(SGTT) - Ra đời cách đây 18 năm ở Việt Nam, bancassurance – kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng – vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển khi ngày càng nhiều các ngân hàng xem trọng kênh này.
Vào năm 2001, Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) trong việc phân phối bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, mở đầu cho “làn sóng” bancassurance.
Nhiều ngân hàng tham gia
Năm năm sau, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) liên kết với Bảo Việt Nhân Thọ cho ra mắt sản phẩm tích hợp “An sinh giáo dục”.
Năm 2008, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố mua lại phần vốn góp trong Liên doanh Bảo hiểm Việt - Úc để thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ con là BIC.
Hiện Techcombank được đánh giá là một trong những ngân hàng dẫn đầu thị trường về phân phối bancassurance, chiếm 26-30% thị phần trên kênh phân phối này.
Techcombank và Manulife Việt Nam đã thỏa thuận hợp tác bảo hiểm kéo dài 15 năm cho phép Manulife Việt Nam cung cấp các giải pháp bảo hiểm nhân thọ tới tất cả khách hàng của ngân hàng này.
Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng phân phối độc quyền đã ra đời như hợp tác chiến lược dài hạn 10 năm của SCB với Manulife, hợp đồng 20 năm của Sacombank với Dai-ichi Life.
Tương tự, VPBank phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm cho AIA và SHB hợp tác chiến lược 15 năm với Dai-ichi Life... Hay VietABank và Chubb Life Việt Nam đã chính thức triển khai mô hình bancassurance.
Tạo sự đa dạng
“Kênh bancassurance phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đây cũng là xu hướng của thị trường bảo hiểm nhân thọ khu vực châu Á nói chung”, ông Bùi Gia Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), cho biết.
Tại thị trường Việt Nam, đây là một kênh phân phối đóng góp đáng kể về sự đa dạng các kênh phân phối và cả về doanh thu, mặc dù hệ thống đại lý vẫn đang đóng góp nhiều tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp.
Ông Anh phân tích, bán bảo hiểm qua ngân hàng tận dụng được lợi thế của cả ngân hàng và bảo hiểm, trong đó phía doanh nghiệp bảo hiểm tận dụng được nguồn khách hàng có sẵn từ ngân hàng. Về phía ngân hàng, sản phẩm bảo hiểm bán kèm là một đảm bảo cho khoản cho vay, tăng thêm doanh thu.
Đối với khách hàng, điều này sẽ tạo sự tiện lợi trong việc mua nhiều sản phẩm tại cùng một nơi, kết hợp nhiều dịch vụ khác của ngân hàng như nộp phí, nhận bồi thường qua tài khoản ngân hàng.
“Sự phát triển của loại hình phân phối này cũng thúc đẩy doanh nghiệp và ngân hàng nâng cao dịch vụ để được chọn lựa là đối tác của nhau, từ đó khách hàng có thêm nhiều cơ hội tham gia sản phẩm bảo hiểm”, ông nói.
Ông Don Lam, CEO của VinaCapital, từng nhận định đối với ngân hàng, ba mũi nhọn tăng trưởng chính là xu hướng gia tăng tín dụng cá nhân, đẩy mạnh bancassurance và thu nhập từ thu hồi từ nợ xấu trong quá khứ.
Trong đó, nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ đang tăng nhanh ở mức 25-30% trong vài năm gần đây, trong đó ngân hàng nổi lên như là một kênh phân phối quan trọng.
Thống kê ở nhiều quốc gia cho thấy bancassurance đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của các công ty bảo hiểm như Tây Ban Nha là 72%, Italia 70%, Pháp 60% hay như ở các nước như Thái Lan, Indonesia tỉ lệ này là 30-50%.
Các hình thức mua bảo hiểm qua ngân hàng- Mua từng sản phẩm độc lập tại ngân hàng, chẳng hạn như các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.- Mua sản phẩm tích hợp hoặc sản phẩm được liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm. Ví dụ: Một số gói bảo hiểm hiểm nghèo, bảo hiểm sức khỏe hay bảo hiểm nhân thọ.- Mua kèm với các sản phẩm ngân hàng hoặc là một trong các điều kiện đưa ra cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của ngân hàng.
Trung Châu