(SGTTO) - Aida Othman có thể không phải là mở lối cho sự nối kết tinh thần thể thao và lòng thiện nguyện nhưng cô chính là người truyền nguồn cảm hứng cho những người chưa từng hoặc sẽ thích thể thao rằng chơi thể thao không chỉ để có thể lực tốt, sức khỏe cường tráng mà vì thể thao khiến người ta biết sống nhân văn hơn.
Aida Othman không chỉ là một vận động viên tích cực mà còn là một cổ động viên tích cực trong việc vận động mọi người chơi thể thao và theo đuổi cuộc sống lành mạnh. Othman chắt chiu những sự trải nghiệm của mình trong từng giải đấu xuyên quốc gia thành những câu chuyện đầy yêu thương làm lay động lòng người. Nhiều bài viết với thông điệp như vậy đã được Othman gửi đến cộng đồng, tiếp thêm những nét vẽ tinh tế về tính văn hóa và nhân văn trong thể thao. Đó là câu chuyện về giải chạy xuyên quốc gia 7 Emirates Run tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mà cô rất tự hào nói rằng: “Tôi đã rất tự hào và chạy với tất cả lòng yêu thương”. Vào năm 2014, Aida đã chạy quãng đường dài nhất 575km trong 12 ngày. Cô đã giúp gây quỹ cho một tổ chức địa phương gọi là Al Jalila, thúc đẩy nghiên cứu và giáo dục y tế trong giải này. Aida Othman cũng không phải là một gương mặt xa lạ với cộng đồng chạy bộ châu Á. Năm ngoái, ở Dalat Ultra Trail 2018 70km, Aida Othman đạt giải nhất trong nhóm tuổi của cô.
Nhớ lại kỷ niệm cũ năm 2008, Aida Othman kể rằng cô đã tham gia rất nhiều chương trình đào tạo về chạy bộ tại Sydney (Úc) để làm chương trình cộng đồng. Từ đó trong Aida đã hình thành niềm đam mê môn thể thao này nên cô đã đăng ký cho cuộc đua Marathon đầu tiên của mình để chạy 21km đầu ở Sydney. Lần đầu tiên về đích trong một cuộc đua chuyên nghiệp, Aida không khỏi xúc động, giờ đây khi kể lại khoảnh khắc ấy cô cũng không khỏi bồi hồi với cảm xúc chiến thắng khó tả ấy.
Vào năm 2012, Aida lại có dịp tham gia vào một cuộc đua Marathon chuyên nghiệp khác ở Prague, Cộng hòa Séc. Đó là lần đầu tiên trong đời, Othman biết nếm trải chấn thương trong thể thao là như thế nào. Sau cuộc đua, cô phải đi khập khiễng quanh khu phố cổ xinh đẹp mình vừa chạy qua và nhớ lại màn trình diễn môn thể thao chạy của mình. Lúc ấy chân cô không có cảm giác đau dù đang phải khập khiễng cho tới khi hết giải về đến khách sạn cô mới thấy hết được sự đau nhức khi các sợi gân trên bàn chân mình sưng to. Và cô lại phải lê chân xuống quầy bar của khách sạn xin một cốc đá để mang vào phòng ủ lên các chỗ đau nhức của mình. Đối với Aida, các chấn thương chỉ là điều nhỏ nhặt trong niềm đam mê to lớn về môn thể thao này.
Mùa giải nào cũng đều đặc biệt, Othman nói. Trên blog của mình (www.sliceoftorchginger.com) cô nói nhiều về những câu chuyện trong các cuộc thi qua như một cách chia sẻ sự trải nghiệm với các bạn đồng hành. Cô cũng thường trao đổi với họ cách thức chuẩn bị cho các giải đấu, ví dụ trước các giải chạy đường mòn (trail), Aida luyện tập chạy trong công viên và kết hợp chạy trên đồi, cầu thang, chạy lùi và chạy chậm vào cuối tuần. Aida cho biết, thời gian luyện tập trên đôi chân rất quan trọng nhưng cũng cần kết hợp với các môn thể thao và các bài tập thể dục để tăng sức mạnh cho hệ cơ.
Cô nói luyện tập thể thao ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của mình. Việc luyện tập thực hành thường xuyên cho môn chạy mang lại cho Aida lối sống cân bằng, kỷ luật và sự lão luyện trong cách lập các phương án tập. Khi một người chạy bền bỉ nhiều ngày, nhiều giờ cuộc sống của họ sẽ tự nhiên ảnh hưởng bởi những phẩm chất kiên cường, dẻo dai tinh thần. Đặc biệt là quyết tâm “sẽ làm được” sẽ ăn sâu vào công việc và cuộc sống hằng ngày của họ.
Trong thư trao đổi với SGTTO mới đây, Aida Othman cho biết cuộc chạy nào cũng là một cơ hội để cô tìm hiểu thêm về nền văn hóa đất nước và con người. Dalat Ultra Trail 2019 ở Đà Lạt sẽ là một cơ hội để cô có thêm nhiều người bạn mới và cùng phiêu lưu khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Mỹ Huyền