Trung Chánh
Số lượng hợp tác xã (HTX) tuy khá nhiều nhưng phần lớn hoạt động không hiệu quả. Trong buổi tọa đàm được tổ chức mới đây tại Cần Thơ, các đại biểu đã đặt lại vấn đề mô hình HTX kiểu mới, cụ thể tại vùng ĐBSCL, trong mục tiêu khắc phục yếu kém lâu nay.
90% HTX không hiệu quả
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết cả nước hiện có khoảng 10.400 HTX đang hoạt động, nhưng chỉ 10% trong số này là hoạt động tốt (tương đương chỉ trên 1.000 HTX). Riêng đối với vùng ĐBSCL, báo cáo lộ trình thành lập HTX kiểu mới trong nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020, cho thấy 1.928 HTX của vùng này tuy hiệu quả hoạt động có rõ nét hơn so với những khu vực khác nhưng vẫn trong tình trạng yếu kém, chưa giải quyết được nhưng mong muốn phù hợp của người nông dân như giúp tiêu thụ nông sản hay cung ứng vật tư nông nghiệp với giá hợp lý...
Lý giải nguyên nhân dẫn đến yếu kém của HTX, ông Lê Văn Nưng, Phó chủ tịch UBND An Giang, cho rằng những điều kiện cần và đủ để một HTX hoạt động bài bản vẫn chưa hoàn chỉnh, nhất là về cơ chế vốn và đầu ra cho sản phẩm. “HTX là đầu mối cho doanh nghiệp và phục vụ lợi ích của người dân, nhưng vấn đề tiếp cận vốn từ ngân hàng để phục vụ sản xuất hết sức khó khăn. Tôi nghĩ, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù về vốn để tạo điều kiện cho người nông dân trong HTX phát triển sản xuất tốt hơn”, ông Nưng nói.
Ông Nhân chỉ ra rằng từng hộ nông dân sản xuất đơn lẻ với quy mô nhỏ, hoàn toàn không có khả năng đàm phán để mua được vật tư nông nghiệp với giá rẻ và cũng không thể sản xuất theo quy trình truy xuất nguồn gốc, cho nên khả năng cạnh tranh giảm đi, mất cơ hội đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị hay các kênh phân phối hiện đại. Trong khi đó, HTX phải là một mắt xích nằm trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, đồng thời để giúp gắn kết những hộ nông dân sản xuất đơn lẻ, manh mún.
Để nâng cao thu nhập của nông dân
Hiện các bộ, ngành đã lên kế hoạch tái cấu trúc HTX hoạt động không hiệu quả thành những HTX kiểu mới nhằm mục tiêu đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân. Theo đó, giai đoạn 2015-2016, thực hiện tái cấu trúc các HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả, lựa chọn và xây dựng năm mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới cho mỗi tỉnh/thành; giai đoạn 2017-2020, mỗi tỉnh/thành xây dựng và nhân rộng 30 HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động thực sự có hiệu quả.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu nâng cao thu nhập người nông dân thông qua hình thành HTX kiểu mới, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho rằng HTX và doanh nghiệp phải bắt tay nhau. Theo ông Thòn, có sự tham gia của doanh nghiệp thì vật tư nông nghiệp sẽ có giá hợp lý, chất lượng cao; vấn đề cung cấp vốn cho nông dân cũng có doanh nghiệp lo, có thể bằng hình thức doanh nghiệp bảo lãnh cho nông dân vay ngân hàng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hay lo đầu ra cho sản phẩm...
Mặt khác, việc HTX gắn kết những hộ nông dân sản xuất đơn lẻ, manh mún sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp quản lý, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. “Thay vì doanh nghiệp phải ký kết với từng hộ nông dân rất tốn kém, mất thời gian và khó quản lý, thì thông qua HTX chúng tôi sẽ thuận tiện hơn, chỉ cần ký với người đại diện của nông dân”, ông nhận định.
Theo ông Thòn, với cách làm như vậy, mục đích cuối cùng của thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới là nâng cao thu nhập cho nông dân sẽ được giải quyết tốt.