(SGTT) - Như liều “vắc-xin tinh thần”, âm nhạc đã phá vỡ mọi rào cản về địa lý và ngôn ngữ giúp cổ vũ tinh thần, truyền đi thông điệp cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.
- Đông đảo nghệ sĩ tham gia đêm nhạc trực tuyến “Nối vòng tay lớn” kết nối toàn dân, đồng lòng vượt Covid
- Đêm nhạc trực tuyến “Hướng về quê hương” tiếp thêm sức mạnh cho tuyến đầu chống dịch tại TPHCM
Cải thiện sức khỏe tinh thần
Trong giai đoạn gần đây, để tránh lây lan Covid-19, mọi người đều không được ra ngoài kể cả đi làm, đi chơi, tập thể dục, hay đi thăm họ hàng... Điều này đã khiến cho nhiều người cảm thấy buồn chán, cô đơn, thậm chí trầm cảm.
Sự căng thẳng của đại dịch kết hợp với những khó khăn đang hiện hữu trong cuộc sống khiến nhiều người tìm đến âm nhạc để giúp họ vượt qua. Theo một nghiên cứu của trang thông tin Verywell Mind, đã có 79% độc giả của trang này cho biết họ đã chọn cách nghe nhạc để đối phó với đại dịch.
Trong đó, mỗi người đều có những lý do khác nhau để nghe nhạc nhưng đại đa số cho biết, họ sử dụng âm nhạc để cổ vũ tinh thần. Đồng thời, nghe hoặc tạo ra âm nhạc còn giúp họ cảm thấy ít căng thẳng hơn, thay đổi tâm trạng và đánh lạc hướng bản thân khỏi những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực.
Kết nối mọi người với nhau
Những năm gần đây, chúng ta dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh, video trên các phương tiện truyền thông của nhiều người dân ở Ý, Tây Ban Nha, Mỹ sử dụng âm nhạc như một phương tiện để kết nối mọi người. Chẳng hạn như ở Ý, âm nhạc đã kết nối những người hàng xóm với nhau, ngay cả khi đang trong trạng thái “lockdown” (phong tỏa), họ vẫn có thể hát và nhảy với nhau.
Điều đó cho thấy âm nhạc vẫn có thể gắn kết mọi người ngay cả khi họ không thể ở trong cùng một không gian vật lý. Âm nhạc không có ranh giới, dù mọi người đều không được ra ngoài, nhưng âm nhạc vẫn lan toả đến từng ngôi nhà, mỗi góc phố.
Hay tại Mỹ, một Nhóm Facebook có tên “Karaoke Quarantine” đã thu hút gần 700.000 người tham gia, họ hát cho nhau nghe trên mạng xã hội. Qua đó chúng ta có thể thấy, khi mọi người không thể gặp nhau để trò chuyện, giao lưu, thì âm nhạc đã trở thành công cụ để giúp họ vượt qua sự cô đơn.
Đôi khi, phải rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, ta mới có thể hiểu được những điều kỳ diệu mà âm nhạc mang lại cho con người. Âm nhạc không chỉ giúp chữa lành những tổn thương tinh thần, mà còn đem đến những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Cùng chung tay đẩy lùi đại dịch
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, “nhà cách nhà”, “phường cách phường”, “quận cách quận”, âm nhạc chính là điều kỳ diệu, có thể vượt qua mọi rào cản để kéo chúng ta gần nhau hơn, kết nối những trái tim, lan tỏa tinh thần tích cực; cũng như động viên, chia sẻ với những khó khăn, cùng nhau vượt qua dịch bệnh.
Rất nhiều nghệ sĩ đã cùng chung tay, dùng âm nhạc làm “sức mạnh mềm” trong trận chiến chống Covid-19. Hàng trăm sản phẩm âm nhạc được ra mắt với chủ đề lan toả tinh thần tích cực trong tình hình dịch bệnh, thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, rất nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến với sự chung tay của hàng loạt nghệ sĩ, ca sĩ trên khắp cả nước cũng được tổ chức.
Một trong số đó là chương trình “Thành phố tôi yêu” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng PR Global Hub diễn ra vào ngày đúng ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua. Chương trình đã gửi gắm những tình cảm, lời động viên cũng như lời chúc bình an chân thành của những người thực hiện đến người dân TPHCM và lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu để thành phố mau chóng vượt qua đại dịch.
Và để tiếp tục dùng âm nhạc để xoa dịu cũng như kết nối mọi người, ngày 26-9-2021 sẽ diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật trực tuyến “Nối vòng tay lớn: Đồng lòng vượt qua Covid-19” do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Quỹ Trịnh Công Sơn phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ được phát trực tiếp trên đài HTV, nhiều kênh truyền thông và fanpage Sài Gòn Tiếp Thị.
Chương trình nghệ thuật nhằm kêu gọi sự đồng lòng của người dân cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đồng thời kêu gọi mọi nguồn lực hỗ trợ các thiết bị vật tư y tế đóng góp vào “Quỹ phòng chống Covid-19” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM quản lý.
Trang Lê