Sau khi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM trình chính quyền thành phố mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy và đề xuất thu từ ngày 1-1-2015, nhiều người dân ở TPHCM tỏ ra băn khoăn về cách thu và cách sử dụng quỹ. Đặc biệt là việc trích lại cho phường 10%, xã là 20%.
Sợ thu chồng, sợ mất hóa đơn
Theo thống kê của Sở GTVT, tính đến đầu năm 2014, thành phố đang quản lý hơn 5,8 triệu xe máy, đó là chưa kể hơn một triệu xe từ các tỉnh lưu thông hàng ngày ở thành phố. Điều mà nhiều người dân ở các tỉnh khác sinh sống tại thành phố lo lắng chính là việc tổ chức thu phí như thế nào. Nguyễn Minh Quang, quê ở Bình Định, sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng số 2, cho biết khi vào TPHCM học, anh có mang theo xe máy để làm phương tiện đi lại, bây giờ đóng phí sẽ đóng ở đâu? “Nếu đóng ở thành phố thì ở quê họ căn cứ vào hộ khẩu, lại bắt đóng phí nữa thì sao?”, Quang nói.
Còn ông Đỗ Văn Của, quê ở Phú Yên đã sinh sống và làm việc ở TPHCM hơn 10 năm nay cho rằng việc thu phí đường bộ xe máy sẽ gây ra nhiều rắc rối cho người dân. Đơn cử như việc khi đóng phí người dân sẽ được các cơ quan chức năng cấp cho một hóa đơn nếu hóa đơn mất, khi công an kiểm tra thì làm sao chứng minh được là mình đã đóng phí. “Đó là chưa kể đến việc đi đâu cũng phải mang theo tờ hóa đơn đóng phí rất bất tiện. Làm sao bảo quản, giữ gìn khi nó chỉ là một tờ giấy?”, ông Của băn khoăn.
Trong ý kiến gửi về Sài Gòn Tiếp Thị, bạn đọc tên Nam Khương cho rằng, phí đường bộ Nhà nước đã thu trong tiền xăng từ bao nhiêu năm nay, chưa kể xe từ 150 phân phối trở lên phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt; giờ lại tách thành một loại phí riêng nên sẽ gây ra phí chồng phí. Trong khi đó, bạn đọc Trần Anh Tuấn cho rằng, không nên thu phí đường bộ đối với các loại xe hai bánh vì các loại xe này không gây hư hỏng đường.
[box type="bio"] Theo báo cáo được Sở GTVT TPHCM trình UBND thành phố vào giữa tháng 8 vừa qua để chuẩn bị trình lên HĐND vào tháng 9, mức thu lần này được đề xuất thấp hơn trước đó, cũng do sở này đề xuất.
Cụ thể, mức phí đề xuất đối với xe máy có dung tích xy lanh đến 100 phân khối là 50.000 đồng/năm, giảm 10.000 đồng so với đề xuất trước đó. Đối với xe 100-175 phân khối mức phí đề xuất là 120.000 đồng/năm, giảm 30.000 đồng. Còn loại xe trên 175 phân khối thì mức phí đề xuất là 150.000 đồng/năm.
Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất không truy thu phí đường bộ đối với xe máy từ ngày 1-1-2013 đến nay. Nếu được thông qua TPHCM sẽ bắt đầu thu phí xe máy từ ngày 1-1-2015.
Về việc tổ chức thu phí đối với xe máy sẽ được giao cho cấp xã, phường chỉ đạo tổ dân phố (hoặc thôn) hướng dẫn kê khai thu phí đường bộ đối với xe máy tại địa bàn mình quản lý. Khi đóng phí người dân sẽ được phát biên lai thu phí.[/box]
“Phần trăm” quá cao
Nói về chuyện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, ông Phạm Sanh, giảng viên (chuyên gia về giao thông, giảng viên trường Đại học GTVT TPHCM và từng công tác tại một số ban quản lý dự án giao thông tại TPHCM), cho rằng việc trích lại cho xã 20% , phường 10 % để chi cho bộ máy hoạt động cũng cần phải xem xét lại. Theo ông Sanh, tại TPHCM, lượng xe máy rất lớn, số phí thu được không phải là nhỏ, việc trích lại đến 20% là nhiều, trong khi số tiền còn lại để bảo trì còn chẳng được bao nhiêu. “Nếu để lại 20% thì phải chi cho cả việc duy tu các đường thôn, đường hẻm..., chứ không nên chi hết cho bộ máy”, ông Sanh nói.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam phân tích thêm về chuyện chi phần trăm cho chính quyền địa phương. Theo ông Nguyên việc trích lại cho phường 10% và xã 20% số phí thu được cho hoạt động của bộ máy cần phải có tính toán cụ thể như bộ máy đi thu quỹ là bao nhiêu người, mức thù lao bao nhiêu? Tất cả các vấn đề này cần phải công bố cho người dân biết, từ đó để người dân thấy được mức trích lại này có hợp lý hay không?
Đồng quan điểm, ông Sanh cho rằng đã là nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ… thì phải thực hiện. Thế nhưng, Sở GTVT phải có đề án sử dụng minh bạch, hiệu quả vì người dân đã phải nộp phí cho chiếc xe của mình quá nhiều. “Nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ thì nên hoãn việc thu phí xe máy một thời gian”, ông Sanh nói.
Lê Anh