Không dừng lại ở việc hỗ trợ cho cuộc sống và công việc của con người, nhiều công nghệ hiện đại còn được áp dụng cả vào lĩnh vực nghệ thuật vốn đòi hỏi năng khiếu và sáng tạo như hội họa, phim ảnh, ca nhạc… Mới đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiến vào hội họa và nhanh chóng ghi được dấu ấn trong lĩnh vực này.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2018/11/Họa-sĩ-AI-4.jpg)
Trong phiên đấu giá vào cuối tháng 10 vừa qua tại nhà đấu giá Christie’s ở New York (Mỹ), giới mộ điệu lẫn các họa sĩ không khỏi ngỡ ngàng khi bức họa Portrait of Edmond de Belamy (tạm dịch: Chân dung Edmond Belamy) được vẽ bằng công nghệ AI đã tìm được người mua với mức giá kỷ lục 432.500 đô la Mỹ (khoảng 10 tỉ đồng). Sự kiện này có thể được xem như sự đánh dấu bước đột phá của Al trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trước đó vào năm 2015, nhiều nghệ sĩ như Robbie Bart, Mario Klingemann, Anna Ridler… đã bắt đầu sử dụng AI trong sáng tác mỹ thuật. Một số tác phẩm do Al thực hiện đã được bán ra thị trường với mức giá khoảng 10.000-15.000 đô la Mỹ (khoảng 233-350 triệu đồng).
Portrait of Edmond de Belamy là một trong 11 bức họa thuộc Công ty nghệ thuật Obvious có trụ sở tại Paris (Pháp) sử dụng AI để thực hiện thông qua thuật toán có tên gọi “Các mạng lưới đối kháng sinh mẫu”. Ông Dupre, nhà đồng sáng lập Công ty Obvious Hugo Caselles, cho biết thuật toán này bao gồm một bộ phát và một bộ phân tách. Sau khi AI của Obvious nhập dữ liệu của 15.000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20, bộ phát và bộ phân tách tiếp tục những công việc sau đó và cuối cùng tạo ra bức tranh khi thuật toán AI cho rằng, hình ảnh này là bức chân dung thật sự của các họa sĩ.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2018/11/Họa-sĩ-AI-1.jpg)
Theo sự nhận định từ chuyên gia Richard Lloyd của Christie’s, việc đấu giá thành công bức chân dung trên đã mở đường cho các tác phẩm nghệ thuật sử dụng AI được đem ra sàn đấu giá. Tuy nhiên, hiện tại còn quá sớm để có thể dự đoán được những thay đổi của hội họa hay các ngành nghệ thuật khác trong tương lại trước sự bùng nổ của AI, nhưng đây sẽ là xu hướng tác động đến thị trường nghệ thuật trong tương lai.
Tại Việt Nam, tranh được vẽ bằng trí tuệ nhân tạo chưa xuất hiện trong các buổi triển lãm hay đấu giá, nhưng những kỹ thuật hiện đại đã bắt đầu được áp dụng vào tranh ảnh. Tại triển lãm Sài Gòn có mưa của Đạo diễn nghệ thuật Mark Nguyễn diễn ra hồi tháng 8 vừa qua, nhiều thiết bị nghe nhìn hiện đại kết hợp cùng tranh ảnh như thực tế ảo (virtual reality), thực tế tăng cường (augmented reality), kỹ thuật ánh sáng 3D (3D mapping)… đã thu hút đông đảo khán giả tham gia, nhất là những bạn trẻ.
![](https://www.sgtiepthi.vn/wp-content/uploads/2018/11/Họa-sĩ-AI-2.jpg)
Nhiều chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, trong đó có AI trong các ngành nghệ thuật có giá trị về mặt tiến bộ kỹ thuật nhiều hơn là một tác phẩm sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận được sự ảnh hưởng của xu hướng này đến nghệ thuật trong tương lai.
Thanh Dương