(SGTTO) - Mũi Kê Gà thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận nổi tiếng với hải đăng Kê Gà xưa nhất Việt Nam, chỉ cách TPHCM 200km nên sẽ là địa điểm lý tưởng để cắm trại 2 ngày cuối tuần.
Cách thành phố Phan Thiết 30km, hải đăng Kê Gà nằm trên một hòn đảo nhỏ, gọi là Hòn Bà, chỉ cách bờ chưa tới 10 phút đi ca nô. Sáng thứ Bảy bạn cứ thong thả đi từ Sài Gòn bằng xe máy. Đến chiều mới có thể qua đảo nên chúng ta cứ từ từ mà đi. Quãng đường 200km nếu bạn đi nhanh thì 3-4 tiếng nhưng nhóm chúng tôi vừa đi vừa ngắm cảnh nên đi 6-7 tiếng cũng không sao.
Men theo đường ven biển
Từ Sài Gòn chúng tôi đi theo hướng qua phà Cát Lái, quận 2, rồi vòng vèo qua mấy rừng cao su mát mẻ, tới quốc lộ 51 thì rẽ vào Bà Rịa. Từ đây, bạn cứ men theo đường biển mà đi.
Con đường ven biển nhiều cảnh đẹp nên lâu lâu chúng tôi dừng lại chụp hình. Dọc đường đi là nhiều quán nước có mắc võng, mệt thì vào nghỉ uống nước mát và ăn trưa. Chừng 14g, chúng tôi đến thị trấn La Gi, cùng nhau đi lòng vòng cho biết khung cảnh và nếp sinh hoạt của người dân thị trấn.
Sau đó chúng tôi lang thang làng chài, cảng cá ven biển, ngắm quang cảnh đặc trưng của xứ biển. Rồi từ thị trấn La Gi cả nhóm thẳng tiến Kê Gà. Nếu bạn tra Google maps mà có hướng dẫn đường đi qua cầu treo thì cứ đi vì đây là con đường độc đạo rất thú vị.
Lúc 16:00, chúng tôi đến Kê Gà. Người dân địa phương có dịch vụ ca nô ra đảo với giá 50.000 đồng một vé khứ hồi. Họ có cho thuê lều với giá 100.000 đồng/lều đôi nên bạn không cần đem theo. Qua đến đảo, một số cán bộ hải đăng sẽ thu phí dịch vụ ở lại qua đêm là 50.000 đồng/người. Bạn có thể tắm và đi vệ sinh ở khu vực công cộng.
Một điều khiến chuyến đi thêm thoải mái là chúng tôi muốn dựng lều ở đâu trên đảo cũng được, có thể sát biển hoặc dưới chân hải đăng, bãi cỏ… Riêng chuyện tắm biển, bạn nên tắm ở bến ca nô do khuyến cáo an toàn, không nên tắm xa bờ.
Chúng tôi dựng lều xong cũng là lúc nắng bắt đầu tắt, mỗi người chọn một mỏm đá nhẵn và đắm mình trong ánh hoàng hôn giữa biển khơi. Cảm giác thật lạ lẫm khi ngắm bầu trời nhuộm vàng, rồi dần dần chuyển sang màu đỏ và từ từ tối sầm. Gió lồng lộng như muốn cuốn tung người ta lên với đám mây vần vũ trên kia.
Đi đảo, bạn nhớ đem theo đồ ăn, nước uống đầy đủ vì trên đảo không có hàng quán. Nếu đi theo nhóm, bạn có thể đốt lửa trại, nướng thịt hoặc các loại khoai củ... Bạn sẽ có một đêm đáng nhớ trên đảo Con Gà đấy!
Bình minh bên bãi đá thời gian
Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm đón bình minh trên đảo. Dù đã ngắm bình minh nhiều nơi nhưng với tôi ánh mặt trời ban mai nơi này đẹp một cách đặc biệt. Trên đảo có những bãi đá có màu sắc và hình dáng lạ lùng nhô ra biển để du khách chụp hình "sống ảo", bãi biển trong xanh và cực kỳ sạch sẽ, tha hồ cho bạn vẫy vùng thỏa thích.
Một điều bạn đừng quên khi ở đảo là nên leo lên ngọn hải đăng ngắm toàn cảnh vùng biển Nam Trung bộ xung quanh. Đây là ngọn hải đăng cao nhất Việt Nam với ngọn tháp hình bát giác được người Pháp xây bằng đá cao 35m, hoàn thiện năm 1899. Tính luôn phần chân đế, ngọn hải đăng này cao 65m.
Phần tường của tháp hải đăng Kê Gà làm bằng đá hoa cương dày chồng khít lên nhau từng khối hình chữ nhật. Phía bên trong ngọn tháp là bậc thang hình xoắn ốc bằng thép với 183 bậc. Phía trên ngọn tháp là bóng đèn 2.000W, quét sáng đến 22 hải lý (khoảng 40km). Leo đến nơi, bạn sẽ được "đền bù" bằng cảnh biển xanh thẫm trải dài phía dưới.
Nếu đi theo nhóm, bạn chỉ mất khoảng 500.000-600.000 đồng/người cho toàn bộ chi phí. Chuyến thăm hải đăng Kê Gà tuy chưa đầy 2 ngày nhưng quả là một chuyến đi đáng nhớ, thư thái và bình yên.
Chu Tuấn