(SGTTO) - Nghệ nhân gốm đất nung lâu đời nhất ở làng gốm Thanh Hà (thành phố Hội An, Quảng Nam) là cụ bà Nguyễn Thị Được, người được coi là “huyền thoại làng gốm cổ”, nhưng bây giờ bà đã về với đất.
Những ngày qua, người làng gốm buồn da diết. Cái tin cụ bà Nguyễn Thị Được qua đời hồi cuối tháng 5 như một nỗi buồn phủ xuống làng gốm bên sông Hoài này. Bà đã được coi là một huyền thoại của làng, người hơn 80 năm lặn lội với đất với nghề.
"Bà tiên" làng gốm
Ở làng gốm lâu năm này, người dân sản xuất mọi sản phẩm từ đất nung như niêu cơm, đèn, bình hoa, cho đến ống heo tiết kiệm, tò he... Nghệ nhân gốm đất nung lâu đời nhất ở Thanh Hà là cụ bà Nguyễn Thị Được. Những ngày còn sống, dù đã 95 tuổi bà vẫn trình diễn nặn đất thành hình các sản phẩm cho mọi người.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Được
-Gắn bó với gốm ngót nghét 80 năm.
-13 tuổi: lần đầu tiên tay chạm vào bàn xoay, nguệch ngoạc với gốm. Bà trở thành người thợ làm gốm trẻ nhất làng.
-Gia đình có đến 5 đời làm gốm.
95 tuổi, gần như cả một đời bà dành tình yêu say sưa và gắn với nghiệp gốm, với mẻ đất nâu lửa hồng. Bà luôn bám nghề dù có lúc làng gốm rơi vào tình cảnh khó khăn. “Bây giờ tôi đã bình yên lắm và tự tin. Làng nghề đã sống. Vẫn có lớp lớp cháu con nối nghiệp giữ gìn và phát huy cơ nghiệp ông cha. Nó không có gì to lớn nhưng là cái truyền đời! Đất mà, con nít người lớn ai chẳng muốn vọc. Tôi nghe đất nói chuyện, học từ đất nhiều điều. Thiên nhiên đã nuôi sống chúng ta. Nặn đất thành sản phẩm không chỉ là cách mưu sinh, còn là một cái gì đó rất lạ, một cách sống, có lẽ!”, bất giác chúng tôi lại nhớ lời của bà cụ hồn nhiên, một triết lý nghe đơn giản cứ như việc bà ăn trầu.
Bà từng trả lời nhiều người như thế khi nói về lớp hậu sinh của nghề, nơi mà bà gửi gắm hết những tin yêu cho hồn đất hồn người của làng này. Tài hoa và một đời yêu gốm, bà đã không ngại mang hết những bí quyết truyền dạy cho những người trong làng, chỉ với mong ước là nghề gốm cổ của làng không bị thất truyền. Và ở làng gốm Thanh Hà này, đa phần thợ gốm hiện nay là học trò của bà, và với mọi người, họ đều đã nghĩ rằng bà chính là ngọn lữa giữ làng, người khơi lửa dậy từ tro than âm ỉ.
Những người nối nghiệp
Cháu nội bà Được là chị Nguyễn Thị Vân (42 tuổi), hay cháu dâu Phạm Thị Thúy (33 tuổi) nhờ tình yêu với gốm cổ, tình yêu với đất làng mà dưới bàn tay tài hoa của bà hướng dẫn, các chị đã trở thành hai thợ gốm trẻ nhất làng. Nói về người bà, chị Vân rưng rưng nhớ: “Lớn tuổi, bà cụ vẫn mềm tay chuốt gốm, đôi mắt nhạy với đất, và niềm yêu với gốm cũ một thời của đất và người chốn này. Rứa ai không thương cho đặng!”.
Có người gọi nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà là “những người đi tìm hồn của đất”. Nghề gốm lắm nhọc nhằn thế nhưng tình yêu bà dành cho gốm mấy chục năm nay không thay đổi. Hơn 80 năm làm nghề gốm, chưa một ngày lò nung của bà tắt lửa.
Ngày nào cũng thế, dù có lúc bận bịu, hay đau ốm nhưng lò nung của bà Được vẫn luôn đỏ rực. Ngày khánh thành công viên văn hóa đất nung cách đây 5 năm, bà Được là người vinh dự chuốc cái bùng binh đầu tiên, mang lại sự may mắn cho nơi này. Họa sĩ Bạch Hoàng Anh đã vẽ chân dung bà mà tạo cho người nhìn cảm giác như gặp bà tiên vậy. Còn nghệ sĩ Nguyễn Sang và Kim Thanh làm tượng bà trong vườn tượng công viên, đẹp đến nỗi người làng gốm nhìn mà như gặp lại người bà của mình.
Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Được nằm ven dòng Thu Bồn thơ mộng ở đoạn hạ lưu, ngay cổng ra vào của làng gốm có tuổi đời ngót ngét gần 500 tuổi. Bà đã không còn ngồi đó bên chiếc bàn xoay, đôi tay luôn thoăn thoắt chuốt gốm, mỗi ngày. Người làng luôn nhớ, và đất làng vẫn luôn nhớ…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Xê, Trưởng ban quản lý làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà, chia sẻ: “Với tài hoa của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Được được mời tham gia nhiều chương trình ngày hội gốm trên cả nước. Đi đến đâu bà cũng tranh thủ giới thiệu về làng gốm Thanh Hà. Dần dần, tiếng của làng gốm được nhiều người biết đến, làng gốm Thanh Hà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể thiếu sau mỗi hành trình khách đến thăm quan tại phố cổ Hội An”.
Tiêu Dao