Chủ Nhật, Tháng 7 27, 2025

Không phải cứ bệnh là dùng kháng sinh, cha mẹ cần hiểu đúng để con khỏe

(SGTT) - Nhiều phụ huynh tại Việt Nam có thói quen tự ý cho trẻ dùng kháng sinh khi bị ho, sốt, cảm cúm, dù phần lớn các bệnh này do siêu vi và không cần thuốc.

Việc lạm dụng có thể khiến trẻ nhỏ dễ bị nhờn thuốc, suy giảm miễn dịch và tăng tình trạng kháng kháng sinh. Ảnh minh họa

Kháng sinh không phải “vị cứu tinh” của mọi bệnh

Ngày 25-7, Diễn đàn giáo dục toàn diện 2025 với chủ đề “Nuôi dưỡng thân - tâm - tuệ giúp con vững vàng trong thế kỷ 21” tổ chức tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng Khoa nhi tại Hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, cho biết hiện thế giới phát hiện hơn 200 loại siêu vi gây bệnh hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trung bình trẻ em bị cảm, sổ mũi, sốt do siêu vi 8-10 lần/năm, thậm chí có thể lên tới 12-15 lần/năm.

Vì vậy, trẻ nhỏ cần được xây dựng một hệ miễn dịch tốt để phát triển khỏe mạnh. Để đạt được điều này, bác sĩ Đoàn khuyến cáo phụ huynh phải hạn chế cho trẻ nhỏ sử dụng kháng sinh khi không cần thiết. Thực tế, nhiều bệnh ở trẻ em như cảm, cúm, ho, sổ mũi… có thể tự khỏi mà không cần dùng đến kháng sinh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, rất nhiều phụ huynh có thói quen tự ý mua và cho trẻ dùng kháng sinh, kể cả khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh.

“Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa hàng đầu trên thế giới The Lancet cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh liên quan đến hô hấp dùng kháng sinh lên đến 97%. Như vậy, cứ 100 trẻ nhỏ thì có đến 97 bé dùng kháng sinh, dù phần lớn trong số này không cần thiết phải sử dụng”, bác sĩ Đoàn nói thêm.

Theo các số liệu thống kê, Việt nam thuộc một trong những quốc gia đứng đầu về tỷ lệ kháng kháng sinh. Lạm dụng kháng sinh ở trẻ em cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến các chủng vi khuẩn kháng thuốc sinh ra. Trẻ có thể đáp ứng tốt với kháng sinh trong những lần đầu nhưng nhanh chóng nhờn thuốc bởi vi khuẩn đã biến thể. Từ đó, trẻ em có thể dần trở nên kém cỏi để chống lại sự nhiễm trùng thông thường ngay cả bệnh cảm cúm.

Do đó, khi đưa trẻ đi khám, phụ huynh nên trao đổi kỹ với bác sĩ nguyên nhân gây ra bệnh là vi khuẩn hay siêu vi. Nếu sốt siêu vi (bệnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau) thì kháng sinh không điều trị được virus, phụ huynh không nên sử dụng.

“Chỉ dùng kháng sinh đối với những bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn. Còn những bệnh do siêu vi thì không cần phải sử dụng cho trẻ”, bác sĩ Đoàn nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn, Trưởng Khoa nhi tại Hệ thống phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, tại Việt Nam, nhiều phụ huynh có thói quen tự ý mua và cho trẻ dùng kháng sinh, kể cả khi chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh. Ảnh: M.T

Không còn suy dinh dưỡng, trẻ Việt béo phì vì chăm sai cách

Để trẻ có miễn dịch tốt, bác sĩ Đoàn cho biết thêm yếu tố “ăn đủ chất, ngủ đủ giấc” cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, trẻ em Việt Nam không còn đối mặt với suy dinh dưỡng như trước đây mà lại gặp tình trạng béo phì, biếng ăn do thừa sữa, thiếu vận động. Nguyên tắc dinh dưỡng vàng là ăn đủ bốn nhóm chất (đường, đạm, béo, rau quả), uống sữa vừa phải (200-400ml/ngày), không ép ăn và tránh đồ ăn vặt.

Vị bác sĩ này cũng khuyến nghị cha mẹ nên cho trẻ uống vitamin D bổ sung nếu trẻ không được hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10-15 giờ/mỗi ngày. Điều này giúp hỗ trợ miễn dịch tự nhiên cho trẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Đoàn cho rằng trẻ nhỏ cũng phải được tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các loại vaccine như phế cầu, cúm… Hiện các thông tin lan truyền chống lại việc tiêm chủng hầu hết là giả mạo hoặc không có căn cứ. Việc tiêm chủng định kỳ, đúng lịch bao gồm cả các mũi nhắc lại là rất cần thiết, đặc biệt trong những năm đầu đời.

Theo các chuyên gia, những hoạt động như chơi đùa, quan sát cây cỏ... không chỉ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, mà còn kích thích sự phát triển trí tuệ và cảm xúc. Ảnh minh họa: M.T

Bên cạnh việc ăn uống đủ chất và hệ miễn dịch khỏe, tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng lối sống lành mạnh chính là yếu tố giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong xã hội hiện đại, nhiều trẻ nhỏ dành quá nhiều thời gian trước màn hình tivi, điện thoại, trong khi lại thiếu vận động, ít tiếp xúc với thiên nhiên.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ  Đinh Xuân Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Cochin (Pháp), cho rằng trẻ nhỏ phát triển toàn diện cần nuôi dưỡng song hành ba yếu tố thân (sức khỏe thể chất), tâm (cảm xúc nội tâm) và tuệ (tư duy, nhận thức). Ông ví tuổi mới lớn như một “cánh đồng xanh” đầy tiềm năng nhưng cũng dễ tổn thương nếu không được chăm sóc đúng cách.

Vì vậy, trẻ nhỏ không chỉ cần ăn uống, vận động lành mạnh mà còn cần được chăm sóc tinh thần bằng cách yêu thương, lắng nghe cảm xúc, cũng như hướng dẫn để hiểu bản thân, hiểu người để phát triển khả năng tư duy độc lập. Đây là nền tảng để hình thành trí tuệ và sự đồng cảm khi trẻ phát triển trong tương lai.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Gần 1/5 số trẻ trong độ tuổi đi học bị béo...

0
Chỉ trong vòng 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi học đường từ 5-19 tuổi tăng từ...

Bản tin 360 độ sống khỏe: Tìm hiểu phương pháp giảm...

0
(SGTT) - Theo các bác sĩ, đối tượng có thể thực hiện phương pháp thu nhỏ dạ dày là người từ 18-60 tuổi. Sau...

Báo động về kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam

0
(SGTT) - Kháng thuốc kháng sinh đã trở thành thực trạng đáng báo động tại Việt Nam. Việc sử dụng kháng sinh không hợp...

Béo phì, khớp gối và Covid-19

0
Thừa cân - béo phì không chỉ khiến cơ thể người nặng nề, mất đi dáng vẻ thời thanh xuân mà còn gây ra...

Báo động tình trạng trẻ béo phì tăng gấp đôi chỉ...

0
(SGTT) – Tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì sau 10 năm đã tăng gấp 2 lần. Trong đó, trẻ em ở thành...

Béo phì làm tăng nguy cơ tử vong do Covid

0
(SGTT) - Theo CNN, một kênh tin tức hàng đầu tại Mỹ, nguy cơ tử vong do Covid-19 cao hơn khoảng 10 lần ở...

Kết nối