Thanh Vũ (TPHCM) -
Trung tuần tháng 4 vừa qua, tôi đi khám bệnh ở bệnh viện nhưng không mua thuốc ngay do có việc vội. Trên đường về nhà, tôi ghé tiệm thuốc nhưng không mua được thuốc, cuối cùng phải quay lại bệnh viện để mua. Lý do: cô dược sĩ không đọc được tên thuốc ghi bằng chữ viết tay trên toa thuốc.
Không riêng gì tôi mà chắc những ai từng đi khám bệnh đều năm bảy lần gặp khó với việc không đọc được chữ viết trên toa thuốc. Tôi không bàn đến chuyện “bác sĩ viết chữ xấu” vì đã được nói nhiều rồi. Điều tôi muốn nói đến là khi công nghệ thông tin đã tiến rất sâu vào từng ngóc ngách của doanh nghiệp, công ty, trường học, gia đình, xã hội… chuyện bác sĩ ở nhiều bệnh viện hiện nay còn kê toa thuốc bằng cách viết tay thay vì bằng máy tính thì thật là khó hiểu. Điều này còn khó chấp nhận hơn khi các bác sĩ cứ viết theo cách của mình mà không cần để ý đến sự an nguy có thể xảy ra cho bệnh nhân chỉ vì chữ viết khó đọc của chính mình. Ở những bệnh viện lớn hay những bệnh viện mới xây dựng sau này, tất cả các loại thủ tục trên giấy đều được làm theo kiểu nhập dữ liệu vào hệ thống máy tính và in ra khi cần. Các dữ liệu được chia sẻ trên hệ thống của bệnh viện và các bác sĩ đều xem được hồ sơ của bệnh nhân khi họ đến bệnh viện. Trong số dữ liệu này có toa thuốc. Bác sĩ kê toa trên máy vi tính cùng với các ghi chú về liều lượng và cả thời gian tái khám rồi in ra cho bệnh nhận, rất tiện lợi và an toàn cho bệnh nhân.
Và trong trường hợp bệnh viện không trang bị máy tính cho bác sĩ hay vì một lý do nào đó thì các bác sĩ hãy tự điều chỉnh trong việc kê toa thuốc viết bằng tay để người bệnh có thể xem được đúng tên thuốc.