Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Bằng đại học ‘vô giá trị’ khiến thanh niên Ấn Độ bế tắc trên thị trường việc làm

Có một nghịch lý đang diễn ra trong nền giáo dục Ấn Độ. Các học viện công nghệ và quản lý hàng đầu của nước này đào tạo ra những nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu như Sundar Pichai, CEO của Alphabet hay Satya Nadella, CEO của Microsoft. Nhưng hàng ngàn trường đại học tư thục nhỏ khác của Ấn Độ không có các khóa đào tạo quy củ, sử dụng giảng viên ít đào tạo và chương trình giảng dạy lỗi thời. Những sinh viên tốt nghiệp từ các trường này hoàn toàn không có kỹ năng hoặc có kỹ năng hạn chế, khiến họ thất nghiệp dài dài sau khi tốt nghiệp.

Tanmay Mandal, 25 tuổi, ở thành phố Bhopal, chi 4.000 đô la Mỹ để có được tấm bằng cử nhân kỹ thuật xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, anh vẫn thất nghiệp trong ba năm qua do không trả lời được các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật xây dựng trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Ảnh: Bloomberg

Thất nghiệp dù tốt nghiệp đại học

Trên khắp thế giới, sinh viên đang đánh giá lại lợi ích thu được từ bằng cấp so với chi phí bỏ ra để có được chúng. Giá trị của giáo dục đại học vẫn là chủ đề gây tranh cãi trên toàn cầu, kể cả ở Mỹ. Tuy nhiên, tính phức tạp của giáo dục đại học thể hiện rõ nét hơn ở Ấn Độ, nơi sắp vượt Trung Quốc để thành nước đông dân nhất thế giới.

Một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ có thể không có việc làm trong tương lai do các vấn đề trong hệ thống giáo dục, theo một nghiên cứu của Công ty thẩm định kỹ năng Wheebox.

Tình trạng bát nháo từ cơn bùng nổ giáo dục của Ấn Độ được thể hiện ở các thành phố như Bhopal, một đô thị nhộn nhịp với khoảng 2,6 triệu dân ở miền trung Ấn Độ. Trên các đường phố Bhopal, xuất hiện nhan nhãn biển quảng cáo của các trường đại học tư thục hứa hẹn bằng cấp và việc làm cho thanh niên. Hàng triệu nam nữ thanh niên khó cưỡng lại cam kết như vậy khi họ đang mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bức tranh ảm đảm của thị trường lao động của Ấn Độ. Bằng cấp đại học, từng chỉ dành cho những thuộc gia đình giàu có, là mục tiêu quan trọng của người trẻ tuổi đến từ các gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Trong các cuộc phỏng vấn với  Bloomberg, các sinh viên Ấn Độ nêu ra một loạt lý do để đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, từ việc nâng cao địa vị xã hội, cải thiện triển vọng hôn nhân cho đến khả năng xin việc làm ở các cơ quan chính phủ.

Tanmay Mandal, 25 tuổi, ở Bhopal, đã chi 4.000 đô la Mỹ để có được tấm bằng cử nhân kỹ thuật xây dựng dân dụng dù thu nhập của gia đình anh chỉ 420 đô la/tháng. Mandal tin rằng bằng cấp là con đường dẫn đến một công việc và cuộ sống tốt hơn. Nhưng rốt cục, Mandal cho biết anh hầu như không học được chuyên môn xây dựng nào từ những giảng viên dường như không được đào tạo đầy đủ. Anh đã không thể trả lời các câu hỏi liên quan đến kỹ thuật xây dựng trong  các cuộc phỏng vấn xin việc nên vẫn thất nghiệp trong ba năm qua.

Nhiều bạn bè đại học của Mandal cũng đang thất nghiệp.

Ngành công nghiệp giáo dục của Ấn Độ được dự đoán đạt trị giá 225 tỉ  đô la vào năm 2025 từ mức 117 tỉ đô la vào năm 2020, theo India Brand Equity Foundation. Con số này vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với với Mỹ, nơi chi tiêu cho giáo dục  ước tính lên tới hơn 1 nghìn tỉ  đô la mỗi năm.

Các vấn đề của trường đại học lan rộng khắp đất nước. Ở một số vùng của Ấn Độ, sinh viên đã tuyệt thực để phản đối tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất tại trường đại học của họ. Vào tháng 1, Đại học Manav Bharti, có trụ sở ở bang Himachal Pradesh, bị cáo buộc bán bằng cấp giả. Nhiều trường đại học cam kết tổ chức các hội chợ việc làm để kết nối sinh viên tốt nghiệp với các doanh nghiệp, nhưng rốt cục thất hứa.

Doanh nghiệp khó tuyển dụng vì ứng viên thiếu kỹ năng

Trong bài báo năm 2018, Anil Swarup, một cựu lãnh đạo của Bộ Giáo dục Ấn Độ, cho biết nhiều trường trong số 16.000 trường đại học cung cấp khóa đào tạo cử nhân sư phạm, chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Với các trường này, sinh viên chỉ cần nộp học phí đầy đủ là có thể nhận bằng, chứ không cần học hành thực sự.

Anil Sadgopal, cựu thành viên của Ủy ban Cố vấn trung ương về giáo dục, một cơ quan của chính phủ Ấn Độ, nói: “Chỉ trích những bằng cấp như vậy vô giá trị là còn quá nhẹ. Khi hàng triệu thanh niên thất nghiệp mỗi năm, toàn bộ xã hội trở nên bất ổn”.

Chất lượng giáo dục thấp là thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì chất lượng giáo dục thấp và không cung cấp các kỹ năng thực tế. Điều đó khiến tỷ lệ thất nghiệp của nước này ở mức cao hơn 7% mặc dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Một nghiên cứu của Công ty nhân sự SHL cho thấy chỉ 3,8% kỹ sư tốt nghiệp đại học có các kỹ năng cần thiết cho những  công việc liên quan đến phần mềm tại các công ty khởi nhiệp.

Theo Mohandas Pai, người đồng sáng lập quỹ đầu tư Aarin Capital, các công ty công nghệ thông tin ở Ấn Độ nhận thấy rằng các sinh viên tốt nghiệp cần phải đào tạo thêm.

“Chúng tôi gặp thách thức lớn trong tuyển dụng vì các kỹ năng cụ thể cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô hiện không có sẵn nhiều trên thị trường lao động”, Yeshwinder Patial, Giám đốc nhân sự của hãng xe MG Motor India, ghi nhận.

Ông cho biết cho biết dù các công ty đang tìm cách tuyển dụng trong các lĩnh vực như sản xuất xe điện, trí tuệ nhân tạo nhưng các trường đại học nhỏ của Ấn Độ  vẫn dạy những tài liệu lỗi thời như kiến ​​thức cơ bản về động cơ đốt trong.

“Có một khoảng cách giữa những gì các ngành công nghiệp đang cần và giáo trình hiện nay ở các trường đại học”, ông nói.

Theo Ngân hàng Thế giới, thất nghiệp là “một quả bom hẹn giờ” đối với Ấn Độ vì gần 1/3 thanh niên của nước này đang không làm việc, hoặc học hành. Một số thanh niên bị lôi kéo vào các hoạt động tội phạm. Năm ngoái, tức giận vì triển vọng việc làm ảm đạm, nhiều nhóm thanh niên đã chặn giao thông đường sắt và đường cao tốc, thậm chí đốt cháy một số đoàn tàu.

Lê Linh

Theo Bloomberg, Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khó tìm việc sau tốt nghiệp, điểm yếu của sinh viên...

0
(SGTT) – Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm như thiếu kỹ năng...

TPHCM: Hàng ngàn việc làm thêm dành cho sinh viên vào...

0
(SGTT) – Năm nay nhu cầu tuyển dụng vị trí lao động thời vụ, bán thời gian, công việc ngắn hạn tăng khoảng 15%...

4.500 khách từ Ấn Độ sẽ đến Việt Nam du lịch...

0
(SGTT) - Cuối tháng 8 này, khoảng 4.500 nhân viên thuộc một công ty dược phẩm lớn của Ấn Độ sẽ đến Việt Nam du...

Quốc hội bàn về xây dựng lương tham chiếu thay thế...

0
(SGTT) -  Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định về khái niệm “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”, để...

Nhà tuyển dụng tiếp cận nhân sự Gen Z qua nền...

0
(SGTT) – Với khoảng 150 triệu người dùng, mạng xã hội Threads nhanh chóng trở thành nơi nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm...

Đi tìm ý nghĩa công việc

0
(SGTT) - Ngày càng nhiều người đi làm không chỉ để mưu sinh. Hơn thế, họ mong muốn theo đuổi một công việc có...

Kết nối