(SGTT) - Dự báo, bão số 3 (bão Waphi) ảnh hưởng diện rộng, gây mưa lớn ở khu vực phía đông Bắc bộ, một số nơi ở phía tây Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ.
- Các hãng hàng không chủ động ứng phó mưa lớn ở miền Bắc
- Mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, ngập úng tại nhiều địa phương
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tính đến 11 giờ ngày 19-7, bão Wipha (bão số 3) mạnh cấp 9, tăng một cấp trong 24 giờ vừa qua. Đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh (trung bình khoảng 20km/h), gây mưa lớn và gió mạnh lệch về phía Tây và phía Nam, Baochinhphu.vn đưa tin.
Trung tâm cảnh báo những tác động do bão số 3 gây ra, trong đó có gió mạnh, sóng lớn trên biển. Trong 24 giờ tới, trên khu vực phía bắc và giữa của Biển Đông (vùng biển đặc khu Hoàng Sa) sẽ có gió lớn, sóng mạnh. Vùng biển phía Bắc của khu vực bắc Biển Đông là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 10-12, gió giật cấp 15, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-6m.

Hai ngày tiếp theo, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn do bão. Đến ngày 22-7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, mưa lớn và nước dâng, sóng biển cao 3-5m. Sóng lớn kết hợp thủy triều ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển khu vực trên (từ trưa và chiều các ngày 21 đến 23-7).
Trên đất liền, bão số 3 có ảnh hưởng rộng, hầu khắp khu vực phía đông Bắc bộ, một số nơi ở phía tây Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động mạnh nhất từ bão.
Dự báo bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Mưa sẽ kéo dài đến 24-7, có nơi sẽ có mưa lớn cục bộ với lượng mưa trên 150mm/3 giờ.
Khoảng thời gian này, trên các sông ở Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên từ 3-6m, có thể gây ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, đô thị, khu vực tập trung dân cư và lũ quét, sạt lở đất trên các sườn dốc tại vùng núi Bắc bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.
Cũng theo bản tin trên, để ứng phó với bão và nguy cơ mưa lớn, nhiều chuyên gia thuỷ văn đề nghị, với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, địa phương theo dõi diễn biến của bão; quản lý tàu thuyền ra khơi. Cùng với đó là triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản, đặc biệt đối với các điểm du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và các công trình trên biển, trên đảo, khu vực ven biển. Cơ quan chức năng chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Một số giải pháp ứng phó đối với khu vực đất liền của Bắc bộ và bắc Trung bộ là rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm, chống úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống viễn thông, hệ thống lưới điện.
Việc rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, thủy lợi nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng xử lý tình huống có thể xảy ra là cần thiết.