LÊ ANH -
Đến thời điểm này, nhiều người dân mới sắp xếp được công việc để ra ga Sài Gòn tìm mua vé tàu về quê ăn tết. Có cung ắt sẽ có cầu, trong những ngày này “cò” vé ở ga Sài Gòn cũng hoạt động rất nhộn nhịp và công khai ở cổng vào và thậm chí cả bên trong ga Sài Gòn. Vấn đề là làm sao tránh được vé giả khi mua vé qua “cò”.
Hành khách nên vào trong ga Sài Gòn mua vé để tránh vé giả của “cò” vé. Ảnh: Anh Quân
Anh Đặng, công nhân đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung, Thủ Đức cho biết cách đây hai ngày anh lên ga Sài Gòn hỏi mua vé tàu về Huế ngày 26 tháng Chạp. Nhân viên nhà ga cho biết, tất cả các loại vé đi ngày này đã hết. Thế nhưng, lúc ra đến cổng nhà ga thấy “cò” vé mời chào với đầy đủ các loại vé, giường nằm, ghế ngồi và đi ngày nào cũng có.
Khi anh thắc mắc vì sao nhà ga đã thông báo hết vé mà ngoài này nói vẫn còn thì một “cò” vé không ngần ngại cho biết những vé này đã có sẵn, bây giờ chỉ cần đổi tên là xong. “Nghe họ nói vậy tôi thấy không yên tâm, đành mua vé xe cho chắc ăn”, anh Đặng cho biết.
Đến thời điểm này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo vé tàu chiều từ Nam ra Bắc trong khoảng thời gian 10 ngày cao điểm trước tết đã hết vé. Vì thế, nhiều người khi đến ga không mua được vé đã tìm đến “cò” với hy vọng sẽ có được tấm vé về quê ăn tết.
Theo một số người có kinh nghiệm mua vé tàu chợ đen, chỉ cần đưa ra một số yêu cầu nhỏ đối với “cò” thì có thể xác minh độ tin cậy là vé giả hay vé thật. Bởi không khéo, bỏ tiền mua vé nhưng không được lên tàu vì vé giả.
Anh Hưng, người đã nhiều năm mua vé tàu chợ đen khi mà ngành đường sắt chưa bán vé qua mạng, chia sẻ muốn mua được vé thật chỉ cần yêu cầu “cò” dẫn vào nhà ga để tận mắt thấy, chừng nào cầm vé trong tay thì mới trả tiền. Còn trong trường hợp cò vé không dẫn đến nơi mua mà đưa vé có tên và số chứng minh nhân dân của mình thì nên vào nhà ga nhờ nhân viên xác minh xem là vé thật hay vé giả. Nếu là vé thật thì khi đó mới trả tiền cho “cò” để tránh mất tiền oan.
Qua tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, sở dĩ khi bán vé qua mạng mà “cò” vé vẫn có đất sống là do trước đó họ đã đặt vé qua mạng và giữ vé (hay còn gọi là đầu cơ vé). Khi hành khách có nhu cầu, “cò” sẽ tiến hành trả vé trên mạng, sau đó vào đặt lại ngay với tên và số chứng minh mà hành khách yêu cầu. Bằng chiêu thức này “cò” vẫn cung cấp vé thật cho người mua để lên tàu. Tuy nhiên, tỷ lệ vé thật rất ít so với tỷ lệ vé giả mà “cò” in ra để lừa hành khách.
Biết được chiêu thức này và nhằm hạn chế tình trạng “cò” vé, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thắt chặt chính sách đổi vé. Cụ thể, ngành đường sắt chỉ chấp thuận cho mỗi hành khách được phép trả tối đa bốn vé. Người trả vé phải có giấy tờ tùy thân hợp lệ trùng với thông tin của người mua vé hoặc thông tin của người đi tàu và có đầy đủ giấy tờ hợp lệ của các vé trả.
Trong giai đoạn cao điểm tết, bắt đầu từ ngày 20-1, khi trả vé mức khấu trừ sẽ tăng lên 30% của số tiền in trên thẻ đi tàu. Việc đổi vé phải được thực hiện trước 24 giờ so với giờ tàu chạy và chỉ có người có tên trong thẻ đi tàu mới được trả vé. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, vào dịp tết, tất cả các ga sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát kiên quyết không cho hành khách có tên và giấy tờ sai lệch với thông tin ghi trên vé được lên tàu.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cảnh báo các thẻ lên tàu mà các đối tượng bên ngoài rao bán đều là bản sao chép in ra để bán cho nhiều người. Ông khuyên hành khách không nên nghe lời dụ dỗ mua vé tàu từ “cò” vé ở ngoài ga Sài Gòn để tránh mất tiền oan.