Ăn cơm tấm, uống cà phê, xem hầm bí mật của biệt động Sài Gòn
Đây là một trong những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
(SGTT) - Nằm ẩn dưới vẻ bình dân của quán cơm tấm Đại Hàn – cà phê Đỗ Phủ, là một căn cứ bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn trước năm 1975. Bề ngoài là quán cơm đơn giản, nhưng thực chất đây là điểm liên lạc và cất giấu thư từ, tài liệu mật, dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai).
Tại địa chỉ số 113A Đặng Dung, quận 1 ngày nay, vợ chồng ông Đỗ Miễn đã mở quán cơm từ năm 1946, khéo léo che giấu công việc tình báo. Trước đó, vợ ông Đỗ Miễn là bà Sự đã được đưa sang Nam Vang làm nhiệm vụ tình báo.Quán cơm không chỉ là nơi bán cơm tấm bình dân, mà còn là điểm tụ họp bí mật của các chiến sĩ, với những hoạt động ngấm ngầm như giấu tài liệu trong giày có đế xoay.Đây là một trong những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.Quán có tầng trệt và một lầu, không gian hoài cổ với cầu thang gỗ, nền lót gạch xen kẽ trắng đỏ, mái lợp ngói âm dương từ thời Pháp…Trên tầng hai của căn nhà, có một hầm nổi rộng chưa đến 20 cm, được thiết kế và xây dựng bởi ông Trần Văn Lai để cất giấu tài liệu và thư mật. Hầm được đào vào vách tường và ngụy trang khéo léo dưới lớp sàn gỗ.Ngoài ra, tầng hai còn có một hầm bí mật sâu 3 m, ngụy trang dưới đáy tủ quần áo, đủ cho một người thoát thân qua lối sau khi cần.
Căn hầm bí mật khác gắn liền với tên tuổi ông Trần Văn Lai nằm tại quán cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn là ở địa chỉ số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM.
Căn nhà này vẫn còn giữ chiếc ôtô Citroën từng vận chuyển khí tài từ thời Pháp và hệ thống hầm kiên cố được ngụy trang dưới nền gạch xen kẽ trắng đỏ.Vào những năm 1960, ông Năm Lai đã lợi dụng việc sửa nhà để đào hầm vệ sinh, thực chất nhằm mục đích giấu vũ khí. Đất đào được chứa trong thùng carton và vận chuyển ra ngoài bằng ôtô nhằm tránh bị phát hiện. Sau gần một năm làm việc, căn hầm hoàn thiện với diện tích gần 70 m².Căn hầm dài hơn 10 m, cao 2,5 m, được trát xi măng chống thấm. Hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, mỗi khung đủ rộng cho một người chui qua khi cần thoát hiểm.Từ năm 1966 đến 1968, gần 2 tấn vũ khí như súng, bộc phá, súng ngắn, lựu đạn và đạn các loại đã được chuyển vào hầm, chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân. Các hộp sắt, thùng gỗ chứa vũ khí hiện vẫn được trưng bày trong khu vực hầm.Nhiều đồ vật gắn với hoạt động của gia đình ông Trần Văn Lai và lực lượng biệt động Sài Gòn vẫn còn được giữ nguyên.Hầm dưới lòng đất còn có lối đi bí mật dẫn đến hầm nổi ở tầng hai của căn nhà.Từ lối đi nhỏ hẹp trong hầm dưới đất, người trong nhà phải leo bậc thang dựng đứng để lên hầm nổi.Lối lên hầm nổi vốn là phòng tắm, được ngụy trang bằng cánh cửa nhỏ dưới bồn rửa tay. Từ đây, người trong nhà có thể thoát ra ngoài qua ban công, mái nhà.Căn nhà đã được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia với tên gọi “Hầm chứa vũ khí của biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân năm 1968”.