KIM AN -
Khi thực phẩm bị quá hạn sử dụng ghi trên bao bì, chúng ta đa phần sẽ bỏ vào thùng rác, nhưng các sản phẩm này thực chất vẫn còn sử dụng được nếu chúng chưa bị nhiễm khuẩn.
10% thực phẩm bị bỏ đi một phần là do quá hạn sử dụng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cứ mỗi một đô la mà người Mỹ chi trả cho thực phẩm thì họ vứt đi khoảng 10 cent (xu) thức ăn vào thùng rác. Ban đầu, nghe có vẻ không nhiều nhưng nếu tính trung bình mỗi năm cho gia đình bốn người thì số tiền vứt đi này đến khoảng 1.500 đô la. Không chỉ tổn thất về tiền bạc mà sự lãng phí này còn mang lại nhiều hậu quả khác. Thức ăn bỏ đi cũng là nguồn rác thải lớn nhất, chúng sinh ra khí metan có hại đến sức khỏe con người và là nguyên nhân của việc ấm lên toàn cầu. Hơn nữa, đó còn là lãng phí nước, điện, xăng và nhiều tài nguyên các loại khác để trồng trọt và sản xuất thực phẩm mà không ai dùng đến.
Một vài lý do khiến chúng ta thường đổ bỏ thức ăn có thể là do trẻ kén ăn hay cuộc sống bận rộn, có cả việc chúng ta lên kế hoạch kém. Nhưng một nhân tố quan trọng khác cũng làm mọi người ngộ nhận, đó là các nhãn dán trên bao bì thực phẩm với những cụm từ như “dùng trước ngày…”, “hết hạn ngày…”, “ngon nhất trước ngày…”... Những cụm từ này thực sự có ý nghĩa như thế nào?
Robert Gravani, Ph.D, giáo sư về khoa học thực phẩm tại trường Đại học Cornell, Mỹ, nói: “Phần lớn người tiêu dùng không biết rằng họ thực sự đang bị hướng về chất lượng thực phẩm hơn là thực phẩm an toàn”. Thực phẩm sau những ngày dán trên nhãn có thể không ngon nhất, nhưng những yếu tố như bị cũ hay đổi màu chính là vấn đề về chất lượng, không phải là vấn đề về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Sự thật là trong nhiều trường hợp, các thực phẩm bày bán trên kệ hay thậm chí trong tủ lạnh bị quá hạn so với ngày đóng gói trên bao bì vẫn có thể ăn được và không cần phải bỏ đi.
Dana Gunders, nhân viên khoa học tại Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và là tác giả cuốn Waste-Free Kitchen Handbook (Sổ tay chống lãng phí trong nhà bếp) cho biết: “Ngộ độc thực phẩm là do bị nhiễm khuẩn, không phải là do quy trình phân hủy tự nhiên. Và các giác quan của chúng ta có thể nhận biết được việc này”. Thực phẩm khi bắt đầu hư hại có thể bị mốc, có mùi nên thực phẩm thực sự không an toàn và không ăn được là sau khi chúng bị biến màu, có mùi và vị khác lạ.
Chính phủ nhiều nước thường không quy định cụ thể về ngày và thời hạn hết hạn cho thực phẩm, ngoại trừ sữa dành cho trẻ sơ sinh bởi vấn đề về chất lượng dinh dưỡng, không phải về vấn đề an toàn. Vài nơi đưa ra điều luật về hạn sử dụng riêng, như Bộ Nông nghiệp Mỹ có thêm mục “Sell by” dành cho nhà bán lẻ, là thời hạn mà nhà sản xuất đề nghị nhà bán lẻ bỏ sản phẩm ra khỏi kệ. Thời hạn này có thể vài ngày đến vài tuần tùy thuộc mặt hàng. Ví dụ, sữa luôn cần phải đảm bảo nhiệt độ, có thể để 5-7 ngày sau khi hết hạn “Sell by” trước khi bị chua.
Vậy cách để quyết định các ngày hết hạn là như thế nào? Phần lớn các trường hợp, nhà sản xuất quyết định ngày và thời hạn dựa trên thử nghiệm sản phẩm của chính họ. Theo báo cáo của Tổ chức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên NRDC và Đại học Harvard, các doanh nghiệp sử dụng nhiều phương thức khác nhau, như thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm dựa vào khẩu vị để quyết định thời gian hết hạn. Nên thực chất, người tiêu dùng không có cách nào để biết được phía sau ngày hết hạn đó là như thế nào. Trong nhiều trường hợp, các ngày đều là ước lượng và nếu quá hạn khi không để ý bạn cũng không nhận ra được chất lượng khác biệt.
[box] Theo Luật An toàn thực phẩm ở Việt Nam, ngày sản xuất và thời hạn sử dụng được định nghĩa như sau:
Ngày sản xuất (Date of Manufacture) của sản phẩm là mốc thời gian hoàn thành sản xuất, chế biến, lắp ráp, đóng chai, đóng gói hoặc các hình thức khác để hoàn thiện công đoạn cuối cùng của sản phẩm đó.
Thời hạn sử dụng là thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hạn sử dụng hoặc sử dụng đến ngày (Expiry date) là mốc thời gian mà quá mốc thời gian đó sản phẩm không được phép bán ra thị trường.
Hạn sử dụng tốt nhất (Best before) là mốc thời gian, dưới các điều kiện bảo quản được công bố trên nhãn, mà sản phẩm vẫn duy trì được đầy đủ chất lượng vốn có của nó.[/box]
Do đó, trong nhiều trường hợp, các mặt hàng khi quá hạn vẫn có thể sử dụng được. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, chúng ta nên kiểm tra bằng mắt xem có dấu hiệu của nấm mốc và thử xem có vị chua, thiu hay không, nếu có mới nên vứt bỏ. Đồ khô như mì ống, nui… nếu được bảo quản tốt trong thùng kín có thể sử dụng vô thời hạn. Với bánh mì để trong tủ lạnh, chúng ta có thể dùng được nếu khi cắt bánh ra không có dấu hiệu bị mốc. Các loại thực phẩm có đường như bánh ngọt, mứt, mật ong... vẫn có thể dùng được khi hết hạn nếu bảo quản tốt. Trứng gà, vịt có thể dùng được sau ba tuần hết hạn. Sữa chua có thể dùng sau hai tháng hết hạn.