THÁI NGỌC-MẠNH TÙNG -
LTS: Mô hình bán hàng đa cấp được pháp luật công nhận và đã có các nghị định, thông tư hướng dẫn để hoạt động kinh doanh này phù hợp pháp luật. Song, trong thực tế có những doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã sử dụng những chiêu trò thu hút nhiều người tham gia vào mạng lưới của mình mà nếu đối chiếu với những gì pháp luật quy định thì các hành vi này bị cấm.
Các bài viết trong chuyên đề dưới đây chỉ nhằm nói đến một số công ty bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng có các hành vi pháp luật nghiêm cấm, cũng như phản ánh những rủi ro mà người có ý định tham gia mạng lưới cần lường trước.
Muốn nhiều tiền, cứ mua hàng, giới thiệu người...
Có một số “từ khóa” mà hầu như người bán hàng đa cấp nào cũng gắn sẵn trên môi khi thuyết phục người khác tham gia vào hệ thống bán hàng của mình. Đó là công việc nhẹ nhàng, người tham gia chủ động thời gian, và nhất là thu nhập sẽ rất cao, thậm chí có người còn nói chỉ cần làm vài năm thu nhập có thể sống cả đời!
Người đang có việc làm, nhân viên văn phòng xem bán hàng đa cấp như một nghề tay trái nhằm kiếm thêm thu nhập. Sinh viên tham gia với mong muốn kiếm tiền trang trải học phí. Công nhân xí nghiệp cũng khó cưỡng lại sự hứa hẹn đầy hấp dẫn của thu nhập trước đồng lương tháng ba cọc ba đồng không đủ sống của mình… Những buổi hội thảo tại khách sạn, những nhân viên bán hàng quần áo chỉn chu cộng với khả năng thuyết trình lưu loát có thể làm xiêu lòng những người đang khát khao một công việc có thu nhập cao mà không cần bằng cấp chuyên môn.
Ở những dạng biến tướng của mô hình bán hàng đa cấp, cách phổ biến nhất mà các công ty bán hàng đa cấp loại này áp dụng là người muốn tham gia phải bỏ ra một số tiền ban đầu để mua hàng, sau đó sẽ được cấp một mã số. Mã số này dùng để nhận hoa hồng giới thiệu người mua hàng, thành viên tham gia. Càng giới thiệu được nhiều thành viên tham gia, qua đó càng nhiều người mua hàng, thì hoa hồng được hưởng càng nhiều; cấp quản lý càng cao, số tiền nhận được càng lớn. Đó là lý do tại sao nhiều người do không rủ được người mới tham gia đã chấp nhận bỏ tiền túi ra mua hàng để được lên cấp cao quản lý, rồi hưởng hoa hồng trên chính số tiền của mình!
Các hành vi vừa nêu trên này là bị cấm. Bởi theo quy định của pháp luật, không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới; nghiêm cấm cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
Hầu như phần nhiều các sản phẩm bán theo phương thức đa cấp là thực phẩm chức năng giúp tăng giảm cân, tăng “vòng một”, hỗ trợ sinh lý, bổ dưỡng sức khỏe, hỗ trợ trị bệnh, một số mỹ phẩm... Đây là những sản phẩm khó kiểm chứng về tính hiệu quả và chất lượng. Nói là hỗ trợ điều trị bệnh nhưng nhiều thực phẩm chức năng được các công ty bán hàng đa cấp này “thổi” lên thành thuốc có thể trị hết bệnh mãn tính và nan y, mỗi khi họ tổ chức những hội thảo nhằm thu hút người tham gia mạng lưới bán hàng. Việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa để “dụ dỗ” người khác tham gia bán hàng đa cấp như vừa nêu cũng là một hành vi mà pháp luật nghiêm cấm.
Một người trong ngành cho biết, thông thường những sản phẩm bán theo phương thức đa cấp sẽ không bán trên thị trường qua kênh truyền thống như chợ và siêu thị, do vậy người mua khó có thể so sánh giá cả, có chăng là những sản phẩm tương đương. “Nếu bán theo cả hai kênh thì hàng đa cấp sẽ không có đường sống vì giá bán cao hơn”, người này nói. Ông dẫn chứng, một lọ rong biển bán ở chợ hay siêu thị có giá chỉ 100.000 đồng, nhưng qua tay các công ty bán hàng đa cấp bất chính thì giá được nâng lên 5-6 lần. Cụ thể, một lọ thuốc giảm cân lishou phục linh, 40 viên, bán theo cách truyền thống chỉ khoảng 400.000 đồng, nhưng các công ty bán hàng đa cấp này nâng lên đến 2 triệu đồng.
Ở một công ty bán hàng đa cấp tại TPHCM, người muốn tham gia vào hệ thống phải mua ba mã số, mỗi mã số có giá gần 2 triệu đồng. Người đi trước cứ rủ được một người mới tham gia sẽ được công ty “thưởng nóng” 2 triệu đồng. Càng rủ được nhiều người tham gia, số tiền thưởng càng cao. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật là cấm duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.
[box] Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, hiện cả nước có 48 công ty kinh doanh theo hình thức đa cấp. Ngoài con số đó, theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, trên thị trường còn có khoảng 30 công ty “núp bóng” mô hình kinh doanh đa cấp. Hiệp hội này cho biết tổng doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp được công nhận vào khoảng 6.000 tỉ đồng trong năm 2014. Trong số đó, tiền hoa hồng chi trả cho các nhà phân phối khoảng 1.014 tỉ đồng. [/box]
Dễ vào, khó ra
Những gì diễn ra trên thực tế cho thấy, với mô hình bán hàng đa cấp, người tham gia thường tìm đến những người gần mình nhất, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp để rủ họ vào hệ thống của mình. Và một khi đã tham gia, không phải ai cũng có thể “rút êm” được.
Chị Trang, hiện đang bán thuốc tây gần ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình, TPHCM, cho biết cách đây hai năm chị cũng bị cuốn vào hình thức bán hàng đa cấp. Chị kể, trong một lần chờ xe buýt đến trường ở quận 9, chị được một người phụ nữ tên Hà, trạc tuổi 40, đến làm quen và xin số điện thoại. Ngày hôm sau, người phụ nữ này gọi điện, nói muốn chia sẻ cơ hội kinh doanh.
Tại buổi gặp mặt, người phụ nữ tên Hà nói trên giới thiệu mình là giáo viên mầm non, đang bán thực phẩm chức năng, mỹ thẩm, điện gia dụng… Mặc dù không thích loại hình kinh doanh nhưng với tính tò mò muốn thử cho biết, chị Trang đã nhận lời tham dự buổi hội thảo do Công ty T. tổ chức. Một số người lên thuyết trình về cách kiếm tiền dễ dàng với bếp từ, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo nano… Những người này cũng không quên nói với những người dự hội thảo rằng đừng bỏ qua cơ hội có thu nhập cao.
[box] Nhận diện hành vi bị cấm
Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp được quản lý theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14-5-2014, đi kèm với nó là Thông tư 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 30-7-2014. Theo đó, doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp. Sau khi ký hợp đồng, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo cho người tham gia bán hàng đa cấp theo chương trình đào tạo được Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương xác nhận. Trong thời hạn 15 ngày kết thúc khóa đào tạo phải cấp chứng chỉ cho người được đào tạo và doanh nghiệp phải cấp thẻ thành viên cho người tham gia vào hệ thống.
Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TPHCM), trên thực tế nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp không thực hiện đúng quy định. Các đối tượng tham gia bán hàng đa cấp chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ một cách bài bản nên hoạt động theo kiểu tự phát, sử dụng các mối quan hệ bạn bè, người thân để bán hàng, lôi kéo tham gia. Luật sư Thảo cho biết, theo quy định, người bán hàng đa cấp phải xuất trình thẻ thành viên trước khi giới thiệu hàng hóa hoặc tiếp thị bán hàng. Họ phải cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, về hàng hóa kinh doanh theo phương thức này khi bảo trợ cho một người khác tham gia vào mạng lưới. Họ phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác về hàng hóa được chào bán, phải tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động cũng như chương trình trả thưởng của doanh nghiệp. Trong trường hợp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc người tham gia bán hàng đa cấp khác, họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Tháng 5-2014, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm bán hàng đa cấp, trong đó các chuyên gia đã đưa ra tám cách để nhận biết những hành vi bị cấm trong phương thức bán hàng đa cấp:
- Đơn vị, người tuyển dụng yêu cầu người mới tham gia phải đặt cọc, mua lượng hàng hóa ban đầu, hoặc trả tiền để tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp.
- Không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không cam kết mua lại với giá tối thiểu 90% mức đã bán.
- Cho hưởng lợi ích kinh tế chủ yếu từ việc kéo, dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới.
- Thông tin sai lệch về lợi ích tham gia mạng lưới và hàng hóa để dụ dỗ người khác bán hàng đa cấp.
- Lợi nhuận không phát sinh từ việc bán hàng mà chủ yếu từ việc tuyển dụng người tham gia.
- Khuyến khích, dạy người khác tuyển người bằng việc hứa trả tiền thưởng, có trả tiền thưởng.
- Không quan tâm tới hàng hóa, hàng hóa chỉ để tượng trưng, không có giá trị sử dụng và khó tìm thấy để so sánh trên thị trường.
- Buộc và hối thúc người tham gia mua hàng mặc dù biết không bán được, không thể bán ra được để thu hồi vốn. [/box]
Nhìn những người quản lý cấp cao, ăn mặc lịch lãm, dùng điện thoại đắt tiền và luôn thể hiện sự bận rộn với khách hàng, chị Trang như bị thuyết phục khi nghe mức thu nhập của những người này lên đến trăm triệu đồng/tháng. Nhiều người trong số họ giới thiệu từng hoặc đang làm ở lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, nắm giữ các vị trí quản lý trong các công ty. Nghe xuôi tai, chị Trang đồng ý tham gia thông qua việc bỏ ra 7,5 triệu đồng mua cái máy rửa trái cây. Sau đó, chị còn vay mượn tiền của người thân để mua mỹ phẩm của công ty.
Thế là, ngoài giờ đến lớp, chị Trang dành thời gian còn lại để gặp nhóm kinh doanh, mời bạn bè, người quen tham gia. Song, sự chèo kéo của chị Trang bị nhiều người xa lánh, có người khuyên chị nên bỏ công việc này. Không bán được hàng, chị Trang đã dừng lại để không phải mất thêm tiền. Thế nhưng, cách đây hai tháng, có người mời chị tới nghe giới thiệu hình thức kinh doanh nhượng quyền online. Chị đã bỏ ra 500.000 đồng mua phiếu học nghiệp vụ, nhưng sau hai buổi học, chị đã dừng lại vì thấy nó na ná kiểu bán hàng chị đã trải qua.
Giống như chị Trang, chị An nhà ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cũng tìm đến một công ty bán hàng đa cấp để tìm cơ hội đổi đời. Chị An vay người quen hơn 50 triệu đồng để mua hàng về bán. Phải mất hơn năm tháng sau chị mới nhận ra mình đã sai lầm, muốn dứt ra nhưng chưa được. Hiện chị An đang đi làm kiếm tiền trả cho người thân.