Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Phát triển du lịch công viên địa chất tại Việt Nam: nhiều tiềm năng

(SGTTO) - Vừa qua, Công viên địa chất Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) được tổ chức UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Việt Nam hiện có 3 công viên địa chất toàn cầu, khơi gợi hướng phát triển du lịch khá mới mẻ, phù hợp xu thế trên thế giới.

Sài Gòn Tiếp Thị Online giới thiệu bài viết của thạc sĩ Trần Nhị Bạch Vân, thành viên Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, về hướng phát triển du lịch công viên địa chất tại Việt Nam.

Công viên địa chất là mô hình kết nối và tìm hiểu về sự hình thành của trái đất, thông qua hình thức du lịch địa chất, là nơi du khách có cơ hội tìm hiểu về nguồn gốc và đặc điểm cấu tạo của các dạng địa hình. Mô hình này đề cao công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân và du khách để sống chan hòa với thiên nhiên, biết trân trọng những giá trị và tài nguyên của tạo hóa. Tính đến nay, có 161 công viên địa chất toàn cầu UNESCO thuộc 44 quốc gia.

Bản đồ Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông.
Công viên địa chất là gì?

Theo định nghĩa của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (Global Geopark Network-GGN), công viên địa chất là khu vực có ranh giới xác định và diện tích đủ lớn để phát triển kinh tế, chủ yếu thông qua hoạt động du lịch.

Khu vực này bao gồm các điểm địa chất và cảnh quan có ý nghĩa quốc tế, được quản lý trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững. Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Núi lửa Nâm Kar trong Công viên địa chất Đắk Nông. Ảnh: Lê Thành Đạt

Công viên địa chất không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị địa chất mang tính tiêu biểu cho một vùng, một khu vực mà còn chú trọng liên kết với các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, cảnh quan và đa dạng sinh học để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương bền vững; nâng cao nhận thức và vai trò cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị.

Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO sẽ được tái đánh giá và thẩm định 4 năm/lần bởi các chuyên gia UNESCO. Đây được gọi là quá trình gia hạn danh hiệu. Chính yếu tố này góp phần thúc đẩy cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương nỗ lực xây dựng, hoàn thiện và sáng tạo các giải pháp nhằm đảm bảo các tiêu chí đánh giá, để giữ vững danh hiệu qua các năm.

Mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng

Quá trình xây dựng công viên địa chất và được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Các nghệ nhân chơi đàn đá Đắk Kar ở suối Đắk Kar, bon Bù Sir, huyện Đắk R’lấp. Ảnh: Võ Anh Tú

Kích cầu du lịch địa phương thông qua hoạt động du lịch bền vững:

Việc khai thác các loại hình du lịch như du lịch địa chất, sinh thái, mạo hiểm, du lịch văn hóa... kết hợp du lịch cộng đồng sẽ giúp du khách lẫn người dân địa phương khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, nâng cao niềm tự hào và nhận thức của người dân địa phương trong việc gìn giữ các giá trị ấy. Ví dụ điển hình như Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, sau khi thành lập và được UNESCO công nhận, ngành du lịch địa phương đã có những bước tiến mới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của Hà Giang.

Tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương:

Việc phát triển du lịch sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, cụ thể như phát triển các mô hình homestay phục vụ khách du lịch trong khu vực công viên địa chất. Phát triển du lịch sẽ giúp khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, hướng dẫn viên du lịch địa phương, hay các loại hình kinh doanh dịch vụ khác như ăn uống, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật địa phương...

Bảo vệ và khai thác hợp lý các di sản địa chất:

Mô hình công viên địa chất còn giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các mỏ khoáng sản. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các di sản địa chất có giá trị khoa học nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn các di sản cho thế hệ sau.

Nâng cao ý thức cộng đồng và du khách trong việc bảo vệ môi trường sống:

Thông qua hoạt động giáo dục cộng đồng, một trong những hoạt động trọng tâm của công viên địa chất, ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa, di sản địa chất... của người dân và du khách cũng được nâng lên.

Đón đọc bài 2: Đặc điểm thú vị của các công viên địa chất Việt Nam

Thạc sĩ Trần Nhị Bạch Vân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Rừng đang ‘chảy máu’

0
(SGTT) - Những năm qua, rất nhiều cây gỗ quý, cây lâu năm ở Việt Nam đã bị đốn hạ để phục vụ nhu...

Quảng Nam có ‘làng du lịch tốt nhất thế giới’

0
(SGTT) - Làng rau Trà Quế tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam vừa được vinh danh là một trong 55 làng du...

Bảo tồn đa dạng sinh học từ góc nhìn đề án...

0
(SGTT) - Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung....

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn cách xác định ‘dấu chân’ carbon để hướng đến du...

0
(SGTT) – Xác định "dấu chân" carbon, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng...

Cúc Phương là ‘Vườn quốc gia hàng đầu châu Á’ năm...

0
(SGTT) - Vườn Quốc gia Cúc Phương của Việt Nam vừa được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh...

Kết nối