TẤN PHÚ -
Có lẽ khi nhắc đến cái tên diễn viên Thụy Vân với vai diễn chị Vân để đời của phim Nổi gió sẽ không gây được nhiều ấn tượng trong giới trẻ ngày nay, nhưng với những người luống tuổi, từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì hình ảnh người diễn viên tên tuổi thời bấy giờ luôn trong trí nhớ của nhiều người.
Đóng phim giữa tiếng bom rền
Diễn viên Thụy Vân trong phim Nổi Gió.
Sinh năm 1940, bà bắt đầu tham gia đóng phim vào năm 19 tuổi. Không như đóng phim thời bình ngày nay, đóng phim ở thời chiến lúc ấy rất gian nan, cực khổ và nguy hiểm tới tính mạng. Không chỉ nguy hiểm trên phim trường, mà còn nguy hiểm cả trong giờ nghỉ, trong bữa ăn. “Nhiều lúc đang quay, bỗng nhiên bị máy bay oanh tạc là các diễn viên phải tháo chạy, ai may mắn đứng gần lùm cây thì nấp vào, còn ai không có chỗ thì phải chạy có khi cả cây số mới có chỗ núp tránh bom đạn. Thời đó chúng tôi đi đóng phim cực lắm”, bà nhớ lại.
[box type="download"] Nghệ sĩ Thụy Vân có tên khai sinh là Nguyễn Thụy Vân. Khi còn học cấp 3 tại trường Chu Văn An, Hà Nội, chị đã có dịp chứng kiến cảnh quay phim bên hồ Tây nên thích thú nghề điện ảnh, vì vậy mà chị nộp đơn xin thi tuyển vào trường Sân khấu Điện ảnh khóa 1.[/box]
Bà kể kỷ niệm có lần đoàn làm phim đang nghỉ ngơi, ăn uống, có chiếc máy bay bay ngang qua là cả đoàn người thì bưng cơm, người bê đĩa rau luộc chạy tán loạn.
Thời đó các diễn viên đi đóng phim không được trả tiền cát xê hay tiền thù lao theo từng phân đoạn như bây giờ, mà diễn viên chỉ được lĩnh lương của Nhà nước. “Lương lúc đó của tôi chỉ được 40 đồng mỗi tháng, còn lương thực thì nhận theo tem phiếu, khoản 15 phiếu mỗi tháng nhưng ăn không đủ no, tôi phải lấy thêm tem phiếu ở nhà mang theo khi đóng phim để bù vào”, bà kể. Tuy gian khổ là thế, nhưng những người làm nghệ thuật như bà chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề. Thậm chí, lúc đang mang bầu cần được nghỉ ngơi nhưng khi có phim bà vẫn bấm bụng để tham gia cùng đoàn phim.
Nổi gió... nổi lên Thụy Vân
Trong số hàng chục bộ phim bà tham gia vai chính như Rừng xà nu, Hai người mẹ, Xa và gần, Làng nổi, Cơn lốc đen, Nổi gió… thì Nổi gió là bộ phim làm thay đổi nghề diễn viên của cuộc đời bà, đưa bà trở thành một diễn viên hàng đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 1960.
Nổi gió của đạo diễn Huy Thành quay năm 1963, được giới điện ảnh xem như phim đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng nói về chiến tranh Việt Nam. Phim đã giành được giải Bông sen vàng (tiền thân của Cánh diều vàng ngày nay) cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bà tên Vân và vào vai chị Vân, chị của Trung úy Phương do Thế Anh đóng trong Nổi gió. Để diễn cho toát ra được số phận phức tạp của nhân vật chị Vân trong phim, bà kể là mình đã chọn lựa cách thể hiện không khoa trương cường điệu, nhưng cũng không tẻ nhạt, nhập vai trung thực vào nhân vật. Hình ảnh chị Vân mặc bộ đồ bà ba đen, ánh mắt bình thản giơ mười ngón tay bị đốt cháy trong Nổi gió đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem trong nước và quốc tế, như một bản anh hùng ca của phụ nữ Việt Nam, của “đội quân tóc dài”.
Theo bà, để thành công trong vai diễn, người diễn viên phải xem niềm vui, nỗi đau của nhân vật là niềm vui, nỗi đau của chính bản thân mình và không được khóc giả thì mới lột tả hết tâm trạng và cái thần sắc của vai diễn. Bởi thế mà bà thường được các đạo diễn giao vào vai thể hiện nỗi đau của bà mẹ mất con, mất chồng trong chiến tranh và đã được bà diễn tả sâu sắc.
“Đầu tiên nhận kịch bản về xem, rồi gạch đánh dấu tất cả những đoạn có sự xuất hiện của mình. Sau đó tự diễn đi diễn lại ở nhà một mình cho thuần thục, đặc biệt là phải nhớ lời thoại, chứ không nên đợi tới phim trường rồi nhờ đạo diễn hay bạn diễn nhắc lời”, bà chia sẻ kinh nghiệm nghề diễn của mình.
Ngoài là một diễn viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, bà còn tham gia điện ảnh trong vai trò một đạo diễn và giờ đây chị sáng tác thơ và đã xuất bản tập thơ Từng giọt ngọt đời.