(SGTTO) - Những ngày này, từ Hội An băng qua cầu Cẩm Kim, rồi qua cầu Duy Phước của tỉnh Quảng Nam, ta sẽ được tận mắt thấy “lúa lúa vàng, đồng lúa bát ngát trời” như trong bài hát Ngày mùa của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Quảng Nam có hai vụ lúa là hè thu và đông xuân. Thời gian này, người dân xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đang rộn ràng thu hoạch vụ lúa hè thu. Đặc điểm của vụ hè thu là bắt đầu vào ngày 20-5, lúa trổ từ 25-7 đến 10-8, như vậy tránh được gió mùa Tây Nam mang hơi nóng và thu hoạch xong trước ngày 15-9.

Mỗi ngày, bà con nông dân ra đồng từ sáng tinh sương cho đến khi sập tối. Chiều về, vài giọt nắng cuối cùng buông xuống đậu trên những cánh đồng lúa chín vàng chạy dài tít tắp đến tận chân trời. Hai sắc vàng hoà quyện vào nhau vẽ nên bức hoạ đồng quê sống động với những cánh chim chao liệng một góc trời.

Giữa cánh đồng thấp thoáng bóng những cô bác nông dân thu hoạch lúa bên cạnh chiếc máy gặt thoắt chạy thoắt dừng để “nhả" những hạt lúa vào mấy chiếc bao căng đầy. Trong khi chờ đợi máy gặt tiếp tục ngang dọc mấy ô ruộng, cô nông dân thoăn thoắt tranh thủ gom nhặt những hạt lúa rơi vải trên đất.

Ngồi trên triền đê, trông về xa xa, sau mảng màu vàng tươi của lúa chín, nổi bật một vài chỗ sẫm vàng của những vạt rơm sau bao ngày nằm phơi mình dưới nắng. Ven bờ ruộng có mấy chú bò nhàn nhã gặm cỏ buổi chiều tà. Giữa khoảng trời ấy, đâu đó kéo lên những vệt khói lững lờ, lòng người bỗng bình yên thấu hiểu mấy câu hát mà tác giả Lan Đài viết trong bài “Khói lam chiều”:

Khói lam chiều vương nơi nơi,

Khói lam chiều gieo đơn côi,

Đưa người tha phương vào trong lãng quên

Khung cảnh êm đềm ấy chốc chốc vang lên tiếng nói cười đầy thân thương của chất giọng miền Trung thân quen. Sau một vụ mùa cực nhọc, niềm vui không thể giấu được trên gương mặt của bà con nơi đây. Vừa hăng say làm việc, mọi người vừa kể nhau nghe những câu chuyện xóm làng.

Một làn gió nhẹ thổi qua, mùi hương của lúa chín, của khói đốt đồng bay vào mũi mang tâm hồn ta trở về miền ký ức quê hương những ngày xưa cũ.

Bài và ảnh: Minh Trần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây