(SGTT) - Trong các món ăn từ sợi phở, có lẽ phở gà luôn có được cho mình những tín đồ “trung thành”, háo hức chờ thưởng thức. Điều này cũng dễ hiểu bởi hương vị món ăn không chỉ thanh tao mà còn ẩn chứa trong đó nét văn hóa của thủ đô Hà Nội.
- Bản đồ ẩm thực: Chả lụi - món ăn nức tiếng của giới trẻ Biên Hòa
- Bản đồ ẩm thực: Bánh giò nóng, quà sáng gây thương nhớ đất Hà Thành
- Bản đồ ẩm thực: Say lòng thực khách gần xa với hương vị bún mắm nêm Đà Nẵng
Qua tìm hiểu, nguồn gốc của phở có rất nhiều giả thuyết: có người cho rằng phở xuất phát từ món “phấn” của Quảng Đông (Trung Quốc), người khác thì cho rằng nó là món súp của nước Pháp, trong khi nhiều người đồng tình về phở tiền thân là món xáo trâu ra đời trong những năm đầu của thế kỷ 20 tại các bãi bến sông Hồng.
Và khi món phở gà xuất hiện, nó âm thầm len lỏi vào đời sống văn hóa ẩm thực của người Hà Nội nói riêng hay người miền Bắc nói chung, nghiễm nhiên trở thành món phở được yêu thích không kém cạnh phở bò. Như nhà văn Vũ Bằng đã từng viết:
Một buổi sáng mùa Thu rỗi rãi, trời hơi lành lạnh, mà ngồi ăn một bát phở gà, có đủ rau mùi, hành sống, vừa ăn vừa nghĩ thì phở gà cũng có một phong vị riêng của nó, khác hẳn phở bò. Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò.
Tìm hiểu thông tin thế là đủ, tôi quyết định hẹn người bạn thân của mình, lùng sục khắp TPHCM (nơi tôi đang sinh sống và làm việc) để tìm ra hàng quán bán phở gà truyền thống nhằm thỏa nỗi đam mê khám phá món ăn vùng miền. Chọn tìm được quán, tôi ngồi quan sát quá trình làm nên một tô phở gà để phần nào cảm cùng nhà văn về độ ngon của nó.
Theo lời chia sẻ từ cô chủ quán phở, muốn có tô phở gà ngon thì gà phải chọn loại ngon, khi luộc cho lớp da vàng ươm, bắt mắt. Còn bánh phở thì làm từ bột gạo, cùng với quy trình xử lý thật công phu mới cho ra đời từng sợi phở “vạn người mê”.
Nếu như sợi phở là điểm nhấn của món ăn thì phần nước dùng lại chính là linh hồn, mối nối giúp đưa đẩy hương vị phở gà khiến bao người thưởng thức qua rồi khó thể quên. Thông thường, nước dùng được nấu từ xương gà nên cho vị ngọt thanh, ít béo hơn hẳn so với nước dùng phở bò.
Không thể đợi lâu, tôi liền “order” ngay một phần phở gà để thưởng thức. Qua quan sát, một tô phở gà thường gồm có bánh phở, nước dùng, thịt gà (chọn phần ức gà có kèm lớp da mỏng hoặc nguyên cả đùi gà), cùng ít hành và gia vị đặc biệt không thể thiếu là lá chanh.
Vắt vội lát chanh rồi gắp thưởng thức ngay một đũa bánh phở trắng nõn không bị nát, nhắm thêm một miếng thịt gà săn chắc kèm với trứng non bùi bùi, sau đó húp một hơi nước dùng ngọt thanh mới cảm nhận được vì sao phở gà vẫn được ưa chuộng ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại TPHCM – vùng đất giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền.
Ngày nay, để chiều lòng những tín đồ thịt gà, một số hàng quán còn ứng dụng thêm các phần thịt khác của gà hay lòng gà để đa dạng hóa hương vị. Dù là biến tấu nào, theo tôi cái hồn thanh tao của phở gà vẫn là điều mà không ai có thể phủ nhận.
Chia tay cô chủ quán phở gà, tôi lại tất bật với công việc thường ngày của mình, với những lo toan của cuộc sống. Nhưng nếu có dịp ghé thăm Hà Nội, tin chắc rằng phở gà sẽ là món ăn đầu tiên mà tôi nhất định thưởng thức bởi như ai đó đã từng nói: “món ăn ngon nhất là khi thưởng thức tại nơi nó sinh ra”.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Song Hậu