(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết. Khu vực cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ tách biệt với người đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, theo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.
- TPHCM muốn mở lại khai báo y tế với người nhập cảnh
- Đậu mùa khỉ vẫn có khả năng phòng ngừa bằng vắc-xin đậu mùa
- Hơn 20 quốc gia xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, TPHCM lên kịch bản ứng phó
Cách ly riêng người nghi ngờ và người mắc bệnh
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, trường hợp nghi nhiễm và xác định mắc đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ cách ly tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc chuyển người bệnh vào một chỗ khiến người bệnh có thể lây nhiễm cao hơn, cũng như có nguy cơ quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe như đợt đại dịch Covid-19.
Trước những thắc mắc rằng việc cách ly người có triệu chứng, nghi nhiễm trong thời điểm hiện nay liệu có cần thiết hay không, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, BS. CK2. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM), đồng thời cũng là một trong những thành viên tham gia soạn thảo hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, cho biết tại bệnh viện, khu vực cách ly người nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ tách biệt với người đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.
So sánh giữa bệnh đậu mùa khỉ và dịch Covid-19 vừa qua, BS. Minh Tiến cho biết Covid-19 chủ yếu lây qua theo đường hô hấp nên quá trình lây lan rất là nhanh. Trong khi đó, virus đậu mùa khỉ chủ yếu lây qua những mụn nước, mụn mủ.
Đối với người bệnh đậu mùa khỉ, những tổn thương da có thể lây truyền khi tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết, lây qua đường tình dục, đường máu, truyền từ mẹ sang con. Đặc biệt với những người xử lý máu bệnh phẩm như người nhân viên y tế cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo BS. Minh Tiến, “tỷ lệ tử vong của đậu mùa khỉ dao động từ 1-10%. Có thể thấy rằng tỷ lệ tử vong này không nhiều so với Covid-19”. Vì vậy, để tránh tình trạng lây lan rộng, việc cách ly trong bệnh viện tối thiểu 14 ngày là cần thiết và bệnh nhân được cách ly vào khu điều trị riêng cho người bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với trường hợp bệnh nặng được điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng theo các phác đồ của Bộ Y tế. Tại TPHCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị tuyến cuối điều trị ca nặng đậu mùa khỉ.
Với người bệnh mắc ở mức độ nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng… Bệnh nhân cũng cần được theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có như viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức. Với các ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường sẽ điều trị tại cơ sở y tế của xã, phường hoặc quận, huyện.
Khi số ca bệnh tăng, sẽ mở rộng cách ly ở bệnh viện dã chiến
Theo nhận định của BS. Minh Tiến, số lượng ca bệnh đậu mùa khỉ không nhiều. Hiện thành phố vẫn có đủ cơ sở y tế để cách ly riêng biệt.
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố cho biết sẽ không cách ly người nghi ngờ nhiễm chung với nhóm người đã mắc bệnh. Người mắc bệnh được xác định bằng phương pháp xét nghiệm Realtime PCR.
Tuy nhiên, trường hợp kết quả âm tính với virus đậu mùa khỉ nhưng có các triệu chứng của bệnh thì người bệnh không thể trở về nhà vì có nguy cơ lây nhiễm nên cần được theo dõi và cách ly 14 ngày.
Đối với những người chỉ nghi ngờ, chưa có kết quả âm tính vẫn có thể cách ly ở phòng riêng, không phải dùng chung phòng với khoảng 10-12 người/ phòng. Bởi điều này khiến người nghi ngờ nhiễm bệnh và người mắc bệnh có thể bị lây chéo lẫn nhau, rất nguy hiểm.
Trong trường hợp khi số lượng ca bệnh tăng lên, “thay vì cách ly tại bệnh viện chính thức, người bệnh có thể cách ly tại một số bệnh viện thay đổi công năng như bệnh viện điều trị đậu mùa khỉ”, BS. Tiến thông tin.
Ngoài ra, việc triển khai các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng được thực hiện theo tuần tự để phù hợp với điều kiện thực tế. Theo đó, khi số ca bệnh tăng cao hơn, người bệnh có thể cách ly tại các bệnh viện dã chiến, khu cộng đồng… Những phương án này sẽ được thực hiện từng bước. Cuối cùng, khi số ca bệnh tăng lên sẽ thực hiện cách ly tại nhà.
Như vậy, Bộ Y tế ra hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ chỉ giải quyết trong thời điểm số ca bệnh còn ít và các bệnh viện vẫn có đủ điều kiện để cách ly người bệnh, BS. Tiến cho biết.
Các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế ghi nhận ba nhóm nguy cơ cao gồm trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch, cần nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.
Đến nay, thế giới đã ghi nhận 21.000 ca mắc bệnh tại 78 nước với 7 ca tử vong, trong đó đã có trường hợp tử vong bên ngoài khu vực lưu hành của bệnh (Tây Ban Nha, Brazil). Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Minh Thảo