Á có an toàn?

0
Lê Duy Lại thêm một thảm họa thứ ba trong năm 2014 cho ngành hàng không khu vực Đông Nam Á. Có phải vì vận...

Kết nối