Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Cân nhắc đi Singapore tiêm vắc xin

BAN CAO -

Trước tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng đưa con sang Singapore tiêm chủng, dù rằng Bộ Y tế tiếp tục khẳng định sự an toàn của vắc xin Quinvaxem và khuyến khích người dân tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng. Đón nhu cầu này, gần đây đang nổi lên dịch vụ “tour tiêm chủng Singapore”.

Cơn sốt “tour tiêm chủng” 7 Trẻ chích ngừa vắc xin Quinvaxem tại một trung tâm y tế quận. Ảnh: Hoàng Nhung

Theo tìm hiểu của Sài Gòn Tiếp Thị, “tour tiêm chủng Singapore” do một gia đình người Việt sinh sống ở Singapore thiết kế. Được biết, “tour tiêm chủng” này hiện có giá khoảng 1.000 đô la Singapore (tương đương khoảng hơn 16 triệu đồng) cho bốn ngày ba đêm tại Singapore, bao gồm tất cả các chi phí đi lại, nhà ở, tư vấn phiên dịch, phí khám và một mũi tiêm.

Chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, chị Linh, người thiết kế dịch vụ này, cho biết do khan hiếm vắc xin dịch vụ trong khi nhu cầu của nhiều gia đình rất cần đảm bảo lịch tiêm chủng để yên tâm về sức khỏe của con mình nên chị đã tự lên kế hoạch tour ra nước ngoài tiêm chủng trọn gói. “Toàn bộ dịch vụ từ phiên dịch, ăn ở đến đi lại tôi đều lo hết, không liên kết với công ty nào cả”, chị Linh nói thêm.

Theo dõi trên mạng xã hội, “tour tiêm chủng Singapore” thu hút hàng trăm lượt chia sẻ và quan tâm của các ông bố bà mẹ. Chị Linh cho biết, từ khi chào bán dịch vụ, mỗi ngày có rất nhiều cuộc gọi đến nhờ tư vấn và đặt lịch sang Singapore tiêm chủng. Nhiều bà mẹ đã hỏi giá và sau đó sắp lịch trình bay. “Bé nhà tôi đã tiêm mũi 5 trong 1 rồi. Tiếp đến là sởi, rubella... nhưng vì hai tháng rồi cháu ốm nên lỡ lịch. Mà tình hình này tôi lo quá, muốn đưa con đi Singapore xem sao”, một bà mẹ nói.

Nhiều bà mẹ khác đã chia sẻ chi tiết về cách đặt lịch hẹn với bác sĩ, đặt phòng, đặt vé máy bay, phiên dịch... Theo chị Ngọc Anh, người từng đưa con đi tiêm ngừa ở Singapore, giá cho một mũi tiêm khoảng 3-5 triệu đồng, bao gồm cả thuế và phí tư vấn. “Nhiều bà mẹ rất hoang mang không biết có nên tiêm vắc xin Quinvaxem nữa hay không, chờ vắc xin dịch vụ thì không biết đến bao giờ. Vậy nên những gia đình có điều kiện họ sẵn sàng chi một số tiền không nhỏ để tự bảo vệ sức khỏe cho con cái họ”, chị Ngọc Anh cho biết.

Gọi điện đến văn phòng đại diện của một bệnh viện tư có tiếng của Singapore tại TPHCM, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị được cho biết rằng từ khoảng nửa tháng nay mỗi ngày bệnh viện này nhận được khoảng 20 cuộc gọi đặt lịch tiêm chủng bên Singapore. “Nếu ở trong nước có đủ vắc xin dịch vụ thì có lẽ đã không có nhiều nhu cầu đi Singapore như thế này”, vị đại diện văn phòng bệnh viện cho biết.

Theo ghi nhận, hầu hết những gia đình đưa con đi tiêm chủng ở nước ngoài đều là những gia đình có điều kiện tài chính tốt và đang sống tại các thành phố lớn. Những gia đình không có điều kiện vẫn tiếp tục cho con tiêm vắc xin Quinvaxem. “Làm gì có tiền đi Singapore, vắc xin này đã được kiểm định và sử dụng nhiều năm nay, dù có hơi lo lắng nhưng tôi vẫn đưa con đi tiêm, nếu không tiêm thì có khi còn mắc nhiều bệnh hơn”, chị Lan Anh, nhà ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai, nói.

Cần thận trọng

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề này, PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng cần có nhiều lưu ý khi đưa trẻ sang Singapore tiêm chủng, bởi do có sự khác biệt cả về loại vắc xin lẫn lịch tiêm phối hợp so với tại Việt Nam.

Đối với các nước có mô hình bệnh viêm gan lây ở người lớn thì lịch tiêm chủng là 0, 1, 6 (ngay sau sinh và sau 1 tháng, 6 tháng), khác với Việt Nam là lây ngay sau sinh, do đó lịch tiêm này là 0, 2, 3, 4 để tạo miễn dịch ngay nhằm đề phòng mắc bệnh.

“Nếu các bác sĩ tư vấn không lưu ý hay không nắm rõ yêu cầu này có thể bỏ sót các vắc xin trẻ cần được tiêm theo khuyến cáo tại Việt Nam”, ông Lân nói.

Hơn nữa, ở Singapore, lịch tiêm vắc xin 6 trong 1 bắt đầu lúc trẻ được 1 hoặc 5 tháng tuổi. Với độ tuổi này, việc đi lại nhiều, qua lại sân bay, nơi đông người; hay việc mỗi khi chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh, áp lực trong khoang hành khách sẽ thay đổi, tương tự như người lớn, trẻ cũng bị đau ù tai, khóc nhiều, không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Cũng theo PGS.TS. Phan Trọng Lân, vào mùa này, cùng với sự thay đổi thời tiết thì các bệnh đường hô hấp như cúm, sởi cũng rất dễ lây lan ở nơi đông người. Chưa kể là tiêm vắc xin bại liệt dạng tiêm thì việc thay đổi theo khuyến cáo cũng cần theo dõi để khi về Việt Nam, tiếp tục các mũi nhắc lại phù hợp.

Vắc xin có thành phần ho gà vô bào (được sử dụng ở Singapore) có miễn dịch bảo vệ ngắn hơn so với vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào như vắc xin Quinvaxem, do đó, phải tiêm nhiều mũi hơn. Ngoài ba mũi cơ bản, phải tiêm nhắc lại lúc 18 tháng, 4-6 tuổi, 11 tuổi, tùy theo tình hình dịch tễ, và tiêm cả cho bà mẹ mang thai.

“Dù tiêm vắc xin loại nào, cũng có tỷ lệ nhất định xảy ra các phản ứng sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi vài ngày sau tiêm và lưu ý tranh chấp pháp lý khi có sự cố”, ông Lân khuyến cáo.

Mới đây, ông Kohei Toda, chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sử dụng vắc xin Quinvaxem, đã trả lời chính thức báo chí về chất lượng của loại vắc xin này. Theo đó, vắc xin Quinvaxem đã được tiền thẩm định bởi WHO, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Việt Nam là 4,5/1.000.000 liều, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ cho phép của WHO là 20/1.000.000 liều.

Vắc xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào, đã sử dụng gần 10 năm, với 449 triệu liều được tiêm cho trẻ em tại 94 nước trên thế giới. Ngoài Quinvaxem, các vắc xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng được sử dụng rộng rãi tại 131 nước.

Các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Việt Nam chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác. Không có vắc xin nào là an toàn tuyệt đối 100%.

“Vắc xin toàn tế bào này dù có tỷ lệ các phản ứng tại chỗ (sưng, đỏ, đau) hay toàn thân (sốt) cao hơn vắc xin vô bào, nhưng liệu các nguy cơ này có so sánh được với các nguy cơ trên không? Các ông bố bà mẹ cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định”, PGS.TS. Phan Trọng Lân của Viện Pasteur TPHCM bổ sung thêm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Phòng ngừa lão thị sớm bằng các bài tập thể dục...

0
(SGTT) - Khi nhắc đến các bệnh lý về mắt do lão hóa, lão thị và đục thủy tinh thể thường xuất hiện nhiều nhất...

Hiểu về thuốc giảm cân trước khi sử dụng

0
(SGTT) - Giảm cân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người, và thuốc giảm cân đã trở thành lựa chọn hấp...

10 thực phẩm trong tủ lạnh nên tránh để bảo vệ...

0
(SGTT) - Tủ lạnh thường được coi là nơi lưu trữ thực phẩm nhưng không phải tất cả thực phẩm được bảo quản trong...

Cân nặng lý tưởng không chỉ được đánh giá bằng chỉ...

0
(SGTT) - Cân nặng lý tưởng không chỉ là con số trên thang đo mà nó còn phản ánh sức khỏe tổng thể của...

Sở Y tế TPHCM: người dân cảnh giác với dịch vụ...

0
(SGTT) - Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân nên cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo có nội dung về thay...

Rủi ro và cách phòng tránh các vấn đề về mắt...

0
(SGTT) - Sử dụng kính áp tròng mang lại nhiều tiện ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe mắt nếu...

Kết nối