Nguyễn Quang Bình -
Hoạt động mua bán cà phê trên thị trường nội địa trong độ mươi ngày qua đã có phần nhộn nhịp. Có lực mua, giá cà phê ở các tỉnh Tây nguyên, vùng cà phê trọng điểm của cả nước, đã giao dịch trên mức 37 triệu đồng mỗi tấn.
“Lo các nhà xuất khẩu Việt Nam đóng cửa nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2-2018, công ty chúng tôi đã phát lệnh mua vì sợ sau tết lượng hàng ra ít,” người chịu trách nhiệm mua hàng của một công ty nhập khẩu có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết.
Trong khi đó, trên sàn kỳ hạn, cà phê robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, giá có lúc đã lên mức 1.794 đô la Mỹ/tấn sau khi xuống mức sâu nhất trong thời gian qua là 1.672 đô la, tức tăng 122 đô la/tấn.
“Tuy giá giao dịch kỳ hạn có tăng, nhưng không mấy ai tranh thủ được cơ hội để chốt bán khi giá lên cao dù hàng đã giao vào kho người mua,” chị Nương, một thương nhân cà phê thành phố Pleiku nói.
Do đầu mùa giá xuống thấp, cộng với nhu cầu mua hàng chậm, nên nhiều doanh nghiệp không bán được phải đưa hàng vào các kho để gửi và nhận tiền tạm ứng. Bình thường, một khi hàng vào kho, người gửi bán cà phê được phép chốt giá bán bất cứ lúc nào, khi sàn kỳ hạn London đang giao dịch cũng như sau khi có giá đóng cửa ngày hôm trước. Nhưng hiện nay, một số người mua là chủ kho chỉ cho phép chốt bán dựa trên giá đóng cửa sàn kỳ hạn của ngày hôm trước, nên nhiều người bán theo phương thức này mất cơ hội bán khi giá tăng trong phiên giao dịch.
“Thật ra, bán cà phê vào kho là cực chẳng đã,” chị Nương nói. “Nông dân và doanh nghiệp nhỏ vì không đủ tiền, vay ngân hàng thì phải qua nhiều ngóc ngách với lãi suất ‘công bố và không công bố’ chịu không nổi, gặp đáo hạn thường đúng dịp vào mùa với lực bán ra nhiều gây sức ép giá xuống... nên không bán gửi kho thì lấy tiền đâu để xoay xở,” chị tiếp.
Tuy nhiên, đó mới là “thiệt đơn”. Chủ kho có đủ các cách để mua ép những người đã đưa hàng vào kho. Chẳng hạn như họ chỉ cho phép chốt bán vào thời điểm gần trưa hôm sau khi thị trường kỳ hạn đóng cửa với mức chủ kho đặt ra, nhiều khi thấp hơn giá bình quân theo thời điểm. Đôi khi hàng gửi đã được chủ kho bán trước khi giá cao, đến lúc giá thấp, họ ép bán để ăn đậm chênh lệch. Nếu chủ kho thắng, họ còn trả tiền còn lại sau khi tạm ứng, nếu thua lỗ, có nhiều người cao chạy xa bay, làm nông dân và doanh nghiệp nhỏ điêu đứng, đặc biệt ở những thời điểm nhà nhà đều cần tiền mặt để chi tiêu trước lễ tết.
Một chuyên gia ngành hàng rút tỉa kinh nghiệm cho rằng bán cà phê vào kho lợi thì ít mà hại thì nhiều, thiệt đơn thiệt kép đủ điều.
Đóng cửa phiên 23-1-2018 giá kỳ hạn robusta London chốt tại 1.749 đô la/tấn, mất 45 đô la so với đỉnh giao dịch 1.794 đô la lập ngày 18-1-2018.