Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024

Bàn cách đưa hàng Việt vào chợ

Đầu những năm 1990, hàng hóa Việt Nam tràn ngập các chợ truyền thống, chợ dân sinh, thậm chí có tiểu thương còn xuất khối lượng lớn sang Trung Quốc. Nhưng đến nay, hàng hóa của Trung Quốc lại quay ngược và chiếm lĩnh ở các chợ trong nước. Vì sao hàng Việt Nam lại thất thế ngay trên sân nhà? Làm thế nào để có thể lấy lại vị trí của mình?

Bỏ quên tiểu thương

Những câu hỏi trên được đặt ra và thảo luận tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam và các tiểu thương tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội, diễn ra hôm qua, 19-8.

Bà Nguyễn Thị Dung, tổ trưởng ngành giày dép trong chợ Đồng Xuân, cho biết nhiều tiểu thương ở chợ muốn bán hàng Việt Nam, bởi đây là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài, những người muốn mua hàng Việt Nam để làm quà cho người thân. Thế nhưng, các tiểu thương vẫn phải bán hàng Trung Quốc.

Tiểu thương và doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại diễn ra ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội hôm 19-8.
Tiểu thương và doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại diễn ra ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội hôm 19-8.

Các doanh nghiệp sản xuất giày trong nước vẫn chưa có phương thức tiếp thị phù hợp. “Chúng tôi là tiểu thương nhỏ lẻ với diện tích gian hàng chỉ 2-3 m2, nhưng họ yêu cầu mỗi lần nhập hàng phải 200-300 đôi. Chúng tôi lấy đâu ra chỗ để bày”, bà Dung nói. Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp thị tốt hơn, từ giám đốc đến nhân viên tới chợ khảo sát về nhu cầu, mẫu mã, số lượng đơn hàng. Họ còn có cả một kho hàng gần chợ để khi các tiểu thương cần thì họ có thể cung ứng luôn, thậm chí là vài đôi mỗi lần nhập hàng.

“Các doanh nghiệp trong nước chỉ chú ý tới các đơn hàng lớn, đơn hàng xuất khẩu mà bỏ quên các tiểu thương như chúng tôi. Nhưng nếu biết cách tiếp thị, nhiều tiểu thương như chúng tôi gộp lại sẽ là một kênh phân phối hữu hiệu cho doanh nghiệp”, bà Dung nói.

Ông Nguyễn Văn Phan, tổ trưởng ngành quần áo tại khu chợ này, cũng cùng quan điểm, cho rằng hàng Việt Nam đã vào được chợ Đồng Xuân nhưng chưa nhiều. Nếu các doanh nghiệp không nhanh chân thì khi Cộng đồng K inh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, lúc đó thị trường Việt Nam sẽ biến thành nơi tiêu thụ hàng hóa của nước ngoài.

“Chúng tôi có 2.300 hộ kinh doanh, luôn nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước, mỗi năm khoảng 60 tỉ đồng. Chúng tôi yêu nước và cam kết bán hàng Việt Nam, nhưng liệu doanh nghiệp có hợp tác với chúng tôi không?”, ông Phan đặt câu hỏi.

Người tiểu thương này cũng gợi ý, các doanh nghiệp muốn bán hàng tại chợ phải nắm được tâm lý của người tiêu dùng, có nguồn hàng rẻ, chất lượng tốt. Đồng thời, doanh nghiệp nên thực hiện tiếp thị sản phẩm, liên hệ với tiểu thương và mang hàng tới trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các quầy. Khi hai bên đã làm ăn tốt với nhau thì nên có biên bản ghi nhớ để tiểu thương được là đại lý của doanh nghiệp, được hưởng cơ chế thuận lợi nhất mà doanh nghiệp dành cho đại lý.

Các tiểu thương tại chợ đều thống nhất rằng, để đẩy mạnh hàng trong nước vào chợ, Bộ Công Thương cần kiên quyết chống lại hàng giả, hàng kém chất lượng. “Nếu không chống hàng giả tận gốc từ cơ sở sản xuất mà chỉ phạt người bán như chúng tôi thì chúng tôi thiệt đơn thiệt kép. Vừa bị mất tiền phạt, vừa mất khách do bán hàng kém chất lượng”, một tiểu thương bán đồ hoa quả khô nói.

Bắt tay làm ăn

Mỗi ngày có đến 10-20 tấn hàng hóa ra vào chợ Đồng Xuân (Hà Nội) với doanh thu ước tính trên 500 triệu đồng. Ảnh: Thùy Dung
Mỗi ngày có đến 10-20 tấn hàng hóa ra vào chợ Đồng Xuân (Hà Nội) với doanh thu ước tính trên 500 triệu đồng. Ảnh: Thùy Dung

Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên, cho biết Phú Yên có 500 cơ sở sản xuất giày da, hàng năm cung ứng khoảng 6 triệu đôi giày dép các loại ra thị trường. Hàng da giày ở đây có thể đánh bật được hàng hóa Trung Quốc về chất lượng và giá cả sản phẩm.

“Chúng tôi có thể đáp ứng đơn hàng 5-10 đôi giày như yêu cầu của tiểu thương”, ông Đức nói. Nhưng cái khó ở đây là đa số các cơ sở nhỏ lẻ, không có hóa đơn giá trị gia tăng, không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa như các doanh nghiệp lớn, nên sản phẩm sản xuất ra cũng khó vào chợ truyền thống.

Hiện nay, giày dép của Phú Yên chủ yếu phân phối đi các tỉnh trong cả nước hoặc gia công xuất khẩu cho các công ty nước ngoài, chỉ 10% sản lượng vào các chợ truyền thống như Đồng Xuân. Hơn nữa, vì đặc thù của các chợ có gian hàng sát nhau, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhiều mẫu mã vừa tung ra thị trường đã bị lấy cắp ý tưởng. “Chính vì vậy, nhiều cơ sở không muốn đưa vào chợ truyền thống”, ông Đức nói, và kiến nghị Bộ Công Thương cần có cơ chế riêng với các cơ sở làng nghề để hàng hóa dễ vận chuyển và lưu thông trên thị trường.

Vị đại diện Hội Da giày Phú Yên đề xuất giải pháp, rằng mỗi tiểu thương có thể làm đại lý chính thức cho một cơ sở sản xuất để cơ sở đó sẽ dồn toàn tâm toàn sức thiết kế và cung ứng sản phẩm cho tiểu thương. Làm như vậy, số lượng sản phẩm sẽ nhiều hơn, liên kết sẽ chặt chẽ hơn, mỗi cơ sở sẽ có một đại lý và mỗi đại lý lại có một cơ sở sản xuất riêng. Điều này sẽ tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm.

Có mặt tại hội nghị, đại diện của Công ty Unilever Việt Nam cho biết công ty đã có được kênh phân phối sản phẩm hóa mỹ phẩm vào chợ Đồng Xuân, nhưng hàng giả, hàng kém chất lượng đang là một thách thức đối với doanh nghiệp. Vị đại diện này cũng đề nghị Bộ Công Thương vào cuộc quyết liệt để đánh bật hàng giả ra khỏi chợ truyền thống.

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân, cho biết chợ Đồng Xuân là kênh phân phối hàng hóa đi các vùng miền. Mỗi ngày có đến 10-20 tấn hàng hóa ra vào chợ với doanh thu ước tính trên 500 triệu đồng. Vì vậy, chợ truyền thống, dân sinh như Đồng Xuân là một kênh phân phối tiềm năng cho hàng Việt Nam.

Song, khó khăn nhất ở đây là bà con tiểu thương khó tìm được nguồn hàng đầu vào từ doanh nghiệp. Trong khi, doanh nghiệp và tiểu thương vẫn chưa đặt niềm tin vào nhau hoặc tiếp cận hàng hóa thông qua đầu mối trung gian nên giá cao. Ông Thủy đề xuất nên thành lập sàn giao dịch ngay tại chợ để doanh nghiệp và tiểu thương trao đổi, kết nối bán hàng.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho biết vụ sẽ báo cáo với Bộ Công Thương và Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ.

Thùy Dung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Mỹ phẩm Việt trên hành trình khai thác tài nguyên bản...

0
Nhìn lại hành trình gầy dựng tên tuổi từ 5-10 năm trước, các doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa Việt Nam tự tin với...

Hàng Việt chiếm ưu thế trong giỏ quà tết 2023

0
(SGTT) - Nhiều doanh nghiệp sản xuất giỏ quà Tết năm nay ưu tiên dùng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Theo...

Kể về trải nghiệm dùng hàng Việt Nam để giành 20...

1
(SGTT0)- Người tiêu dùng cả nước có thể chia sẻ câu chuyện về tình cảm, kỷ niệm đẹp của bản thân hay gia đình...

Lợi thế đang nghiêng về “đội chủ nhà”

0
Kết quả khảo sát về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được công bố cho thấy hầu...

Hàng Việt, mưa dầm thấm sâu

0
Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng về nông thôn thông qua các hội chợ để tìm thêm khách hàng, mở rộng...

Nói suông khó thuyết phục người tiêu dùng

0
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong những năm qua đã có sự lan tỏa trong đời sống...

Kết nối