ĐỨC TÂM -
Thông tin quảng cáo về các trường, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế nghe hấp dẫn không chỉ đối với học sinh mà cả phụ huynh, những người đang muốn tìm môi trường học hành mới cho con cái mình. Song, dưới góc nhìn của những người trong ngành, trường “chuẩn quốc tế” không lung linh đến vậy.
Tìm hiểu kỹ
Sau khi có điểm tốt nghiệp của con, ông Nguyễn Quang, một phụ huynh ở quận 1, TPHCM liên hệ với một số trường để tìm hiểu về chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, có liên kết với nước ngoài để đăng ký xét tuyển học bạ cho con theo học. Từ lâu, ông Quang đã muốn cho con du học nhưng còn lo ngại con mình không dễ thích nghi được với môi trường nước ngoài. Ông hy vọng sau một thời gian học tại Việt Nam, như một bước đệm, con ông có thể dễ dàng thích nghi.
Theo một chuyên gia tuyển sinh ở một trường đại học tư tại TPHCM, số người như ông Quang không ít. Lý do được giải thích là chương trình liên kết giúp học sinh-sinh viên thích nghi với môi trường chuyển tiếp từ THPT lên đại học, rèn luyện Anh ngữ và tiết kiệm một khoản tài chính – dù tài chính không là vấn đề quan trọng với những người như ông Quang.
Sở dĩ ông Quang dễ dàng biết được các trường đào tạo theo chuẩn quốc tế là vì các chương trình này được quảng cáo rầm rộ trên báo đài và cả các chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn trường. Tuy nhiên, thế nào là chuẩn quốc tế? Và nên chọn các trường/chương trình đào tạo như thế nào để đảm bảo tránh tình trạng tiền mất tật mang?
Ông Hoàng Đức Bình, Trưởng phòng Truyền thông trường Đại học Hoa Sen, cho rằng không có cái gọi là chuẩn quốc tế cho các chương trình đào tạo. Dù các trường trên thế giới có thể được xếp hạng hoặc nhiều tổ chức kiểm định cũng thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, nhưng các tiêu chí xếp hạng hoặc kiểm định của mỗi tổ chức khác nhau và kết quả của nó đáp ứng cho các mục tiêu khác nhau.
Do vậy, cái gọi là chuẩn quốc tế rất chung chung và mơ hồ. “Theo tôi, phụ huynh chớ vội vàng kẻo bị lóa mắt với cái gọi là chuẩn quốc tế, thay vào đó nên quan tâm đến chất lượng một chương trình liên kết quốc tế”, ông Bình nói.
Đối với phụ huynh có khả năng tiếng Anh, hiểu về các hệ thống kiểm định thì việc xác định không mấy khó khăn. Họ có thể lên trực tiếp trang web của các trường liên kết để kiểm tra thông tin và tìm hiểu thêm qua mạng. Cụ thể, họ có thể vào trang web của trường liên kết để xem trường này có thực sự kiên kết với trường ở Việt Nam hay không, chương trình đào tạo của trường có được kiểm định hay không, được xếp hạng như thế nào và do tổ chức nào kiểm định.
Tuy nhiên, với phụ huynh không rành ngoại ngữ, cũng không rành về giáo dục thì công việc này vất vả hơn. Ông Bình gợi ý, cách đơn giản nhất là phụ huynh nhìn vào uy tín của trường đại học tại Việt Nam. Những trường đại học đã xây dựng được uy tín, học sẽ không lựa chọn các chương trình kém chuẩn mực để liên kết đào tạo.
Thêm một cách nữa là tìm hiểu xem trường đối tác nước ngoài đó có được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hay không. Điều này có thể kiểm tra qua trang http://vied.vn do Cục Đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông lâm TPHCM, cho biết gần đây khá nhiều thí sinh và phụ huynh có nhu cầu chọn trường theo chuẩn quốc tế. Từ nhu cầu này đã có nhiều chương trình liên kết quốc tế được sinh ra nhưng không bảo đảm chất lượng, chưa đạt chuẩn, chưa được kiểm định đã làm cho thí sinh và phụ huynh hụt hẫng với những gì chương trình quảng bá rầm rộ.
Ngoài ra, với những học sinh lựa chọn chương trình 1+3 (tức học 1 năm tại Việt Nam và 3 năm tại trường liên kết ở nước ngoài), 2+2 hoặc 3+1, thí sinh và phụ huynh cũng nên lưu ý hai điều. Một là chi phí các năm học tại nước ngoài, và hai là vai trò của cả hai trường trong việc bảo đảm thời gian học tập tại nước ngoài được thuận lợi và như cam kết. “Đã có nhiều trường hợp sinh viên gặp sự cố khi học ở nước ngoài”, ông Bình cảnh báo.
[box] Hiện nay, có hai chương trình mang tính quốc tế tương đối phổ biến tại Việt Nam. Một là các chương trình do các trường đại học Việt Nam giảng dạy nhưng được tổ chức kiểm định quốc tế công nhận. Ví dụ, hai ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính thuộc trường Đại học Bách khoa TPHCM được chứng nhận đạt chuẩn chất lượng ABET. ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) là một tổ chức kiểm định chương trình đào tạo, được thành lập từ năm 1932 bởi các hiệp hội ngành nghề của Mỹ. Hoặc chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt Pháp (PFIEV). PFIEV là chương trình được Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI) và Cơ quan kiểm định các chương trình đào tạo kỹ sư châu Âu (ENAEE) công nhận tương đương trình độ thạc sĩ. Dĩ nhiên, điểm tuyển sinh đầu vào của chương trình này rất cao.
Hai là chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài. Chương trình này, ngoài giá trị học thuật, ít nhiều mang tính thương mại. Do vậy điều kiện tuyển sinh đầu vào cũng thoáng hơn.[/box]
Học quốc tế dễ tìm việc?
Tốt nghiệp từ một trường đại học ở Anh về, Trần Thùy Hương vẫn đang tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp sau ba tháng tìm kiếm. Theo Thùy Hương, tốt nghiệp chương trình quốc tế giúp ứng viên xin việc có một bản sơ yếu lý lịch đẹp hơn. “Điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có công việc dễ dàng hơn. Quan trọng nhất, vẫn là năng lực của bạn phải phù hợp với nhu cầu công việc mà công ty đang tuyển”, Thùy Hương nhận định.
Nói về điều này, TS. Trần Đình Lý cho rằng ngoại ngữ và kiến thức vẫn chưa đủ. Điều không kém phần quan trọng là kỹ năng, thái độ và sự phù hợp của bản thân người học đối với doanh nghiệp.
Từng làm việc với nhiều doanh nghiệp đến trường tuyển sinh, ông Bình của Đại học Hoa Sen chia sẻ thêm, người sử dụng lao động thường ít quan tâm đến việc ứng viên tốt nghiệp từ đâu. Có chăng là chỉ một số trường đại học quá nổi tiếng trên thế giới mới tạo ấn tượng cho họ khi xét duyệt hồ sơ ban đầu. Theo ông, người dự tuyển cần phải chứng minh năng lực thực sự của mình thông qua sự chuẩn bị tốt về hồ sơ, thể hiện năng lực trong bài kiểm tra kiến thức và phỏng vấn chính thức.